Bốn tỉnh cùng Hà Nội “bắt tay” làm nhanh đường Vành đai 4
Mới đây, lãnh đạo 5 tỉnh, TP: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang đã bắt tay, cùng đề xuất Chính phủ làm nhanh đường Vành đai 4.
Hướng tuyến đường Vành đai 4 theo quy hoạch
Ngã rẽ mới cho tuyến đường liên kết vùng
Kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với những ai chọn hướng di chuyển đường Vành đai 3 trên cao đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến cầu Thanh Trì, Hà Nội.
Tình trạng tắc nghẽn không phải bây giờ mới diễn ra ở tuyến đường này, bởi nó đã tồn tại từ lâu. Theo số liệu khảo sát của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, năng lực khai thác của tuyến đường Vành đai 3 chỉ đáp ứng khoảng 2.000 xe/giờ.Tuy nhiên, thực tế, tuyến đường này đường phải “cõng” đến 5.000 - 6.000 xe/giờ.
Để phân lưu phương tiện, giảm tải cho tuyến đường Vành đai 3, hơn chục năm trước, cơ quan chức năng đã nghiên cứu tính toán phương án đầu tư một tuyến đường mới chạy song hành, đi xuyên qua nhiều tỉnh, thành từ Hà Nội qua Hưng Yên sang tới Bắc Ninh (đường Vành đai 4).
Thế nhưng, lật lại lộ trình đầu tư các công trình giao thông trọng điểm ở Thủ đô, hiếm có công trình nào lại lận đận và gặp nhiều trắc trở như dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Từ giữa năm 2011, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1287 phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, tạo cơ sở pháp lý để triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường liên vùng này.
Theo đó, tuyến đường dài khoảng 98km đi qua địa phận TP Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km), Bắc Ninh (21,2km). Dự án được hoạch định với quy mô 6 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng.
Thủ tướng giao các địa phương nơi dự án đi qua chủ động lập dự án và huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng theo từng phân đoạn qua địa bàn từng tỉnh.
Dù cơ sở pháp lý đã có nhưng kể từ đó đến nay, ngoài TP Hà Nội khởi động được một số đoạn tuyến qua địa bàn bằng hình thức BT, nhưng chỉ sau thời gian ngắn phải dừng lại do cơ chế, chính sách thay đổi, các đoạn tuyến còn lại qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên vẫn án binh bất động bởi không có nguồn lực để đầu tư.
Trước thực tế trên, cuối tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản giao Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi để đầu tư toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Chỉ hơn 8 tháng sau, dự án có ngã rẽ mới rất quan trọng khi vào cuối tuần qua, lãnh đạo 5 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang đã ký Tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư theo phương án các địa phương “chung lưng đấu cật” để thực hiện tuyến đường liên vùng này.
Đầu tư thông toàn tuyến, không ngắt đoạn
Trong Tờ trình của 5 địa phương có nhiều đề xuất mới về cơ chế, chính sách và phương án đầu tư so với quy hoạch trước đây. Đầu tiên là công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án được đề xuất thực hiện một lần theo chỉ giới đường đỏ (rộng 120m) bằng vốn đầu tư công.
Khác biệt nữa, thay vì tách thành các dự án độc lập, đầu tư từng phân đoạn theo địa phận của từng địa phương như phương án trước đây, các tỉnh thống nhất sẽ triển khai đầu tư nối thông toàn tuyến, không chia nhỏ thành các đoạn nhằm đảm bảo tính kết nối.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Ngọc Tuyển, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh đã nhận được chủ trương về việc xây dựng đường Vành đai 4 Hà Nội đi qua địa bàn. Đơn vị đang chờ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND TP Hà Nội lập dự án, trình Chính phủ và Quốc hội thông qua, phê duyệt. Nếu được giao triển khai các dự án thành phần, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có giải pháp triển khai cụ thể.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND của 5 tỉnh, thành phố đề xuất, ngoài quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ nghiên cứu thêm phương án quy hoạch xây dựng phần đường cao tốc là cầu cạn trên cao thay cho việc đi bằng với quy mô 4 - 6 làn xe cao tốc.
Thành phần mặt cắt ngang của tuyến đường (rộng 120m) gồm: Đường đô thị đi bằng bên dưới, xây dựng các trụ đường cao tốc trên cao trong phạm vi dải phân cách giữa của tuyến đường.
Riêng đoạn vành đai phía Tây và một đoạn tuyến vành đai phía Đông có đường sắt quốc gia đi trên cao được xây dựng trong dải đất rộng khoảng 30m, còn lại 90m xây dựng đường đô thị đi phía dưới và đường cao tốc trên cao.
Tính toán của các địa phương cho thấy, nếu thực hiện đầu tư dự án theo phương án tuyến đi bằng, kinh phí xây dựng cần khoảng 105.000 tỷ đồng.
Còn triển khai làm cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, kinh phí xây dựng khoảng 135.000 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án ước tính khoảng 25.000 tỷ đồng.
“Với mức kinh phí đầu tư xây dựng trên, việc đầu tư toàn bộ tuyến đường bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước là khó khả thi và thời gian thực hiện sẽ kéo dài. Vì vậy, dự án cần nghiên cứu đầu tư theo hình thức hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo hình thức PPP. Trong đó, toàn bộ phần cao tốc đi trên cao sẽ thực hiện 100% bằng hình thức PPP, loại hợp đồng BOT”, Tờ trình nêu.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, để dự án khả thi, các địa phương đề xuất cơ cấu nguồn vốn thực hiện, gồm: Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng (25.000 tỷ đồng); các địa phương nằm trong phạm vi tuyến đường đi qua (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) ưu tiên bố trí vốn ngân sách tham gia một phần kinh phí đầu tư xây dựng phần đường dưới thấp khoảng 50.000 tỷ đồng/3 địa phương. Phần vốn còn lại (khoảng 50% tổng mức đầu tư) để xây dựng phần cao tốc trên cao là vốn của nhà đầu tư.
Để có cơ sở thực hiện, lãnh đạo 5 tỉnh, thành kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư xây dựng và giao TP Hà Nội (trung tâm Vùng Thủ đô) chủ trì, phối hợp cùng các địa phương có tuyến đường đi qua tổ chức nghiên cứu, triển khai đầu tư toàn tuyến.
Đáng chú ý, cùng với tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND 5 tỉnh, thành cùng lãnh đạo Bộ GTVT đã ký vào một bản thỏa thuận hợp tác đầu tư. Trong đó, nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan sau khi dự án được Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư.
UBND hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang, hai địa phương dù nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến Vành đai 4 sẽ phối hợp với cơ quan chức năng rà soát các quy hoạch liên quan, đặc biệt là mạng lưới đường giao thông có tính kết nối với tuyến đường Vành đai 4 để đảm bảo khớp nối đồng bộ về quy hoạch nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư mạng lưới kết cấu hạ tầng khung của Vùng Thủ đô.
Về phía Bộ GTVT, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án đề xuất của 5 địa phương, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát và điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Vành đai 4 phù hợp với điều kiện thực tế cũng như trong quá trình lập chủ trương đầu tư, lâp dự án đầu tư để triển khai xây dựng.
Bà Đào Hồng Lan (Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh):
Tuyến đường mở ra không gian kết nối cho Bắc Ninh
Theo quy hoạch được phê duyệt đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, Bắc Ninh rất cần kết nối vùng, mở ra không gian phát triển trong tương lai. Chúng tôi mong muốn tuyến đường Vành đai 4 sớm được đầu tư xây dựng và gửi gắm niềm tin để TP Hà Nội chủ trì xây dựng dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tuyến đường này đi qua Bắc Ninh sẽ giao cắt với QL38, QL17 và 4 đường tỉnh lộ, có 9 nút giao cắt. Vì vậy, chúng tôi cũng đề nghị khi xây dựng dự án đi qua địa phận Bắc Ninh, cơ quan chức năng tính toán phương án để kết nối với các điểm giao cắt này để không xảy ra tình trạng phương tiện không lên xuống được, dẫn tới phải đầu tư bổ sung hạng mục, tăng thêm chi phí.
Ông Đỗ Tiến Sỹ (Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên):
Hưng Yên sẽ xây dựng tuyến đường 70m để kết nối
Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 là mong mỏi bây lâu nay của chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên. Chúng tôi đang có các khu đô thị lớn cận kề với Thủ đô Hà Nội nên việc kết nối mở thêm đường hướng tâm Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua tỉnh là rất cần thiết.
Thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng tuyến đường rộng 70m hướng dọc sông Hồng giao cắt với tuyến đường Vành đai 4 và Vành đai 3,5 TP Hà Nội nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương và phát triển kinh tế.
Ông Trần Hữu Bảo (Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội):
GPMB ngay khi dự án được chấp thuận chủ trương
Tuyến đường này không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong vùng Thủ đô, cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mà còn giúp Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch.
Khi được Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai, TP Hà Nội sẽ nhanh chóng phối hợp với các địa phương bắt tay vào thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo phương án tiến độ đề ra.
Đ.Quang - L.Tươi (Ghi)