Bộ trưởng Bộ GTVT: Sẽ giải quyết ổn thỏa các vấn đề về BOT
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, sẽ giải quyết ổn thỏa các vấn đề liên quan đến trạm thu giá BOT.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể |
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, sáng 22/5, các đại biểu thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.
Kết quả ấn tượng nhờ quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Phát biểu thảo luận tại tổ 10, gồm các đoàn ĐBQH Cao Bằng, Thừa Thiên Huế, Yên Bái và Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đồng tình với báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cũng như báo cáo thẩm tra.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, năm 2017 là năm hết sức khó khăn nhưng chúng ta đã phấn đấu và đạt nhiều kết quả, đạt 12/13 chỉ tiêu, trong đó có những chỉ tiêu rất quan trọng như tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều này thể hiện sự quyết tâm rất cao, sự chuyển động của cả bộ máy, không chỉ các thành viên Chính phủ mà cả địa phương, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. “Những chỉ số này thể hiện thực chất nền kinh tế chúng ta đã chuyển biến rất tốt”, người đứng đầu ngành GTVT nêu ý kiến.
Nhìn vào tăng trưởng kinh tế 3 tháng đầu năm 2018 cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bộ trưởng Bộ GTVT, con số này không phải là những người trong cuộc đưa ra mà có sự giám sát của các tổ chức quốc tế ở Việt Nam, có sự phản biện, thẩm định rõ ràng.
Đề cập đến nguyên nhân của những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng cho rằng ngoài sự điều hành của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương còn thể hiện rất rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị trong thời gian qua.
Điển hình, năm 2017, Trung ương đã ban hành 2 Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân và sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước, tạo chuyển biến về bộ máy, không chỉ tạo sự đồng thuận trong nội bộ mà cộng đồng quốc tế cũng yên tâm về những chủ trương, định hướng lâu dài của chúng ta. Tiếp đó, đầu năm 2018, Trung ương tiếp tục ban hành Nghị quyết T.Ư 7, tạo sự đồng thuận rất cao.
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, theo Bộ trưởng Thể, ông cảm nhận lĩnh vực này có những chuyển biến rất tích cực.
Có được những kết quả như vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị |
Sẽ giải quyết ổn thoả các vấn đề về trạm thu giá BOT
Đề cập đến những vấn đề riêng của ngành GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhắc đến vấn đề nóng, và có lẽ chưa bao giờ nóng như vừa qua, đó là vấn đề về trạm thu giá BOT. Theo Bộ trưởng, nếu sắp xếp, giải quyết không ổn thoả thì dư luận không tốt, việc đầu tư sẽ gặp khó khăn.
Bộ trưởng cho biết, vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, cùng với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Bộ GTVT đã tham mưu, đề xuất một số chủ trương, biện pháp và có thể nói đến thời điểm này, tình hình các trạm thu giá BOT đã tương đối ổn định.
Trước mắt, Bộ GTVT sẽ tập trung giải quyết những vấn đề hiện đang tồn tại, việc nào liên quan đến trạm thu giá nào sẽ tập trung xem xét nguyên nhân để phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để giải quyết.
"Còn về lâu dài, hiện nay Bộ GTVT đang chuẩn bị rất nhiều dự án, nhưng tập trung làm trên các đường song hành chứ không làm ở đường độc đạo. Chúng tôi tập trung duy tu, sửa chữa để đường nào còn dùng được sẽ có hiệu quả tốt. Nếu quá tải thì lập đường song hành để thu phí kín và phát triển đường cao tốc có vận tốc nhanh, đảm bảo. Với những giải pháp Chính phủ chỉ đạo và Bộ GTVT đang làm, chúng tôi có niềm tin những vấn đề liên quan BOT trong giai đoạn sắp tới sẽ được giải quyết ổn thỏa", Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết tới đây sẽ tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn tại của trạm thu giá BOT |
Vấn đề thứ hai về hoạt động của Uber, Grab, theo Bộ trưởng, đây là sự phát triển đột biến khi thực hiện chủ trương thí điểm nhưng nó kéo dài và gây dư luận xã hội rất phức tạp, nhất là trách nhiệm của DN với lái xe, người sử dụng dịch vụ và công tác quản lý thuế, hoạt động của các DN này theo Luật pháp Việt Nam.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định 86 sửa đổi, tạo sân chơi công bằng cho các DN như Uber, Grab và các DN taxi truyền thống, bằng cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ tốt hơn, tăng cường công tác quản lý trách nhiệm của DN, của tài xế với người dân, xã hội.
Năm 2019 sẽ trình Quốc hội dự án tổng thể sân bay Quốc tế Long Thành
Một vấn đề quan trọng khác liên quan đến những công trình, dự án mà Trung ương đã có chủ trương, trong nhiệm kỳ này, Bộ GTVT có 2 Dự án trọng điểm quốc gia, đó là Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thông tin cụ thể, Bộ trưởng Thể cho hay, với Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, đến thời điểm này, một số công việc có chậm nhưng vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát, đó là công tác thu hồi đất. Việc này đã được Quốc hội, Chính phủ giao tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên hiện nay việc thẩm định giữa các bộ, ngành chậm, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để làm sao khi phê duyệt sẽ tiến hành GPMB.
Dự kiến năm 2019, Bộ GTVT sẽ báo cáo Quốc hội một dự án tổng thể sân bay quốc tế Long Thành gồm cả GPMB và quy mô, lộ trình, giải pháp xây dựng sân bay |
Còn riêng trách nhiệm của Bộ GTVT về tổ chức đấu thầu quốc tế để chọn nhà tư vấn, lập dự án tổng thể sân bay quốc tế Long Thành, Bộ trưởng cho biết Bộ đã bám sát kế hoạch, vừa công bố tư vấn trúng thầu và tư vấn hiện nay đang lập dự án, dự kiến năm 2019 Bộ sẽ báo cáo Quốc hội một dự án tổng thể gồm cả GPMB và quy mô, lộ trình, giải pháp xây dựng cảng hàng không.
Với Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng GTVT cho hay có 11 dự án thành phần. Trong tháng 5 Bộ sẽ phê duyệt 5/11 dự án, tháng 7 sẽ phê duyệt tiếp 5 dự án nữa, còn 1 dự án cuối cùng là cầu Mỹ Thuận 2 sẽ phê duyệt trong tháng 9.
“Tất cả công việc hiện nay Bộ đang giám sát chặt chẽ, hàng tháng đều họp giao ban và kiểm tra kỹ lưỡng”, Bộ trưởng khẳng định và cho biết, theo lộ trình trong năm nay Bộ sẽ phê duyệt toàn bộ 11 dự án, phối hợp với địa phương cắm mốc GPMB và đầu năm 2019 sẽ đấu thầu quốc tế lựa để mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.
Theo Bộ trưởng, dự án này đang được quản lý đúng tiến độ, xây dựng một kế hoạch tổng thể, trong đó có từng hạng mục công việc với mốc cụ thể, đến thời điểm nào xong công việc gì, để quản lý chi tiết, đáp ứng yêu cầu.