4 tỉnh ảnh hưởng sự cố Formosa phải vươn lên bằng kinh tế biển
Thủ tướng tin tưởng sau khi công tác khắc phục đã thực hiện tốt, nhất định 4 tỉnh miền Trung phải vươn lên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi kiểm tra tình hình ổn định đời sống nhân dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị tối 16/5 - Ảnh: TTXVN |
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động công tác chỉ đạo về ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung ảnh hưởng sự cố môi trường biển ngày 17/5, Thủ tướng tin tưởng sau khi công tác khắc phục đã thực hiện tốt, nhất định 4 tỉnh miền Trung phải vươn lên.
Không được để Formosa vi phạm lần thứ 2
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao vai trò các bộ, ngành, Ban chỉ đạo của Chính phủ, cũng như hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở của 4 tỉnh miền Trung trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt Thủ tướng đánh giá cao hỗ trợ của nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước khi xảy ra sự cố môi trường biển. Thủ tướng cho biết, qua thực tế thăm hỏi người dân ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị ngày 16/5, họ bày tỏ phấn khởi, cuộc sống tốt và đoàn kết, thương yêu nhau hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh 3 thành công lớn nhất sau sự cố là: Người dân tin Đảng, chính quyền; người dân đoàn kết hơn và cán bộ trưởng thành hơn qua sự cố này. “Tôi tới thị trấn Thuận An (Thừa Thiên - Huế), Chủ tịch nắm rõ tất cả mọi việc, thuộc từng gia đình mà ở đây 80% là ngư dân nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản”, Thủ tướng chia sẻ. Thủ tướng cho biết, môi trường biển, hải sản, bao gồm cả hải sản tầng đáy ở vùng biển miền Trung đã bình thường từ rất lâu rồi. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã công bố kết quả giám sát các chỉ tiêu an toàn đối với mẫu hải sản tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tương đương với mẫu hải sản vùng biển đối chứng và đảm bảo an toàn.
Thủ tướng cho rằng, môi trường là một trụ cột của sự phát triển, cùng với kinh tế - xã hội, tạo thành một tam giác phát triển. Tất cả các địa phương cần giữ gìn môi trường, đặc biệt là môi trường biển, một thế mạnh của Việt Nam. “Các địa phương và bà con nhân dân đều có nguyện vọng là không được để Formosa vi phạm lần thứ 2. Hệ thống đánh giá tác động ảnh hưởng môi trường cần đáp ứng yêu cầu năng lực, chủ động, hiệu quả và trách nhiệm. Công tác kiểm tra định kỳ được tiến hành nghiêm túc, nhất là kiểm tra đối với Formosa…”, Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ TN&MT cần xem xét lắp đặt thêm những điểm quan trắc môi trường tự động ở các thành phố lớn, khu công nghiệp và các nơi đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc này phải công khai, minh bạch để người dân và cộng đồng giám sát; Cần công khai bộ chỉ số đánh giá, thẩm định, kiểm tra chất lượng bảo vệ môi trường của các tỉnh, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn các tỉnh.
“Chúng ta tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhưng lưu ý nhắc nhở doanh nghiệp chú ý bảo vệ môi trường để có cuộc sống bình yên cho nhân dân”, Thủ tướng nói và yêu cầu nghiên cứu các phương án khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và sử dụng công nghệ xanh, thân thiện môi trường; Bộ Tài chính phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu thuế môi trường đối với chủ thể kinh tế gây ô nhiễm để thực hiện các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nghiên cứu, thực hiện thí điểm thành lập thị trường mua bán phát thải carbon trong thời gian tới.
Chi trả hết tiền bồi thường, hỗ trợ còn tồn đọng
Đến nay, số tiền hỗ trợ cho người dân đã đạt 99,1%, còn 0,9% chưa giải ngân xong (trừ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt 100%).
Thủ tướng yêu cầu các Bộ TN&MT, Tài chính, Công thương và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hướng dẫn các địa phương vướng mắc chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường cho những gia đình bị thiệt hại, đẩy nhanh xử lý các vướng mắc thủy sản bị tồn đọng. Tiếp tục theo dõi, quan trắc, giám sát dọc biển, đảm bảo an toàn đối với thủy sản tuyệt đối.
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành dứt điểm việc chi trả tiền hỗ trợ bồi thường còn tồn đọng, dù chỉ còn 0,9% nhưng người dân vẫn đang mong chờ. Hoàn thiện hồ sơ, chứng từ thanh toán, quyết toán các khoản đã chi một cách mạch lạc, rõ ràng; nếu có tiêu cực, tham nhũng phải xử lý nghiêm.
Các tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách khác về an sinh như: Hỗ trợ bảo hiểm y tế, học phí, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn cho người dân vùng bị ảnh hưởng. Tổ chức tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được, đồng thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Thủ tướng cũng nhắc các địa phương chú ý những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm như dự án hóa chất, lọc dầu, xi măng, sắt thép… trong quá trình thẩm định dự án.
Thủ tướng mong muốn sau khi khắc phục sự cố, nhất định 4 tỉnh miền Trung phải vươn lên, nhất là về kinh tế biển. Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp tốt hơn với các tỉnh để phát huy thế mạnh lợi thế biển, kể cả thể thao, du lịch… Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi, quan trắc, giám sát hoạt động của doanh nghiệp FHS, nhất là sau khi vận hành lò số 2; thường xuyên giám sát, nhắc nhở, quan trắc trực tiếp, gián tiếp đối với hoạt động của FHS, tiếp tục chú ý công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực miền Trung...