Xã hội

Cục trưởng đặc biệt, GĐ Công an Hà Nội, TP.HCM mang hàm Trung tướng?

07/06/2018, 08:54

Hàm Trung tướng sẽ được quy định cho Cục trưởng đặc biệt, Giám đốc Công an Hà Nội, TP HCM.

Bộ trưởng Tô Lâm

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Sáng nay, 7/6, Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình về Dự án Luật CAND (sửa đổi).

Đề nghị Giám đốc Công an tỉnh được phong hàm Thiếu tướng

Theo Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng CAND trong giai đoạn mới đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, trong đó việc sửa đổi, bổ sung Luật CAND năm 2014.

Tinh thần sửa đổi lần này là đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an, không tổ chức cấp tổng cục, nâng cao chất lượng cấp cục trực thuộc Bộ Công an, sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với Công an tỉnh, xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Một điểm đáng lưu ý trong dự thảo Luật sửa đổi lần này không quy định cứng số lượng các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng mà chỉ xác định các chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an.

Dự thảo luật cũng quy định, Cục trưởng cục đặc biệt và tương đương; Giám đốc Công an TP Hà Nội và TP.HCM sẽ mang hàm Trung tướng.

Còn hàm Thiếu tướng sẽ được quy định cho các chức danh: Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an; Cục trưởng một số cục và tương đương; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1.

3 loại ý kiến khác nhau

Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra về nội dung này, Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh cho biết, cơ quan thẩm tra có 3 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự luật. Bởi lẽ, việc quy định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh hiện nay. Điều này cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức CAND theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”.

vo-trong-viet

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh - Thượng tướng Võ Trọng Việt

Tuy nhiên, việc xác định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng cần bổ sung tiêu chí vị trí chiến lược về an ninh, trật tự, tình hình an ninh, trật tự và quy định cụ thể ngay trong Luật.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định tất cả Giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng. Lý do, chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc Công an cấp tỉnh là tương đương và đều thuộc sự chỉ huy, điều hành trực tiếp của lãnh đạo bộ như các cục thuộc bộ.

Đồng thời, quy định như vậy bảo đảm bình đẳng và thuận lợi trong việc xem xét quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo Bộ Công an; bảo đảm tính tương quan giữa lãnh đạo cấp cục với lãnh đạo Công an cấp tỉnh và vẫn bảo đảm tổng số tướng trong Công an theo xác định của cấp có thẩm quyền.

Ý kiến này cũng đề nghị xem xét sửa đổi luật Sĩ quan QĐND Việt Nam để xin ý kiến của cấp có thẩm quyền về vị trí cấp tướng đối với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh cho thống nhất.

Loại ý kiến thứ ba không nhất trí như quy định của dự luật. Bởi, quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an cấp tỉnh phải tương đương với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh để bảo đảm tương quan trong hệ thống chính trị và giữa lực lượng CAND với Quân đội nhân dân ở địa phương.

Loại ý kiến này cũng băn khoăn cho rằng trong quá trình thực hiện, số lượng tỉnh, thành phố được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 có thể sẽ tăng lên dẫn đến số lượng cấp tướng tăng.

Giảm còn 60 đầu mối cấp Cục và tương đương

Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng An ninh, đây là vấn đề hệ trọng đã được cấp có thẩm quyền quyết định khi xây dựng luật CAND năm 2014. Nay Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung như dự thảo luật, cần phải nghiên cứu và đánh giá kỹ.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng thời điểm sửa Luật CAND năm 2014 được nghiên cứu sửa đổi cùng luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam theo mô hình tổ chức cũ. Nay mô hình tổ chức mới của Bộ Công an đã xây dựng theo hướng sắp xếp, thu gọn đầu mối từ 6 Tổng cục, 2 Bộ Tư lệnh, 126 đơn vị cấp cục và tương đương chỉ còn gần 60 đầu mối cấp Cục và tương đương, không có cấp trung gian (cấp tổng cục).

Do vậy, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Quốc hội nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.