Cận Tết Tân Sửu 2021, giá thịt lợn "nhảy múa" từng ngày
Cận Tết nguyên đán Tân Sửu, giá lợn hơi tiếp tục đà tăng từ 1-2 nghìn đồng/kg. Miền Bắc đang dẫn đầu về giá thịt lợn và dự báo còn tăng cao.
Giá thịt lợn đã tăng thêm 10.000 đồng/kg so với ngày đầu tháng 1/2021.
Giá tăng từng ngày
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, giá lợn hơi liên tục tăng trong suốt một tháng nay từ mốc 70 nghìn đồng/kg đã lên tới 85 nghìn đồng/kg. Đà tăng vẫn giữ mức từ 1-2 nghìn đồng/kg/ngày ở một số địa phương. Miền Bắc đang giữ đỉnh của cả nước và dự báo còn tăng cao.
Tại khu vực miền Bắc, hôm nay (13/1), giá lợn hơi tiếp tục tăng 1-2 nghìn đồng/kg và dao động trong khoảng 80-85 nghìn đồng/kg. Tại 3 tỉnh Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hưng Yên, Phú Thọ… đều xuất hiện mức giá cao 85.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi có mức tăng mạnh nhất tới 3 nghìn đồng/kg ở một vài địa phương và giá giao dịch đồng loạt lên ngưỡng 78-82 nghìn đồng/kg. Giữ mức đỉnh của vùng là Nghệ An và Thanh Hóa.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi thấp nhất cả nước ngưỡng 77-81 nghìn đồng/kg nhưng vẫn giữ đà tăng 2 nghìn đồng/kg. Cụ thể, tại Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An... tăng 2 nghìn đồng/kg lên mức đỉnh 80-81 nghìn đồng/kg...
Tại các chợ dân sinh, giá thịt lợn bán lẻ cũng đã tăng lên so với thời điểm đầu tháng khoảng 10 nghìn đồng/kg lên mức 140-180 nghìn đồng/kg. Cụ thể, thịt mông có giá 140 nghìn đồng/kg; Thịt chân giò, nạc thăn 160-170 nghìn đồng/kg; Sườn thăn 170 nghìn đồng/kg; Sườn sun 170-180 nghìn đồng/kg..
Các tiểu thương cho biết, giá lợn hơi lên tăng khiến cho giá móc hàm tăng nên họ phải điều chỉnh giá bán. Hiện, giá móc hàm giao động ngưỡng 115-122 nghìn đồng/kg.
Tăng cường kiểm soát nhập lậu qua biên giới
Trước tình trạng giá lợn tăng cao như hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cũng vừa có công điện gửi Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.
Theo đó, công điện nêu rõ, hiện nay, do sự chênh lệch giá cả lợn và sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng tương đối cao, nên hiện tượng buôn bán, vận chuyện trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là việc vận chuyển lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm lợn,… giữa các nước với Việt Nam.
Để khẩn trương ngăn chặn tình trạng nêu trên, đồng thời để ổn định giá cả thịt lợn tại thị trường trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.
Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam. Chỉ đạo lực lượng công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn trái phép lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam.
Đồng thời, bảo đảm chấm dứt ngay tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản lợn ra, vào Việt Nam tại các đường mòn, lối mở,… với các nước.
"Trường hợp bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển ra, vào Việt Nam bất hợp pháp thì phải xử lý, tiêu hủy theo quy định", Bộ NN&PTNT chỉ đạo.