Xã hội

Còn nhiều băn khoăn chương trình giáo dục phổ thông mới

13/04/2017, 07:08

Chiều 12/4, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể.

10

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với nhiều điểm mới sẽ được áp dụng ngay trong năm học 2018-2019 - Ảnh: Tạ Tôn

Chiều 12/4, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể. Trong đó, quy định cụ thể các cấp học từ tiểu học đến THPT, dự kiến khung các môn học này sẽ được đưa vào giảng dạy từ năm học 2018 - 2019.

Tương đương với chương trình nước ngoài

Giới thiệu về hệ thống môn học, GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT tổng thể mới cho hay: Chương trình mới chủ trương thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT. Hệ thống các môn học của chương trình GDPT mới được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. “Theo chương trình hiện nay, học sinh vẫn phải học nhiều môn, vừa quá tải, vừa không có điều kiện tập trung vào những môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Do đó, chương trình GDPT tổng thể mới thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT”, ông Thuyết nói.

Sẽ xóa bỏ kỳ thi Tốt nghiệp THPT

“Trong tương lai, để được cấp bằng tốt nghiệp THPT, học sinh không phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay, mà việc xét tốt nghiệp sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá định kỳ do chính trường THPT tổ chức thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD&ĐT được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Riêng việc đánh giá trên diện rộng cấp quốc gia, cấp địa phương sẽ chỉ được thực hiện để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục. Các kỳ đánh giá diện rộng này sẽ được tổ chức bởi các tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư”, GS. Nguyễn Minh Thuyết.

Nội dung chính của dự thảo chương trình tổng thể hướng đến xây dựng “chân dung” người học sinh mới. “Phẩm chất học sinh sẽ đạt được trong chương trình giáo dục mới là: Yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm. Những năng lực hướng tới là tự chủ, tự học, năng lực giao tiếp, hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, tin học, thẩm mỹ và thể chất. Đó là diện mạo mới của học sinh trong tương lai”, ông Thuyết nói.

Đáng chú ý, đối với bậc THPT, dự thảo xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp. Các môn học bắt buộc ở lớp 10 gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiết kế và công nghệ, Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Đối với học sinh tiểu học sẽ học các môn bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ. Ngoài ra, ở cấp tiểu học còn có hoạt động Tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).

“Điểm nổi bật của chương trình mới là giảm tối đa môn học bắt buộc, đảm bảo phân luồng mạnh sau THCS, hướng nghiệp sau THPT nên tập trung vào những môn giúp định hướng nghề nghiệp. Chúng tôi phân bổ tương đương chương trình giáo dục nước ngoài. Theo đó, trong 6 môn học bắt buộc thì chỉ có 3 môn bắt buộc chiếm tỷ lệ học nhiều là Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. 3 môn còn lại thời gian học mỗi tuần rất ít”, ông Thuyết nhận định.

Nhà nước không biên soạn sách giáo khoa

Trong Chương trình GDPT tổng thể, có nhiều môn học mới, trong đó đề cao tích hợp, liên môn như Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, hàng loạt ý kiến tỏ ra lo ngại tính khả thi của sự đổi mới này như: Liệu cơ sở vật chất có đáp ứng kịp khi dự định sẽ triển khai ngay trong năm học 2018 - 2019? Giải pháp cho giáo viên thực hiện chương trình?

Đi vào từng vấn đề, GS. Nguyễn Minh Thuyết lý giải: “Ban soạn thảo chương trình đã làm hết khả năng để tháng 9/2017 có thể ban hành chương trình giáo dục phổ thông kể cả các chương trình môn học. Trong quá trình biên soạn, ban soạn thảo đã phải tổ chức dạy thực nghiệm. Những điểm mới đều đã được soạn thành giáo án để dạy thực nghiệm tại các cơ sở đào tạo”.

Trước lo ngại về trình độ giáo viên, liệu có xảy ra tình trạng dư giáo viên khi có rất nhiều môn học tích hợp, ông Thuyết cho biết: “Khoa học tự nhiên bản chất là sự tích hợp liên môn. Giáo viên dạy toán cũng có thể dạy Hóa học, Vật lý. Trong giai đoạn trước mắt, giáo viên môn nào vẫn dạy nội dung môn đó. Đối với những giáo viên đã được bồi dưỡng tốt, có khả năng đảm nhiệm dạy môn tích hợp thì sẽ dạy môn tích hợp”. Ngoài ra, ông Thuyết cũng khẳng định, tạm thời sẽ chưa xảy ra hiện tượng dôi dư giáo viên, bởi trong chương trình mới, số giờ dạy vẫn tương đương như hiện nay. “Lâu dài, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo các trường sư phạm đổi mới công tác đào tạo để thích hợp với chương trình phổ thông mới”, ông Thuyết nói.

Về việc biên soạn sách giáo khoa phục vụ chương trình mới, ông Thuyết cho biết, trong 1-2 tháng nữa, Bộ GD&ĐT sẽ công bố thông báo mời các tổ chức, cá nhân đăng ký viết sách giáo khoa. “ Nhà nước không phải bỏ tiền cho việc biên soạn, trừ một bộ sách giáo khoa đã giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn để kịp thực hiện chương trình mới vào năm 2018-2019. Chúng tôi cũng được biết, có nhiều tổ chức đang thực hiện biên soạn sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT đang làm thông tư hướng dẫn, nhưng tinh thần chung là các tổ chức Nhà nước không tham gia biên soạn sách giáo khoa”, ông Thuyết thông tin.