Giao thông

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: "Có những dự án lớn, chỉ lo thủ tục đã mất 3 năm"

23/10/2019, 16:07

Nội dung một số luật còn chồng chéo; quá trình thực hiện lấy ý kiến Bộ ngành mất nhiều thời gian... là nguyên nhân khiến nhiều dự án kéo dài.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội chiều 22/10

Phát biểu thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội chiều 22/10, đề cập đến quá trình triển khai các dự án của ngành giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Thể chế, pháp luật hiện nay đã tương đối đầy đủ. Mọi việc đều được điều chỉnh trong luật. Tuy nhiên, nội dung một số luật chưa thống nhất, còn chồng chéo. Quá trình thực hiện lấy ý kiến nhiều Bộ ngành, mất nhiều thời gian.

Dẫn ví dụ dự án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng cho hay, theo Luật Hàng không dân dụng, Bộ GTVT sẽ là cơ quan thẩm định dự án và trình Chính phủ. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2015 lại quy định chính quyền địa phương mới là cơ quan trình dự án.

“Do đó, khi Bộ GTVT trình hồ sơ dự án nhà ga hành khách T3 Nội Bài lên Chính phủ, các Bộ, ngành khi được lấy ý kiến đã tham mưu Chính phủ thực hiện hợp lý hơn vì đây là dự án hàng không - 1 trong 5 lĩnh vực do Bộ GTVT phụ trách, chúng tôi có kinh nghiệm hơn. TP.HCM có thể triển khai nhiều dự án nhưng rõ là ít kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực hàng không”, Bộ trưởng chia sẻ.

Cùng đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng bày tỏ băn khoăn về quy trình, thủ tục triển khai hiện nay. “Nếu thiết kế quy trình kéo dài thì rõ ràng triển khai sẽ mất nhiều thời gian. Chỉ riêng chuyện xin Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư dự án thôi đã phải mất một năm. Với những dự án có vốn trên 10 nghìn tỷ đồng thì còn phải trình Quốc hội, còn mất nhiều thời gian hơn nữa. Sau khi có chủ trương, công tác đấu thầu tư vấn lập dự án, triển khai lập dự án, báo cáo đầu kỳ, cuối kỳ, phê duyệt… cũng mất 10 - 12 tháng. Thực tế, chúng tôi đã mất 1 năm để phê duyệt được 11 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Sau khi có dự án rồi, lại tiếp tục mất thêm một năm để đấu thầu tư vấn thiết kế lập thiết kế kỹ thuật và dự toán. Như vậy, một dự án lớn mất 3 năm cho thủ tục. Nên chăng, chúng ta nghiên cứu rút ngắn lại quy trình, thủ tục, làm rõ thời điểm nào bố trí vốn cho hợp lý. Bố trí vốn rồi mà không giải ngân được thì cũng lãng phí”, Bộ trưởng Thể phân tích.

Chia sẻ những khó khăn về công tác GPMB, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh: “Chính phủ vừa kiến nghị tách dự án GPMB ra như một dự án độc lập để làm song song với thiết kế. Đề xuất này là rất hợp lý. Vì các dự án của ngành giao thông đa phần là dự án loại 1, tức là hơn 2.300 tỷ đồng/dự án đều phải di dời, đền bù tái định cư hàng trăm, hàng nghìn hộ gia đình. Nếu không tách riêng GPMB để triển khai thì không thể làm nhanh được”.