Cần cơ chế đặc thù đầu tư cao tốc Bắc - Nam
Việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã trở nên cấp bách và không thể trì hoãn
Nhờ GPMB nhanh, thi công khẩn trương nên đường HCM qua Tây Nguyên đã rút ngắn thời gian hoàn thành 1,5 năm, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng - Ảnh: Văn Tư |
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đề xuất Quốc hội, Chính phủ áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình triển khai, nhất là công tác triển khai GPMB, tái định cư.
GPMB toàn tuyến theo quy mô hoàn chỉnh
Đầu tháng 4/2017, Bộ GTVT có tờ trình (điều chỉnh, bổ sung) Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất phương án đầu tư giai đoạn I của tuyến cao tốc dài khoảng 684km với tổng mức đầu tư khoảng 140.116 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước khoảng 55 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) - tư vấn lập dự án cho biết, điểm đáng chú ý trong phương án đề xuất đầu tư của Bộ GTVT là việc thực hiện công tác GPMB toàn tuyến theo quy mô hoàn chỉnh. Cụ thể, tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 6.500ha với tổng chi phí GPMB, tái định cư khoảng 27.422 tỷ đồng.
"Hệ thống pháp luật điều chỉnh chưa hoàn thiện, còn có những bất cập cùng với tính chất mới và phức tạp của hình thức đầu tư PPP. Để có thể tiếp tục kêu gọi đầu tư, triển khai thành công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP và quản lý chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả dự án trong điều kiện thực tiễn, cần thiết phải có cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình triển khai." Ông Nguyễn Viết Huy |
“Theo quy định, sau khi phê duyệt thiết kế mới triển khai công tác cắm cọc GPMB. Tuy nhiên, để rút ngắn tiến độ, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai công tác cắm cọc GPMB và triển khai công tác kiểm đếm, hoàn thiện phương án bồi thường GPMB ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi”, ông Sơn nói và cho biết, thời gian dự kiến thực hiện GPMB mỗi dự án tối thiểu một năm, tương đương với thời gian lựa chọn nhà đầu tư.
Đối với công tác xây dựng khu tái định cư, theo Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định hướng dẫn, chỉ được ban hành quyết định thu hồi đất đai sau khi đã xây dựng khu tái định cư. Trong khi đó, việc xây dựng khu tái định cư được căn cứ vào phương án bồi thường, GPMB của dự án và được thực hiện như một dự án đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, việc xác định nhu cầu tái định cư tập trung và triển khai xây dựng khu tái định cư phụ thuộc rất nhiều vào mỗi tỉnh, thành.
“Để đẩy nhanh tiến độ và thuận tiện trong công tác GPMB và đảm bảo tính thống nhất cần cho phép địa phương tạm thời duyệt phương án tái định cư sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, cắm cọc GPMB, trong quá trình thực hiện cần có sự chấp thuận của Bộ GTVT và chỉ định thầu các đơn vị thực hiện liên quan đến xây dựng khu tái định cư”, ông Sơn chia sẻ.
Liên quan đến việc bồi thường do ảnh hưởng trong quá trình thi công xây dựng, ông Sơn cho biết, khi triển khai dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã gặp phải vấn đề khó khăn trong công tác GPMB là việc bồi thường cho nhà ở, công trình của người dân nằm ngoài phạm vi GPMB của dự án do ảnh hưởng trong quá trình thi công xây dựng.
“Để tháo gỡ khó khăn, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng nguồn kinh phí GPMB của dự án để chi trả đền bù và giao UBND các tỉnh, hội đồng GPMB địa phương quyết định mức đền bù, hỗ trợ và chi trả cho người dân”, ông Sơn cho hay.
Thiếu cơ chế đặc thù dự án sẽ bị chậm
Về tiến trình đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã trở nên cấp bách và không thể trì hoãn. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật hiện hành, từ thời điểm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến thời điểm trình Quốc hội mất khoảng 9 tháng; Từ thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đến thời điểm có thể khởi công công trình tối thiểu là 35 tháng.
“Nếu không có cơ chế đặc thù cho dự án, chỉ có thể trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2017 và khởi công dự án sớm nhất vào năm 2020”, ông Huy nói và cho biết, liên quan đến cơ chế, chính sách về tài chính và hợp đồng dự án, Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội chấp thuận sử dụng giá trúng thầu sau khi lựa chọn nhà đầu tư (trong trường hợp đấu thầu rộng rãi) làm cơ sở xác định chi phí vốn đầu tư và tính toán thời gian thu phí hoàn vốn; các cơ quan nhà nước và thanh tra, kiểm toán không xem xét đến giá trị dự toán sau khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị Quốc hội chấp thuận Chính phủ được cung cấp các bảo lãnh riêng cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam gồm: Bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh bên thứ ba đối với trách nhiệm của Chính phủ. “Trường hợp chưa thể áp dụng với toàn bộ dự án, kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng đối với dự án Dầu Giây - Phan Thiết để thí điểm, từ đó tổng kết, đánh giá và xem xét, quyết định việc áp dụng ở quy mô lớn hơn”, ông Huy chia sẻ.
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật và tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình đối với các dự án triển khai đầu tư trong giai đoạn I, trong đó chỉ định Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm tra tổng mức đầu tư và thẩm tra dự toán xây dựng công trình để nâng cao chất lượng.
Đề cập đến nguồn vốn tín dụng trong nước, ông Huy phân tích, hiện dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng trong nước đang ở mức cao, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định, trong khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm dần tỷ lệ này nên khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước rất khó khăn.
“Thực tế, vừa qua, dù một số dự án khả thi về tài chính, nhưng các ngân hàng thương mại trước đây cam kết cung cấp tín dụng đã có văn bản từ chối”, ông Huy nói và cho biết, để gỡ khó khăn, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc để nhà đầu tư có thể tiếp cận vay vốn và triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Về chính sách ưu đãi nhà đầu tư, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cho phép nhà đầu tư được kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng dọc hai bên tuyến đường trong phạm vi GPMB của dự án. “Đối với trạm dừng nghỉ, dự án chỉ xác định phạm vi GPMB để thuận lợi trong công tác thực hiện, nhà đầu tư được kinh doanh, khai thác trong thời hạn hợp đồng dự án”, ông Huy cho hay.
Liên quan đến cơ chế, chính sách trong tổ chức thực hiện dự án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia để chỉ đạo triển khai đầu tư dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam với trưởng ban là Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó trưởng Ban thường trực là Bộ trưởng Bộ GTVT; Các phó trưởng ban là Bộ trưởng các Bộ KH&ĐT, Tài chính; Ủy viên là Thứ trưởng các bộ liên quan (KH&ĐT, Tài chính, GTVT, TN&MT, Xây dựng, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước) và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua. Đồng thời, giao Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyển ký kết và thực hiện hợp đồng dự án trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam…