Cần nền tảng công nghệ thông minh để kiểm soát xe dù, bến cóc
Tại dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ quản lý kết cấu hạ tầng, điều hành giao thông, xử lý vi phạm.
Báo Giao thông trân trọng giới thiệu bài viết của ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty CP Công nghệ An Vui về một số nội dung tại dự thảo Luật.
Không nên quản doanh nghiệp bán phần mềm
Báo chí thời gian qua đã phản ánh nhiều về tình trạng hàng chục nhà xe “núp bóng” các doanh nghiệp (DN) dịch vụ vận tải hành khách dạng hợp đồng du lịch, lách luật vận tải hành khách tuyến cố định... ngang nhiên lập bến cóc, xe dù, hoạt động ngày đêm, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Các cơ quan quản lý Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý xe chạy hợp đồng “trá hình” tuyến cố định, trong đó có nhiều giải pháp công nghệ.
Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi thậm chí đã có riêng một “Điều” về dịch vụ phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải khách bằng xe ô tô. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, hình như ban soạn thảo mới chỉ coi ứng dụng công nghệ và phần mềm công nghệ tác động đến mảng xe taxi công nghệ hoạt động theo hình thức hợp đồng mà quên mất rằng, công nghệ có thể áp dụng vào xe tuyến cố định, xe buýt.
Đơn cử như khi chúng ta quy định phần mềm phải đáp ứng yêu cầu khi nhận khách chỉ được thực hiện một thao tác. Quy định này chỉ đúng với tài xế taxi và tài xế xe hợp đồng chỉ có 1 tài xế.
Trong khi đó, xe tuyến cố định hay xe buýt có cả phụ xe đi kèm thì không thể bắt buộc phần mềm cung cấp cho dịch vụ xe chỉ có một thao tác. Quy định này nên bỏ ra khỏi luật vì nó can thiệp quá sâu vào nghiệp vụ thao tác chức năng phần mềm.
Dự thảo Luật cũng quy định đơn vị cung cấp phần mềm không cung cấp dịch vụ phần mềm đặt chỗ. Theo tôi hiểu, ý của tổ soạn thảo luật là để kiểm soát xe dù, bến cóc.
Tôi cho rằng đây là quy định không hợp lý. Điều này cũng tương tự như việc bán dao và mua dao. Người mua dao có thể dùng cho sinh hoạt gia đình hoặc có thể làm việc phạm pháp.
Đơn vị bán phần mềm cũng giống như người bán dao nên chúng ta không nên quy trách nhiệm vào đơn vị cung cấp phần mềm. Đơn vị cung cấp phần mềm hoạt động theo Luật Đầu tư và quy định của Bộ TT-TT nên không có lý gì khi có khách hàng đặt hàng mà DN công nghệ không làm, đó là chưa kể DN ngoại. Công nghệ thông tin sẽ khó kiểm soát theo hữu hình nếu DN đặt từ nước ngoài một phần mềm đặt chỗ sẽ rất khó kiểm soát.
Cách nào kiểm soát xe dù, bến cóc?
Để kiểm soát việc xác nhận đặt chỗ hết sức đơn giản. Luật GTĐB quy định các loại hình vận tải và mỗi loại hình đều có phương thức kiểm soát riêng. Đối với xe hợp đồng, chúng ta yêu cầu ứng dụng hợp đồng điện tử.
Tại Điều 7 của dự thảo Luật có quy định, cơ sở dữ liệu phương tiện là tài sản của Nhà nước. Đối với dữ liệu hợp đồng điện tử, Tổng cục Đường bộ VN hoàn toàn có thể đón nhận dữ liệu gửi từ hợp đồng điện tử về và hoàn toàn có thể kiểm soát được các chuyến xe xuất phát.
Việc xây dựng hệ dữ liệu sẽ còn nhiều khó khăn đặc biệt về nguồn lực. Tuy nhiên, muốn có một hệ thống giao thông an toàn và văn minh, tôi cho rằng chúng ta cần phải quyết tâm trước hết là hoàn thiện hành lang pháp lý, sau đó là tổ chức thực hiện.
Đối với hệ thống dữ liệu quốc gia về ATGT, do mang tính liên ngành nên cần phải được quy định trong luật mới thực hiện được.
Tương tự, khi CSGT kiểm tra một xe chạy hợp đồng, ngành Công an cần có công cụ để kiểm soát. Chúng ta chưa kiểm soát được xe dù, bến cóc hay xe hợp đồng trá hình là do dữ liệu giữa ngành Công an và ngành GTVT chưa có sự liên thông.
Các thông tin thuộc ngành GTVT chưa khai thác hiệu quả. Các ngành, lĩnh vực quản lý như đăng ký, đăng kiểm, GPLX, dữ liệu vi phạm giao thông... đang thiếu sự chia sẻ dẫn đến thông tin không kịp thời và mất nhiều thời gian xác minh.
Chính vì vậy, khi CSGT kiểm tra, lái xe đưa ra hợp đồng bằng giấy hoặc hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, cơ sở nào để chứng minh đây là hợp đồng điện tử thì lại không có.
Là đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ cho hoạt động vận tải hành khách đường dài, tôi thấy rằng cơ quan quản lý Nhà nước, nếu quy định về ứng dụng công nghệ cần thiết phải quy định về cơ sở dữ liệu trong Luật GTĐB để quản trị việc này. Khi hệ thống dữ liệu được liên thông sẽ rất hiệu quả trong công tác theo dõi, quản lý cũng như khi cần tra cứu các thông tin liên quan.
Chúng ta cũng như bất kỳ nước nào khác trên thế giới đều không thể xử phạt hết được các trường hợp vi phạm tại hiện trường. Vì vậy, việc có nền tảng công nghệ quản lý dữ liệu giao thông là vô cùng quan trọng để phạt “nguội”.
Hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT sẽ phát huy hiệu quả cao nếu tại hiện trường lực lượng CSGT có thể truy cập và sử dụng hệ thống dữ liệu quốc gia về phương tiện, người lái và GPLX.
Ngược lại các cơ quan chức năng trong ngành GTVT, y tế, bảo hiểm, chính quyền địa phương... cũng chỉ có thể quản lý hiệu quả nếu có thể truy cập vào hệ thống dữ liệu quốc gia về vi phạm trật tự ATGT, TNGT.
Việc triển khai các ứng dụng CNTT một cách đồng bộ sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước thu thập thông tin nhanh chóng, chính xác và đầy đủ, nâng cao khả năng chia sẻ, kết nối và phối hợp liên ngành hiệu quả hơn trong triển khai thực hiện các chương trình đảm bảo ATGT.
Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp nâng cao hiệu lực và tính minh bạch trong giám sát và xử phạt các hành vi vi phạm TTATGT, giảm áp lực trực tiếp lên lực lượng thực thi công vụ, củng cố niềm tin của nhân dân và sự nghiêm minh của pháp luật.