Cảnh sát PCCC hướng dẫn cách thoát nạn khi cháy chung cư
Với những chung cư cao tầng, hay nhà dạng ống, nếu có cháy xảy ra thì người dân phải làm gì để thoát nạn?
Thượng tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) |
Chiều 4/4, báo điện tử VnEpress tổ chức buổi phỏng vấn trực tuyến với đại diện Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) và các chuyên gia nhằm giải đáp các câu hỏi về vấn đề phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm cháy nổ.
Không chỉ phụ thuộc vào xe thang hay trực thăng chữa cháy
Về câu hỏi trách nhiệm của các bên trong kiểm tra, nghiệm thu các điều kiện PCCC ở chung cư, Thượng tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) phân tích rõ, người đứng đầu cơ sở (đơn vị quản lý tòa nhà) có trách nhiệm kiểm tra, duy trì hoạt động của các hệ thống phòng cháy chữa cháy trong quá trình vận hành; bảo trì, bảo dưỡng định kỳ các hệ thống để bảo đảm hệ thống hoạt động theo chức năng.
Cơ quan cảnh sát PCCC thực hiện công tác kiểm tra định kỳ theo quy định của pháp luật, trong đó ghi nhận tình trạng hoạt động các hệ thống, thiết bị PCCC tại thời điểm kiểm tra. Trường hợp phát hiện tình trạng vi phạm (hệ thống không hoạt động) có kiến nghị để cơ sở khắc phục, xử lý vi phạm theo quy định.
Cư dân cần phải chấp hành có quy định PCCC đối với tòa nhà, tăng cường việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và kiến nghị ban quản lý tòa nhà khắc phục những tồn tại, thiếu sót về PCCC; thông báo kịp thời những vi phạm cho cơ quan cảnh sát PCCC địa phương để kiểm tra, hướng dẫn và có biện pháp xử lý.
Một độc giả ở TP.HCM hỏi thang cứu hoả ở TP.HCM trên thực tế vươn đến tầng mấy của chung cư? Với các tầng cao hơn liệu có an toàn không? Liệu có giải pháp nào cho giai đoạn sắp tới đối với công tác phòng chống cháy nổ tại các chung cư đang mọc lên như nấm hiện nay?
Thượng tá Bùi Quang Việt nhận định, xây dựng các công trình cao tầng, siêu cao tầng đang là xu hướng chung trên toàn thế giới để đáp ứng sự phát triển của xã hội. Theo đó, vấn đề bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, đối với việc cứu nạn, cứu hộ trên các tầng cao khi xảy ra sự cố luôn là vấn đề khó khăn.
“Sử dụng các phương tiện như trực thăng, xe thang chỉ đáp ứng một phần trong công tác cứu người. Vì vậy, trong chính mỗi công trình phải tự bảo đảm an toàn về PCCC bằng các giải pháp kỹ thuật, tổ chức quy hoạch không gian... đây cũng là quy định chung không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, ngay cả ở các tòa tháp cao trên 800m ở Dubai” – thượng tá Việt nói.
Để bảo đảm an toàn PCCC cho các công trình này, theo Thượng tá Việt, trước hết phải là các giải pháp phòng cháy từ khi thiết kế, đầu tư xây dựng. Cụ thể, thiết kế phải được thẩm duyệt về PCCC, xem xét các nội dung, tiêu chí như: đường giao thông cho xe chữa cháy; khoảng cách an toàn giữa các công trình; các giải pháp ngăn cháy lan và ngăn khoang cháy; thiết kế hệ thống báo cháy để cảnh báo sớm sự cố; trang bị các hệ thống chữa cháy bằng nước, bằng khí; cũng như các giải pháp phục vụ thoát nạn như buồng thang bộ thoát nạn không nhiễm khói, hệ thống tăng áp buồng thang, hệ thống hút khói sự cố, thang máy chữa cháy, thang dây thoát nạn, hệ thống chuông đèn cảnh báo, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn...
Tất cả các giải pháp, hệ thống này phải bảo đảm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC để bảo đảm an toàn cho người dân tại công trình, chứ không chỉ phụ thuộc vào việc cứu nạn, cứu hộ từ xe thang hay trực thăng chữa cháy.
Phương pháp nào để thoát nạn an toàn khi có cháy?
Lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC cho rằng, thời gian gần đây, những vụ cháy chung cư cao tầng mỗi vụ có một nguyên nhân khác nhau nhưng giống nhau về tính chất nguy hiểm,có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Qua thống kê cho thấy, nguyên nhân vụ cháy chủ yếu do sự cố hệ thống thiết bị điện, sơ suất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt… Khi xảy ra cháy tại các chung cư cao tầng nếu không được phát hiện và dập tắt kịp thời sẽ để lại hậu quả không thể lường hết được.
Ảnh minh hoạ |
Một độc giả băn khoăn, khi có cháy, người dân ở chung cư cao tầng được hướng dẫn chạy xuống cầu thang thoát hiểm, nhưng với vụ cháy chung cư Carina khiến 13 người chết vừa qua, đây không phải là phương pháp an toàn. Vậy, khi có cháy tại chung cư cao tầng, người dân nên làm gì để thoát nạn?
Lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC giải thích, tiêu chuẩn tại các chung cư cao tầng đều phải thiết kế 2 lối cầu thang bộ thoát nạn. Đây là các cầu thang kín, có cửa làm bằng vật liệu chống cháy, khi có sự cố cháy, nổ người dân di chuyển ra lối buồng thang bộ để thoát nạn xuống mặt đất.
Người dân phải tìm hiểu và nắm vững bố trí lối ra, cầu thang thoát nạn của nhà để khi xảy ra cháy nổ bình tĩnh di chuyển vào cầu thang thoát nạn. Trường hợp cầu thang bị nhiễm khói tìm các lối thoát nạn thứ hai, thứ ba.
Trường hợp các lối thoát nạn đều nhiễm khói, người dân quay trở lại căn hộ, ra tầng gần nhất chưa bị nhiễm khói ra hiệu thông báo, gọi điện cho người thân; lực lượng cảnh sát PCCC qua số 114; thông báo vị trí của những người mắc kẹt, số lượng người mắc kẹt và tình trạng những người mắc kẹt trong căn hộ đó. Đối với cư dân ở tầng cao thì ở tại trong phòng và cũng làm tương tự.
Thượng tá Việt khuyến cáo, để có thể thoát nạn an toàn người dân cần bình tĩnh, đối với những người dân sống ở tầng thấp cần sử dụng mặt nạ lọc độc, nếu không có mặt nạ lọc độc thì sử dụng khăn vải nhúng nước, bịt vào mũi và miệng, sau đó nhanh chóng di chuyển lên các tầng cao hơn ví dụ như tầng 6, tầng 7. Sau đó di chuyển vào một căn hộ nào đó cùng mọi người sử dụng khăn vải ướt, băng dính dán vào khe cửa để khói khí độc không vào trong căn hộ. Di chuyển ra ban công gọi to ra hiệu, sử dụng những vật dụng dễ gây được sự chú ý như quần áo sáng màu, còn đối với các đám cháy vào buổi tối thì sử dụng đèn pin hoặc sử dụng đèn plash của điện thoại.
Với các căn nhà dạng hình ống, chỉ có một cầu thang duy nhất, khi có cháy, lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC cho biếtthường chỉ có một lối thoát nạn duy nhất qua cửa chính nên hết sức nguy hiểm.
“Khi phát hiện xảy cháy trong hộ gia đình, nhất là hộ gia đình có kiểu nhà ống, nhà kín có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính nơi mặt tiền, hãy bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, đến nơi an toàn qua cửa chính nếu có thể” – Thượng tá Việt khuyên.
Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm nhanh chóng sử dụng mặt nạ lọc độc, hoặc khăn vải ướt bảo vệ cơ quan hô hấp và nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: qua ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây… hoặc trổ lối thoát lên mái nếu là mái nhà kết cấu bằng các loại tấm lợp…; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh.
Trong quá trình thoát hiểm, nếu buộc phải băng qua lửa, hãy dùng chăn ướt quấn quanh người để thoát ra ngoài; nếu phải băng qua khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.