Đắk Nông: Liên tiếp xô xát vì mâu thuẫn đền bù dự án điện gió
Từ khi các dự án điện gió triển khai ở huyện Đắk Song (Đắk Nông), liên tiếp các vụ xô xát đã xảy ra giữa người của đơn vị thi công và người dân.
Từ khi các dự án điện gió triển khai ở huyện Đắk Song (Đắk Nông), liên tiếp các vụ xô xát đã xảy ra giữa người của đơn vị thi công và người dân, gây mất an ninh trật tự.
Nguyên nhân là do người dân và chủ đầu tư chưa thống nhất được mức đền bù giải phóng mặt bằng.
Công an đang khám nghiệm hiện trường để điều tra vụ một nhóm thanh niên đập phá tài sản của người dân do liên quan đến việc thỏa thuận bồi thường giữa người dân và phía công ty điện gió
Liên tiếp xảy ra xô xát, đánh người
Cuối tháng 9 vừa qua, liên tục xảy ra các vụ xô xát giữa người dân địa phương và người thuộc đơn vị giải phóng mặt bằng của Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông - chủ đầu tư các dự án điện gió Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3 ở huyện Đắk Song.
Đối với những vụ gây mâu thuẫn, xô xát với người dân tại khu vực dự án điện gió, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, lực lượng công an tập trung xử lý nghiêm, không để bức xúc trong nhân dân tạo thành “điểm nóng” mất an ninh trật tự.
Quan điểm của tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thực hiện dự án, nhưng phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, quá trình thực hiện phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Do đó, chính quyền địa phương và chủ dự án phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, tạo điều kiện cho dự án hoàn thành.
Ông Lê Trọng Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông
Theo ông Trương Văn Túy (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song), gia đình ông có khoảng 0,4ha đất nông nghiệp và căn nhà bị ảnh hưởng do dự án điện gió thi công.
Ông Túy yêu cầu phía công ty điện gió bồi thường 1,2 tỷ đồng cho số tài sản của gia đình bị ảnh hưởng.
Quá trình thỏa thuận không thành công nên giữa ông Túy và người phía công ty điện gió đã có những mâu thuẫn.
“Chiều 19/9, người đại diện phía công ty điện gió cùng hơn 10 thanh niên xăm trổ đi 3 xe ô tô đến nhà tôi để thỏa thuận bồi thường. Người phía công ty điện gió đưa ra mức bồi thường thấp so với mức thiệt hại nên tôi không đồng ý. Sau đó, nhóm thanh niên bất ngờ đánh tôi giữa sự chứng kiến của nhiều người trong gia đình”, ông Túy kể lại.
Cũng chiều 19/9, anh em anh Trần Anh Tèo (xã Thuận Hạnh) bị một nhóm người chặn đánh khi không thống nhất mức bồi thường thiệt hại phía công ty điện gió đưa ra.
Nhiều người dân xã Thuận Hà và Thuận Hạnh cũng bị các đối tượng đập phá tài sản, chặt phá cây trồng khi đang trong quá trình thỏa thuận bồi thường với phía công ty điện gió.
Bà Đoàn Thị Tốt, Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh cho hay: “Người dân đòi bồi thường giá cao hơn gấp 5 - 10 lần, thậm chí hàng chục lần so với giá trị thực tế. Doanh nghiệp không thỏa thuận được, nên người dân kéo nhau ra ngăn cản dẫn đến xô xát”.
Hộ ông Dương Văn Chương (ở bản Đắk Thốt, xã Thuận Hà) đã dựng 4 cây tre cao khoảng 10m quanh nhà không cho xe chở cánh quạt điện gió đi qua và yêu cầu bồi thường
Thượng tá Nguyễn Đức Thùy, Trưởng Công an huyện Đắk Song cho biết, công an đã vào cuộc điều tra, triệu tập 8 đối tượng liên quan đến các vụ xô xát lên làm việc. Trong đó, có ông Phạm Tùng Nam (quản lý thi công đường dây 35kV của các Dự án điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3).
“Tại cơ quan công an, ông Nam khai nhận đã thuê nhiều thanh niên trong và ngoài tỉnh hỗ trợ việc thỏa thuận giải phóng mặt bằng cho các dự án điện gió. Quá trình thỏa thuận không thành công nên đã xảy ra mâu thuẫn và xô xát với người dân”, Thượng tá Thùy nói và cho biết, đã yêu cầu người dân giám định thương tích, xác định tài sản bị thiệt hại, nếu đủ yếu tố, sẽ xử lý hình sự.
Tạo đồng thuận trong dân
Dự án điện gió đang thi công tại xã Thuận Hạnh
Ông Võ Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết, dự án điện gió Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3 được phê duyệt khởi công đầu năm 2021, với tổng công suất 300MW, chi phí đầu tư 10.500 tỷ đồng.
Chủ đầu tư đã chọn phương án tự thỏa thuận, bồi thường giải phóng bằng với người dân để thi công kịp tiến độ trước ngày 1/11. Tuy nhiên, trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư không thống nhất được mức giá bồi thường.
Ông Tuấn cho hay, có nhiều hộ dân ép doanh nghiệp phải bồi thường mức giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá trị thực tế của tài sản nên mâu thuẫn đã phát sinh.
Hơn nữa, nhiều hộ dân lợi dụng dự án đầu tư để trục lợi. Hiện UBND huyện đã xác định có 98 căn nhà dựng lên trong khu vực doanh nghiệp đang thỏa thuận để xây dựng công trình điện gió nhằm trục lợi bồi thường.
Theo ông Lê Trọng Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, việc người dân cản trở, không cho các dự án điện gió thi công là do công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương và nhà đầu tư dự án điện gió N’Drung 1, 2, 3 còn thiếu sự đồng bộ. Công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế, nên không tạo được sự đồng thuận của người dân.
Đơn cử, như hộ ông Dương Văn Chương (ở bản Đắk Thốt, xã Thuận Hà) đã dựng 4 cây tre cao khoảng 10m quanh nhà không cho xe chở cánh quạt điện gió đi qua với lý do đó là “phong tục của người dân tộc Dao”.
Ông Chương cũng yêu cầu chủ dự án điện gió đền bù 200 triệu đồng vì gây thiệt hại việc thuê thầy về cúng bái theo phong tục. Khi kiểm tra thực tế, ông Yên cùng đoàn công tác đã trực tiếp tuyên truyền, vận động và ông Chương đã đồng ý tháo dỡ những vật cản, để xe chở cánh quạt điện gió đi qua.
“Chủ đầu tư các dự án điện gió chịu trách nhiệm chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong quá trình thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, huyện yêu cầu các cá nhân, tập thể, hộ gia đình không được cản trở chủ đầu tư thi công. Mọi vi phạm sẽ xem xét, xử lý nghiêm”, ông Võ Quốc Tuấn khẳng định.