Đầu tư gần 7.000 tỷ đồng xây sân bay Sa Pa theo hình thức BOT
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo hình thức BOT
Đầu tư theo hình thức BOT
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; đồng thời đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo quốc phòng, an ninh của khu vực Tây Bắc nói chung và của tỉnh Lào Cai nói riêng, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển GTVT.
Phối cảnh cảng hàng không Sa Pa
Theo đó, trong giai đoạn 1, xây dựng Cảng hàng không Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai, đạt tiêu chuẩn là cảng hàng không cấp 4C (theo phân cấp của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II đạt công suất 1,5 triệu hành khách/năm.
Giai đoạn 2 (hoàn thiện), sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 3 triệu hành khách/năm đảm bảo phù hợp với quy hoạch.
Dự kiến thời gian thực hiện dự án 50 năm, trong đó thời gian xây dựng dự kiến 4 năm, thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn 46 năm).
Giai đoạn 1 của dự án sẽ được triển khai ngay từ năm 2021. Giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2028.
Dự kiến loại hợp đồng dự án PPP. Trong đó, dự án thành phần 1 (giải phóng mặt bằng và tái định cư): thực hiện theo hình thức đầu tư công. Dự án thành phần 2 (xây dựng cảng hàng không) thực hiện theo hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (hợp đồng BOT).
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng gần 7.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 4.180 tỷ đồng (dự án thành phần 1 giải phóng mặt bằng và tái định cư hơn 532 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 xây dựng cảng hàng không hơn 3.651 tỷ đồng).
Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là hơn 2.765 tỷ đồng (bao gồm hơn 160 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và tái định cư) và hơn 2.604 tỷ đồng xây cảng hàng không).
Sẽ tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc
Về phương án tài chính, quyết định nêu rõ trong giai đoạn 1, vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng) là hơn 2.990 tỷ đồng, vốn nhà nước hơn 1.193, tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách trung ương đầu tư theo ngành, lĩnh vực 600 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương tự cân đối 593,445 tỷ đồng).
Giai đoạn 2, vốn do nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng) hơn 1.228 tỷ đồng. Vốn nhà nước tham gia trong dự án (vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương tự cân đối và các nguồn thu hợp pháp khác) hơn 1.537 tỷ đồng.
UBND tỉnh Lào Cai chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí; Bảo đảm cân đối, bố trí đủ, kịp thời vốn ngân sách địa phương tham gia Dự án.
Địa phương cũng phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định và ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành; Tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc đối với nhà ga hàng không dân dụng theo quy định của pháp luật về kiến trúc; Tổ chức giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật PPP và pháp luật liên quan.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan rà soát, cân đối và bố trí đủ vốn trong tổng mức vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.