ATGT địa phương

Cấp phép ra vào cảng bến bằng tin nhắn điện thoại

31/10/2018, 10:12

Năm 2018, Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực II ứng dụng CNTT vào công tác quản lý cảng, bến thủy...

4

Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II tại Hòa Bình (thuộc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II) tuyên truyền, hướng dẫn chủ phương tiện cách làm thủ tục từ xa cho phương tiện thủy vào, rời cảng, bến

Không còn khoảng cách trên bờ, dưới nước

Hơn 2 năm nay, đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II tại Phú Thọ và nhiều đại diện trực thuộc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II đã thực hiện thí điểm cấp giấy phép cho phương tiện thủy vào, rời cảng bến thủy qua tin nhắn điện thoại. Ông Lê Mạnh Cường, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II tại Phú Thọ cho biết, phương tiện không cần vào đến cảng, bến mới thông báo cho cảng vụ mà khi đang trên hành trình đã có thể nhắn tin xin cấp phép vào cảng bến trực tuyến. Cảng vụ viên chỉ mất vài phút để cấp phép cho phương tiện từ xa, chủ phương tiện không cần phải mất thời gian và chi phí để lên bờ đi làm thủ tục như cách thông thường. “Hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, thuyền viên và  hành trình trước đó của phương tiện, kể cả dữ liệu về vi phạm Luật Giao thông ĐTNĐ cũng được lưu trữ trên dữ liệu trực tuyến. Cảng vụ viên chỉ cần tra cứu trên mạng, cũng như kiểm tra thông tin về cảng, bến là xác định được phương tiện có đủ điều kiện để cấp phép vào, rời bến hay không”, ông Cường cho biết.

Thuyền viên tàu PT- 6258 Trần Văn Hà cho biết, vài lần đầu nhắn tin còn nhầm lẫn phải nhờ cảng vụ viên hướng dẫn, sau quen rồi thấy làm thủ tục trực tuyến khá đơn giản. “Chỉ cần kê khai, đăng ký lần đầu và mỗi lần làm thủ tục trực tuyến chỉ mất mấy trăm đồng để nhắn tin, tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí”, ông Hà cho biết.

Ông Lê Đức Cường, Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cho biết, các đại diện trực thuộc đơn vị đến nay đã cấp phép cho hơn 66.000 trường hợp phương tiện thủy vào, rời cảng bến bằng tin nhắn điện thoại, trong đó 9 tháng đầu năm 2018 cấp hơn 12.000 lượt.

“Thời gian qua, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II thường xuyên chỉ đạo các đại diện trực thuộc tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích và hướng dẫn cho chủ phương tiện, thuyền viên những lợi ích của việc cấp phép vào, rời cảng bến từ xa. Hình thức này giúp thuận lợi hơn cho các thuyền viên, chủ cảng bến cũng như giúp kiểm soát tốt hơn TTATGT đường thủy tại khu vực cảng, bến. Trong 9 tháng đầu năm 2018 toàn địa bàn cảng, bến do cảng vụ được giao quản lý không xảy ra trường hợp mất an toàn hay TNGT đường thủy”, ông Cường nói và cho biết, các cảng, bến thủy thuộc địa bàn quản lý của đơn vị đã được đưa lên dữ liệu bản đồ trực tuyến, gồm cả hình ảnh và các thông số kỹ thuật.

Tăng hiệu quả bảo đảm TTATGT

Thực hiện chỉ đạo của Cục ĐTNĐ Việt Nam, thời gian qua Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II tích cực triển khai các ứng dụng CNTT trong quản lý khác của ngành Đường thủy, thông qua các phần mềm hoạt động trực tuyến: Hệ thống văn phòng điện tử, báo cáo hoạt động và công tác bảo đảm ATGT đường thủy, nghiệp vụ chuyên ngành quản lý cảng vụ, hòm thư điện tử, tự động giám sát từ xa hành trình phương tiện qua hệ thống AIS...

“Hệ thống văn phòng điện tử đã tạo ra phương thức làm việc mới, khẩn trương và kịp thời, giúp tiết kiệm được thời gian, công sức giải quyết công việc và giảm đáng kể chi phí sử dụng, lưu trữ giấy tờ. Đồng thời, tạo ra tính minh bạch, công khai trong công việc và là công cụ để kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện công việc ở tất cả các khâu”, đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cho hay.

Liên quan đến quản lý vận tải và ATGT, trước đây, các Đại diện cảng vụ đường thủy định kỳ cuối tháng mới gửi lên cấp trên báo cáo bằng văn bản giấy về hoạt động vận tải, phương tiện, hàng hóa, hành khách, tình hình cảng bến, tình hình TTATGT tại địa bàn mình quản lý. Còn từ khi ứng dụng phần mềm báo cáo hoạt động vận tải và công tác bảo đảm ATGT, trước 16h mỗi ngày, các đại diện cảng vụ trực thuộc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II đã có báo cáo qua hệ thống phần mềm, giúp chuyển tải số liệu nhanh và kịp thời nhất.

“Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II gồm 15 đại diện trực thuộc, được giao quản lý cảng, bến thủy trên các tuyến đường thủy quốc gia tại 16 tỉnh, thành phía Bắc. Phạm vi quản lý rộng nên việc ứng dụng CNTT trong quản lý cảng bến, điều hành công tác bảo đảm TTATGT giúp đơn vị nâng hiệu quả bảo đảm trật tự ATGT đường thủy”, ông Lê Đức Cường, Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II nói.