Đề xuất mô hình “Xe điện tử” khắc phục tồn tại Uber, Grab
Cách nào giải quyết bất cập mô hình hợp tác xã vận tải bình phong cung cấp nhân lực cho Grab, Uber hiện nay?
Lái xe tham gia vào hệ thống Uber, Grab không được ký hợp đồng lao động nên không được đảm bảo các quyền lợi như các lao động khác - Ảnh: Tạ Tôn |
Hợp tác xã chỉ… “bán” phù hiệu vận tải
Theo Quyết định 24 về thí điểm ứng dụng công nghệ trong kết nối hoạt động vận tải, loại hình “taxi công nghệ” như Uber, Grab và các xe dịch vụ dưới 7 chỗ kết nối phần mềm phải thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) vận tải. Vì thế, nhiều HTX được lập ra chỉ nhằm mục đích làm trung gian dịch vụ, làm thủ tục thu tiền, bán phù hiệu vận tải mà không biết xã viên của mình đang hoạt động ra sao.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc HTX GTVT Toàn Cầu - đơn vị có hàng nghìn xe hợp tác với Grab cho biết, Grab đang ký hợp đồng dịch vụ với trên 200 HTX. Đa số các HTX hợp tác với Grab chỉ là nơi bán phù hiệu vận tải, không có quản trị doanh nghiệp. Thực tế, các HTX hợp tác với Grab không quản lý doanh thu, lợi nhuận, thuế, không chịu trách nhiệm về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của tài xế nên không quản lý được họ. Lái xe tham gia vào hệ thống Uber, Grab hiện nay tại Việt Nam bản chất là những người lao động nhưng không được ký hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm Y tế, bảo hiểm xã hội nên không được hưởng quyền lợi như các lao động khác.
"Liên hiệp HTX Điện tử sẽ hỗ trợ lái xe của các đơn vị vận tải cài đặt ứng dụng kết nối. Hành khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ đặt xe sẽ tải ứng dụng “Xe Điện tử” vào thiết bị di động và đăng ký tài khoản sử dụng. Việc hành khách tải ứng dụng kết nối, đăng ký tài khoản và thao tác nhấn nút đặt xe ô tô có giá trị thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản. Trong trường hợp không kết nối bằng ứng dụng “Xe Điện tử”, khách hàng có thể tiếp cận trực tiếp qua “Đèn điện tử” được gắn trên nóc xe và được sử dụng hợp đồng điện tử trên thiết bị di động của lái xe trước khi thực hiện hợp đồng vận chuyển”. Giám đốc HTX GTVT Toàn Cầu Nguyễn Xuân Tuấn |
“Uber, Grab là người thu tiền của khách hàng và lái xe sau đó mới phân phối lại cho lái xe. Thế nhưng khi xảy ra rủi ro với hành khách đi xe Grab, Uber mất tiền, bị ngược đãi, Grab, Uber lại phủi trách nhiệm”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, khi chính sách kinh doanh từ Uber, Grab bất ngờ thay đổi như bán cho doanh nghiệp khác, bị doanh nghiệp khác thôn tính; hoặc Uber, Grab độc quyền thay đổi chính sách như tăng chiết khấu sẽ khiến HTX và tài xế gặp nhiều rủi ro. Việc Uber rút khỏi thị trường Việt Nam vừa qua để lại nhiều hệ lụy. Trong đó, có thể kể đến Uber ôm theo tiền thuế do tài xế nộp cho ngân sách Nhà nước và hàng nghìn tài xế có nguy cơ mất việc làm. “Có thể lúc nào đó, Grab cũng sẽ bán cho một công ty đa quốc gia khác như Uber đã bán cho Grab thì hệ lụy của nó sẽ lớn hơn nhiều”, ông Tuấn phân tích.
Tại hội nghị sơ kết Luật HTX GTVT mới đây, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, nhiều HTX hoạt động trên danh nghĩa. HTX thực chất thành lập để thực hiện các dịch vụ thủ tục giấy tờ cho các hộ cá thể có phương tiện, có nhu cầu kinh doanh vận tải. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động kinh doanh, nếu xảy ra vấn đề gì nhiều HTX không hay biết, hoặc lẩn tránh trách nhiệm. Có những HTX còn không có tài sản chung, tiếng nói chung, tổ chức hoạt động vận tải chưa bài bản, phương pháp quản lý thủ công, hiệu quả kinh doanh thấp.
“Đây là nguyên nhân khiến phần lớn các HTX làm ăn nhỏ lẻ, phân tán, việc thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải của nhiều HTX vận tải còn lỏng lẻo”, ông Ngọc nhận định.
Đề xuất mô hình taxi công nghệ kiểu mới
Mới đây, HTX GTVT Toàn Cầu đã trình Bộ GTVT xin thí điểm mô hình mới là Liên hiệp HTX Vận tải Điện tử. Mô hình này được đánh giá là khắc phục những bất cập của các HTX đang hợp tác cùng Uber, Grab.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn cho biết, với mô hình mới này người dân có thể tiếp cận xe bằng ứng dụng “Xe Điện tử kết nối tương tự như Uber, Grab hoặc tiếp cận xe nhanh nhất bằng nhận diện đèn báo điện tử gắn trên nóc xe.
“Sau khi đã lên xe, khách hàng có thể mở bất cứ một ứng dụng (App) gọi xe nào mà khách hàng biết để tính giá cước cho chuyến đi và hợp đồng điện tử được xác lập trên ứng dụng đó, ngay cả với ứng dụng của Grab. Tuy nhiên, ứng dụng “Xe Điện tử” sẽ rẻ hơn bất cứ ứng dụng nào đó trong cùng một thời điểm”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, vận tải hành khách là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, chủ thể tham gia phải đáp ứng năng lực vận tải, đảm bảo cung cấp cho khách hàng chuyến đi an toàn. Theo đề án thí điểm này, các tài xế tham gia hình thức vận tải hợp đồng điện tử phải trực thuộc các pháp nhân là HTX hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh vận tải. Đặc biệt, tài xế sẽ được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đảm bảo đầy đủ các quyền lợi của người lao động. Đồng thời, họ sẽ được đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn, được khám kiểm tra sức khỏe định kỳ. Phương tiện vận chuyển được kiểm tra định kỳ theo quy định của Luật GTĐB.
Các HTX đang hoạt động kinh doanh vận tải sẽ thành lập Liên hiệp HTX có đầy đủ các thành phần là công ty, các tổ chức, các HTX thực hiện sàn giao dịch vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thống nhất. Các đơn vị khác cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ GTVT phê duyệt.
Đặc biệt, phương tiện tham gia thí điểm là xe ô tô dưới 9 chỗ, có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, được cấp phù hiệu xe hợp đồng và có niên hạn sử dụng không quá 8 năm. Xe sẽ được lắp đèn điện tử “Xe Điện tử” nếu xe hoạt động theo hình thức hợp đồng. Xe sẽ được lắp đèn điện tử “Xe Hợp đồng Điện tử” hay “Xe taxi Điện tử” để nhận diện xe hợp đồng điện tử, tự động tắt khi có khách, tự động sáng khi không có khách. Đèn điện tử kèm thương hiệu hãng được điều khiển tự động, khi đèn nổi có thể nhận diện được xe kinh doanh vận tải. Khi gập xuống sẽ trở thành xe cá nhân hoạt động bình thường.