Các siêu tàu vận tải được vận hành thế nào?
Việc vận hành, xử lý siêu tàu khi gặp sự cố trên biển không hề đơn giản.
Những siêu tàu khổng lồ đều phải tuân thủ quy định về khoảng cách nghiêm ngặt khi đi qua các kênh đào
Với những siêu tàu container, tàu du lịch biển có kích thước ngang tòa nhà lớn như tàu Ever Given vừa bị mắc kẹt trên kênh Suez, việc vận hành, xử lý khi gặp sự cố trên biển không hề đơn giản.
“Không thể nói trước điều gì”
Chia sẻ về cách thức điều khiển và rủi ro của những siêu tàu container, Thuyền trưởng Yash Gupta - người có kinh nghiệm cầm lái nhiều tàu container vượt qua bao đại dương trên toàn thế giới suốt 20 năm qua, dùng một câu “không thể nói trước điều gì”.
Chia sẻ với hãng tin CNN, Thuyền trưởng Gupta cho biết, ở điều kiện bình thường, tức là khi sóng yên biển lặng, cảm giác di chuyển trên tàu khá thư giãn. Nhưng bạn sẽ không bao giờ biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
“Trong nhiều ngày, bạn sẽ thấy biển tĩnh lặng, thuyền di chuyển ổn định. Song, có những buổi sáng khi thức dậy, chúng ta chứng kiến bão dông ập tới, sóng vươn cao tới 5m, thậm chí 8m. Không thể biết được chuyện gì sẽ diễn ra”, vị thuyền trưởng kể.
Theo ông, chìa khóa tốt nhất để hạn chế nguy hiểm đó là phải lên kế hoạch cho những rủi ro. Là thuyền trưởng, ông Gupta đứng đầu một nhóm khoảng 20 - 25 người với hợp đồng thủy thủ trong vòng 4 - 9 tháng. Trước mỗi hành trình, ông Gupta cùng đội ngũ của mình vạch tuyến đường một cách cẩn thận, chú ý đến yếu tố thủy triều lên và điều kiện thời tiết.
Gió là một trong những yếu tố cực quan trọng bởi những tàu chở hàng lớn thường chất nhiều container và chiều cao của tàu cũng vì thế mà tăng lên. “Bạn có thể tưởng tượng độ mạnh của gió với tàu container như khi gió đập vào một bức tường lớn”, ông Gupta giải thích.
Theo vị thuyền trưởng lâu năm, ảnh hưởng của gió đến tàu là hoàn toàn không thể kiểm soát, trong khi thuyền trưởng không thể nhấn phanh gấp và tàu dừng lại đột ngột như ô tô. “Từ điểm tàu đang lao đi với động năng lớn đến điểm dừng dự kiến sẽ mất tối thiểu khoảng 1,8 dặm (2,8km) và mất khoảng 14 - 16 phút để quá trình này diễn ra”, ông Gupta cho biết.
Cơ chế điều khiển giữa các tàu cũng rất đa dạng, trong đó một số tàu sử dụng bộ điều khiển bằng nút bấm, cần gạt... Nhưng đa phần các tàu được thiết kế một thiết bị gọi là “vô-lăng điện tử”.
Khi đi qua các kênh đào lớn như Suez, các tàu vận tải bắt buộc đi theo đoàn và buộc phải chạy theo tốc độ của tàu đi trước hoàn toàn trong 12 - 16 giờ di chuyển qua kênh. Đa phần không thể có chuyện tàu nọ vượt tàu kia kể cả ở một số điểm kênh đào khá rộng và về lý thuyết có thể đủ chỗ cho hai tàu vượt qua nhau.
Phụ thuộc hoa tiêu, tàu lai dắt
Ngoài ra, dù tàu đi vào kênh đào Suez từ phía Bắc hay phía Nam, tất cả đều phải chờ ít nhất 1 hoa tiêu từ ban quản lý kênh đào Suez đi cùng. “Họ có chuyên môn về vận tải thông qua kênh đào Suez. Hoa tiêu này sẽ lên tàu, tham gia điều hành. Nhưng về cơ bản họ chỉ hỗ trợ cho thuyền trưởng”, ông Gupta nói.
Các thuyền trưởng không thể tăng tốc tàu của riêng mình vì như thế khoảng cách giữa các phương tiện sẽ dần ngắn lại, cuối cùng, rất có thể xảy ra va chạm.
Thuyền trưởng Yash Gupta
Toàn bộ trách nhiệm về hoạt động của tàu sẽ nằm ở thuyền trưởng. Các hoa tiêu tại Suez phải lên tàu vì họ hiểu rõ địa hình trong khu vực, hiểu về thủy triều, mức nước và quen với độ rộng tại kênh đào này. Các hoa tiêu sẽ giao tiếp với nhau qua hệ thống truyền thông vô tuyến.
Ngoài ra, các tàu qua kênh đào chịu sự giám sát của một đơn vị trực thuộc Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez, làm nhiệm vụ như cơ quan kiểm soát không lưu trong hàng không. “Họ có radar và thiết bị định vị lớn hơn. Đơn vị này giám sát việc đi lại của tất cả các tàu và điều phối hoạt động”, Thuyền trưởng Gupta cho biết thêm.
Còn một loại tàu được nhắc đến nhiều trong sự cố Ever Given là tàu kéo (tug boat). Đây là loại tàu nhỏ thường được sử dụng để hỗ trợ các tàu lớn qua Suez. “Tàu kéo thường được sử dụng để lai dắt các tàu lớn đi qua một số khu vực hẹp, đồng thời tham gia hỗ trợ nếu có vấn đề phát sinh”, Thuyền trưởng Gupta nói.