Cuối năm 2018, hoàn thành cơ bản cao tốc La Sơn - Túy Loan
Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan là tuyến đường mới, triển khai trong điều kiện địa hình, địa chất hiểm trở...
Chủ động nguồn vật liệu, dây chuyền thiết bị thi công đẩy nhanh tiến độ, kiểm soát chặt tiến độ toàn tuyến dự án |
Phối hợp chặt chẽ với địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB, chủ động nguồn vật liệu, kiểm soát tiến độ hàng ngày, hàng tuần… Hàng loạt biện pháp quản lý, thi công đang được Phòng Điều hành dự án 4 - Dự án La Sơn - Túy Loan (Ban QLDA đường HCM) tập trung triển khai với mục tiêu sớm hoàn thành tuyến cao tốc này ngay từ cuối năm nay.
Đây được xem là một áp lực không nhỏ với các chủ thể tham gia dự án, bởi đặc thù tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan là tuyến đường mới, triển khai trong điều kiện địa hình, địa chất hiểm trở khắc nghiệt nhất cả nước với hàng loạt khó khăn, bất lợi do thời tiết, vướng mắc GPMB, xung đột đường tiếp cận dự án… Bên cạnh đó, dự án theo hình thức hợp đồng chuyển giao (BT) - hình thức đầu tư mới trong điều kiện các chế độ, chính sách, quy định pháp luật chưa cụ thể nên phải điều chỉnh nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai.
Cao tốc La Sơn - Túy Loan có tổng chiều dài 77km, qua địa bàn Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, nhập với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tạo mạng lưới cao tốc liên hoàn qua miền Trung. Dự án được phân kỳ xây dựng thành hai giai đoạn gồm: Giai đoạn 1, đầu tư hai làn xe; giai đoạn 2, mở rộng nền đường 22m, quy mô cao tốc, mặt đường hai làn xe… với tổng mức đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng. |
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Quang Nghiêm, Trưởng phòng ĐHDA 4 cho hay: Thời gian qua, các đơn vị nỗ lực tối đa đẩy nhanh tiến độ trước áp lực thời tiết bất lợi, mặt bằng, cơ bản kiểm soát tốt tiến độ giai đoạn 1, đẩy mạnh các công tác giai đoạn 2. Đến nay, toàn dự án đạt gần 55%. Đáng kể, nhiều “đường găng kỹ thuật” đã được tập trung xử lý, hoàn thiện như công tác nền đường, cầu cống, các vị trí bền vững hóa... đưa dự án vào cao điểm thảm cấp phối đá dăm, bê tông nhựa đại trà...
Ông Nghiêm nhấn mạnh: Ngay từ đầu năm 2018, phòng xác định tập trung phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác GPMB và tổ chức lại toàn bộ bộ máy vận hành từ quản lý, thi công công trường với các biện pháp hiệu quả nhất. Theo thống kê, công tác GPMB toàn tuyến giai đoạn 1 cơ bản được các địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng bàn giao 100% (66/66km), xử lý rốt ráo vấn đề đất rừng Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế). Tuy nhiên, khó nhất đoạn mở rộng Hòa Liên - Túy Loan (hơn 11,5km, qua Đà Nẵng) do nguồn gốc đất phức tạp, chồng lấn gần 20 dự án quy hoạch thời gian qua. “Phòng Điều hành cắt cử cán bộ chuyên trách mặt bằng, phối hợp chặt chẽ với địa phương tháo gỡ từng điểm, từng trường hợp cụ thể. Ngoài chế độ chính sách, ban vận dụng tối đa công tác tuyên truyền, hỗ trợ, vận động người dân cùng hiểu, chia sẻ và dung hòa lợi ích, trách nhiệm người dân vùng dự án”, ông Nghiêm nói.
Bám sát từng mũi thi công, ông Nghiêm yêu cầu các đơn vị tăng cường trang thiết bị, đảm bảo nguồn vật liệu. Thống kê đến nay, hơn 10 trạm bê tông xi măng (công suất trên 60m3/h), 5 - 7 trạm trộn BTN công suất từ 120 tấn/giờ được các đơn vị tập kết đến hiện trường.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Phó giám đốc Ban QLDA đường HCM cho biết: Ban kiểm đếm tiến độ hàng tuần, hàng tháng, cảnh báo các nhà thầu không đạt yêu cầu sản lượng, mũi thi công. Các đơn vị chức năng tư vấn giám sắt dự án và độc lập cũng được tăng cường vào công trường, đồng thời đẩy nhanh công tác nội nghiệp, giải ngân dự án. “Dự án đòi hỏi nghiêm ngặt chất lượng, môi trường, biện pháp quản lý, thi công công trường dự án, tăng tính chuyên nghiệp, gọn gàng, đáp ứng quy chuẩn thi công cao tốc”, ông Quý nói.
Trực tiếp kiểm tra hiện trường dự án thời gian qua, Giám đốc Ban QLDA đường HCM Lâm Văn Hoàng đốc thúc dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng đúng các mục tiêu thời hạn hoàn thành đề ra.
Chia sẻ những áp lực dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ghi nhận nỗ lực vượt khó thi công của các đơn vị tham gia dự án La Sơn - Túy Loan. Theo Thứ trưởng Thọ, việc sớm hoàn thành dự án sẽ phát huy hiệu quả công trình, mở rộng kết nối giao thông giữa các vùng kinh tế động lực miền Trung, phân lưu QL1, góp phần đảm bảo lưu thông thông suốt trong điều kiện mưa lũ cắt đường có thể xảy ra ở QL1, kiềm chế TNGT, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, liên vùng và cả nước.