Xã hội

ĐBQH: "Sao lại đổ hết tội cho bác sĩ Hoàng Công Lương?"

22/05/2018, 11:56

"Sao lại đổ hết tội cho một bác sỹ trực tiếp lo cứu chữa cho bệnh nhân như bác sĩ Hoàng Công Lương?".

pham-khanh-phong-lan

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan

Thiếu hệ thống pháp lý bảo vệ bác sĩ

Hàng loạt những vấn đề bức xúc trong ngành y tế đã được các ĐBQH đặt ra trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội diễn ra sáng 22/5. Về thực trạng bác sĩ gần đây bị tấn công, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng hầu như chúng ta chưa đưa ra được giải pháp cụ thể nào. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa tạo ra được hành lang pháp lý, cơ chế bảo vệ nhân viên y tế, mà điển hình là vụ việc bác sĩ Hoàng Công Lương đang bị xét xử, gây nhiều tâm lý hoang mang.

“Việc xử đúng người đúng tội còn đang chưa rõ ràng, tại sao lại đổ hết tội cho một bác sỹ trực tiếp lo cứu chữa cho bệnh nhân trong khi bác sỹ đó làm sao biết dược chất lượng nước để chạy thận như thế nào?”, bà Lan băn khoăn.

Bà cũng đặt vấn đề: “Nếu có tiêu cực trong việc sử dụng nước và những thiết bị đó thì ai là người hưởng lợi? Không thể là bác sỹ điều trị dưới khoa mà ở các cấp lãnh đạo, cấp khoa, cấp bệnh viện và giám đốc công ty cung cấp trang thiết bị”.

So sánh với các nước có cả hệ thống pháp lý bảo vệ các bác sĩ, bà Lan cho rằng chúng ta cũng cần có cơ chế này.

Ngoài ra, ĐBQH này cho rằng, quan trọng nhất với ngành y, bên cạnh cơ sở vật chất, trang thiết bị là nguồn nhân lực, tuy nhiên không thấy có đề xuất chính thức của Bộ Y tế về cơ chế đãi ngộ cho cán bộ y tế. Đại biểu mong muốn mức lương của bác sỹ bằng nhân viên bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết 1083 của Quốc hội khóa XIII, tức là 1,8 lần lương và lương trung bình là 8,86 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức lương lý tưởng của ngành y tế.

Hiện nay, theo bà Lan, đang có một thực tế, các nhân viên y tế đang  phải chân trong chân ngoài, làm thêm ở bên ngoài, thậm chí rời bỏ hệ thống công lập để ra hệ thống tư nhân với mức lương gấp mấy chục lần. “Chúng ta kêu gọi bác sỹ phải thể hiện y đức nhưng chúng ta phải tạo môi trường để người ta phải thể hiện được y đức đó”, bà Lan góp ý.

ĐBQH Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) cũng cho rằng: “Tấn công cán bộ y tế - người đang điều trị cho bệnh nhân có nghĩa là đã tước đi quyền được điều trị của các bệnh nhân kế tiếp. Việc này giống như tấn công phi công và lái xe khi họ đang thi hành nhiệm vụ".

"Nếu chúng ta không quan tâm đến vấn đề này, để sự việc ngày càng phức tạp, sẽ gây khó khăn cho quá trình điều trị giữa các bác sỹ và bệnh nhân”, ông Lộc nói.

Thuốc giả, thuốc lậu đe dọa tính mạng bệnh nhân

Trước đó, ĐB Nguyễn Phước Lộc nêu thực tế hoạt động sản xuất buôn bán thuốc, dược phẩm chưa được quản lý chặt chẽ, vẫn còn tình trạng thuốc giả, thuốc lậu,  thuốc kém chất lượng và một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội như vụ thuốc Vinaca quảng cáo hỗ trợ và điều trị ung thư nhưng lại được sản xuất từ bột than tre.

Là người công tác trong ngành y tế, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đồng tình quan điểm này và mong muốn, vụ Vinaca sẽ được xử lý nghiêm để có tính răn đe đối với những trường hợp khác. “Sức khỏe, tính mạng của người dân chúng ta đang bị đe dọa bởi những con người vụ lợi và mất đạo đức này”, bà Lan nói.

hoang-cong-luong

Vụ việc của bác sĩ Hoàng Công Lương cho thấy chúng ta chưa có cơ chế bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế