ĐBQH mong lời hứa đầu tư 2 tỷ USD cho giao thông ĐBSCL sớm thành hiện thực
ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết, Thủ tướng, cùng bộ ngành đã hứa đầu tư 2 tỷ USD cho giao thông vùng ĐBSCL và mong lời hứa đi vào hiện thực sớm nhất.
Chiều nay (8/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận toàn thể tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)
Đề nghị đẩy nhanh xây cao tốc tại ĐBSCL
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ quan tâm tăng cường giải ngân, thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giao vốn đầu tư công; đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, trong đó, có đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Đại biểu Hòa cho biết, quy hoạch chuyên ngành giao thông giai đoạn 2021-2025 cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có một số đường cao tốc như: Cần Thơ - Sóc Trăng - Cà Mau; Hà Tiên - Rạch Giá… nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho vùng.
"20 triệu dân ĐBSCL rất phấn khởi với những tín hiệu lạc quan về phát triển hạ tầng giao thông cho vùng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển giao thông của vùng hiện nay vẫn chưa đạt như kỳ vọng", đại biểu Hoà nói vàmong Chính phủ quan tâm, phân bổ vốn đầu tư cho các dự án này.
"Làm việc với các tỉnh ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ, cùng các bộ, ngành đã hứa đầu tư 2 tỷ USD vốn vay cho vùng. Mong lời hứa thành hiện thực trong thời gian sớm nhất", đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đề xuất phát triển đội tàu container lớn
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (tỉnh Tiền Giang) thì cho rằng, tính liên kết vùng giữa các địa phương hiện còn lỏng lẻo. Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong việc xây dựng cơ chế quản lý, điều hành nhằm khắc phục tồn tại trong thời gian qua, tạo điều kiện thúc đẩy liên kết vùng.
Thứ hai, để đạt được mục tiêu tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, vị đại biểu đoàn Tiền Giang cho rằng cần đẩy mạnh phát triển đội tàu container lớn, phục vụ chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển. Muốn vậy, Việt Nam cần phải thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ các thành phần kinh tế.
"Chính phủ cần nghiên cứu, ban hành một số chính sách đặc thù như đấu thầu, chỉ định thầu, giảm, miễn thuế, hỗ trợ tài chính trong giai đoạn đầu phát triển đội tàu, chính sách đào tạo, phát triển thuyền viên, chính sách khuyến khích hợp tác giữa chủ tàu lớn, chủ hàng lớn", ông Sơn đề xuất.