Đấu giá biển số xe: "Muốn cả chì lẫn chài sẽ khó thực hiện"
Theo luật sư, để thực hiện được Đề án đấu giá biển số xe ô tô cần đảm bảo những quy định pháp lý.
Theo luật sư, để thực hiện được Đề án đấu giá biển số xe ô tô cần đảm bảo những quy định pháp lý để người trúng đấu giá được quyền sở hữu, sử dụng và định đoạt đối với biển số xe đẹp. Ảnh Thanh Tùng |
Lấn cấn về quyền định đoạt
Vừa qua, Bộ Công an tổ chức họp lấy ý kiến về dự thảo đề cương Đề án đấu giá biển xe ô tô. Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, để đưa biển số xe ra đấu giá, việc đầu tiên và bắt buộc phải xác định được biển số xe là tài sản. Tuy nhiên, quyền tài sản lại bao gồm cả quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Khi đó, biển số sẽ thành tài sản cá nhân, không còn là giấy tờ, tài liệu của cơ quan Nhà nước nên chủ sở hữu có thể cho, tặng, bán biển xe đó cho người khác. Điều này sẽ làm thay đổi nguyên tắc quản lý phương tiện hiện hành. Nếu giao cho dân quyền định đoạt như thế, có thể sẽ phá vỡ quản lý về cấp biển số xe.
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Mai, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp), người cũng tham dự cuộc họp nói trên cho rằng, mọi quyết định là do Bộ Công an, Bộ Tư pháp chỉ tham gia góp ý kiến. Quan điểm của Bộ Tư pháp là tài sản nào được phép giao dịch thì tài sản đó được đem ra đấu giá. Về quy định thì luật đã quy định đầy đủ trình tự thủ tục đấu giá tài sản. Còn với những vấn đề chuyên sâu hơn như quyền sở hữu, sử dụng biển số xe sau đấu giá thì Bộ Công an đang xây dựng.
Theo bà Mai, khi tính đến chuyện có trao cho người trúng đấu giá được quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt biển số xe đẹp hay không, cần phải cân nhắc giữa lợi ích của việc thu được từ bán đấu giá biển số xe với lợi ích của việc quản lý đô thị. Bởi, biển số xe đẹp không phải là tài sản đơn thuần như là một chiếc ô tô, xe máy mà còn là công cụ của Nhà nước để quản lý hành chính, trật tự.
Sau đấu giá phải là của riêng?
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO) cho rằng, nếu đã coi biển số đẹp là tài sản thì sau đấu giá, người trúng đấu giá có thể cho, tặng hoặc chuyển nhượng biển số họ đã trúng đấu giá cho người khác. “Nếu coi biển số xe là tài sản công thì cái gì cũng được coi là tài sản công hết, không thể làm được gì. Nó là tài sản công khi Nhà nước quản lý, Nhà nước cấp, chứ sau đấu giá, tài sản đó thuộc về người dân rồi thì phải là của riêng. Có như vậy, người dân mới sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để đấu giá và chắc chắn mục tiêu của đề án không nằm ngoài việc thu càng nhiều tiền càng tốt về cho ngân sách thông qua đấu giá biển số xe đẹp”, ông Đức nêu quan điểm.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cũng phân tích: “Mức đấu giá do cơ quan quản lý đưa ra, còn đấu giá xong thì tài sản đó thuộc về người trúng đấu giá, đó là tài sản của người ta. Giống như tôi mua căn nhà 2 tỷ đồng, sau vài năm lên 10 tỷ đồng thì tôi được hưởng lợi, vì đó là tài sản của tôi chứ đâu phải tài sản Nhà nước?”, ông Hậu so sánh và cho rằng, điều này được quy định rõ trong Luật Dân sự, muốn quản lý tài sản này sau đấu giá là không được vì sẽ vi phạm quy tắc dân sự. “Anh quản lý mà lúc nào cũng muốn được cả chì, lẫn chài thì không bao giờ thực hiện được. Ở các nước người ta cũng không quản lý như thế”, ông Hậu góp ý.
Theo Đại tá Trần Quốc Trung, Phó cục trưởng Cục CSGT (C67 - Bộ Công an), Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính thành lập tổ nghiên cứu và xây dựng cơ chế đấu giá biển số đẹp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở nghiên cứu phương thức, cơ chế đấu giá biển số xe, Bộ Công an đang đề nghị Chính phủ cho thí điểm thực hiện ở 5 thành phố lớn gồm: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Ngoài 5 TP trên, nếu tỉnh, thành nào đề nghị và đủ điều kiện thì cũng sẽ thực hiện thí điểm luôn. Sau một thời gian thí điểm, Bộ Công an sẽ hoàn chỉnh cơ chế đấu giá biển số xe và trình Chính phủ duyệt để triển khai trên toàn quốc cho cả ôtô và xe máy. |
“Hài hòa quyền lợi của người trúng đấu giá và Nhà nước”
Còn theo ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), người đã rất nhiều lần nêu vấn đề đấu giá biển số xe trên diễn đàn Quốc hội, trước đây một số địa phương đã thực hiện thí điểm việc đấu giá biển số xe đẹp, mang lại một khoản tiền đáng kể. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, biển số xe nói chung và biển số xe đẹp nói riêng chưa được xác định là một loại tài sản nên chưa có căn cứ để thực hiện việc đấu giá. Với việc kỳ họp 13 Quốc hội khóa XIV vừa qua đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì việc đấu giá đã có căn cứ để thực hiện (Điều 4 quy định Phân loại tài sản công quy định "…kho số khác phục vụ quản lý nhà nước…".
Trên cơ sở nghiên cứu phương thức, cơ chế đấu giá biển số xe, Bộ Công an đang đề nghị Chính phủ cho thí điểm thực hiệnở 5 thành phố lớn. |
Theo ông Cảnh, luật đã quy định biển số xe là một loại tài sản công. Tuy nhiên, các cơ quan Nhà nước thực hiện một số công tác quản lý nhà nước đối với chủ phương tiện (chủ xe) và phương tiện giao thông (xe) thông qua việc quản lý, kiểm soát biển số xe. Vì vậy việc đấu giá biển số xe đẹp ngoài việc thỏa mãn nhu cầu của chủ xe, đảm bảo một số quyền của chủ xe sau khi đấu giá, cũng cần bảo đảm các cơ quan quản lý không gặp khó khăn trong việc quản lý các phương tiện giao thông. “Để đảm bảo hài hòa quyền lợi, đối với biển số xe đẹp mà chủ xe có được qua đấu giá, chủ xe có quyền sử dụng đối với xe thuộc sở hữu của mình đến khi xe hết hạn sử dụng như không quá 20 năm. Khi chủ xe bán xe, biển số có thể được chuyển giao theo xe hoặc nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chủ xe được quyền đăng ký với cơ quan quản lý để giữ biển số xe đó cho xe mới tiếp theo của mình”, ông Cảnh đề xuất.
Để tăng tính khả thi trong việc thực hiện đấu giá biển số xe đẹp, ông Cảnh cho rằng, trước hết phải xác định biển số xe như thế nào là đẹp thông qua các đợt khảo sát ý kiến người dân. Còn đối với biển số mà chỉ được xem là đẹp đối với một số cá nhân như số ngày sinh, ngày đặc biệt đối với họ thì chỉ cần quy định một mức phí cụ thể, ví dụ 20 triệu/ biển số mà không cần đấu giá.