Xã hội

"Núi" phế liệu đấu nối trực tiếp quốc lộ, chủ bãi phớt lờ cơ quan chức năng

22/11/2023, 05:30

Hàng vạn m2 đất thuộc dự án may mặc tại xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành (Hải Dương) bị “biến tướng” thành nơi tập kết phế liệu, rác thải công nghiệp trái phép với số lượng lớn gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Dự án may mặc hóa bãi phế liệu "khủng"

Từ phản ánh của bạn đọc, PV Báo Giao thông tìm tới hai cơ sở kinh doanh may mặc và chế biến nông sản nằm ở thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành (Hải Dương) và ghi nhận, nơi đây đã bị "biến tướng" thành bãi tập kết phế liệu lớn.

Bãi tập kết phế liệu này rộng khoảng 10.000m2, nằm sát quốc lộ 17B. Tại đây, không hề có bất cứ bảng, biển hiệu nào liên quan đến nhà máy may mặc mà chỉ có nhà xưởng kết cấu khung thép, mái tôn bao quanh một hồ chứa nước. 

Hai cổng ra vào của bãi phế liệu được đấu nối trực tiếp với tuyến quốc lộ 17B, phía đằng trước được quây tôn làm tường rào tạm bợ. Hằng ngày, đều có một tốp nhân công ngồi phân loại phế liệu ngay gần cổng ra vào của khu nhà xưởng. 

Hải Dương: Dự án may mặc bị “hô biến” thành cơ sở tập kết phế liệu trái phép - Ảnh 1.

Cơ sở may mặc hiện trở thành nơi tập kết phế liệu, cổng đấu nối trực tiếp ra quốc lộ 17.

Lượng rác thải khổng lồ tập kết về đây đang được chất chồng bên trong các nhà xưởng, cao ngang mái tôn, tràn lan khắp nơi và không được che chắn cẩn thận. 

Theo quan sát của PV, đây đều là rác thải công nghiệp phục vụ việc chế biến, sản xuất nhựa gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). 

Không những thế, các đơn vị này còn chất cả phế liệu ra ngoài hành lang giao thông đường bộ, việc các xe tải chung chuyển hàng hóa ra vào tại đây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) ven quốc lộ 17B.

Anh V.V.B, trú tại thôn Dưỡng Mông cho biết: "Trước đây, hai cơ sở may mặc của ông Trần Văn Vĩnh và bà Vũ Thị Vẻn xây dựng tại địa phương đã tạo công ăn, việc làm cho không ít người dân. Tuy nhiên,  sau đợt dịch Covid-19, nhà xưởng tại đây đã chuyển thành nơi tập kết đủ các loại rác thải công nghiệp khiến bà con lo ngại".

Hải Dương: Dự án may mặc bị “hô biến” thành cơ sở tập kết phế liệu trái phép - Ảnh 2.

Phế liệu chất chồng cao ngang mái tôn trong các nhà xưởng ven quốc lộ 17.

Chính quyền khó tiếp cận chủ thể vi phạm để xử lý?

Được biết, một trong hai cơ sở may mặc tại thôn Dưỡng Mông là dự án của hộ kinh doanh Trần Văn Vĩnh (trú tại thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc). Xưởng này có diện tích gần 5.000m2 được UBND huyện Kim Thành cho thuê đất với mục đích sản xuất may mặc và chế biến nông sản.

Tuy nhiên, chủ cơ sở này đã không hoạt động theo đúng mục đích đất được thuê mà hiện cho Công ty TNHH XD&TM Thành Thái T&T thuê nhà xưởng, kho bãi để tập kết phế liệu sản xuất tấm nhựa Eva với công suất 1.000 tấn/năm. 

Ngày 16/9/2023, UBND xã Ngũ Phúc đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản doanh nghiệp này thuê nhà xưởng, kho bãi để chất thải, rác thải công nghiệp và phế liệu gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo về công tác PCCC. 

Qua đó, UBND xã Ngũ Phúc yêu cầu chủ cơ sở di chuyển tất cả phế liệu và rác thải công nghiệp ra khỏi dự án trước ngày 30/9/2023 và chấm dứt hợp đồng với bên được cho thuê. 

Tuy vậy, tới nay thời hạn chính quyền yêu cầu đã quá 3 tháng nhưng doanh nghiệp này vẫn vô tư hoạt động như chưa có gì xảy ra.

Clip: Toàn cảnh hai cơ sở tập kết phế liệu trái phép ven quốc lộ 17 qua huyện Kim Thành, Hải Dương.

Xưởng thứ hai nằm liền kề dự án của ông Vĩnh là hơn 5.000m2 đất UBND huyện Kim Thành cho bà Vũ Thị Vẻn (người địa phương) thuê nhằm mục đích xây dựng dự án dệt may xuất khẩu và kinh doanh tổng hợp. 

Ngày 10/11/2022, bà Vẻn đã cho ông Lưu Văn Tân thuê lại nhằm mục đích làm nhà kho và xưởng sản xuất. Kể từ đó, khu nhà xưởng này đã trở thành nơi tập kết phế liệu, rác thải công nghiệp.

Ngày 12/7/2023, UBND xã Ngũ Phúc đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản về thực trạng tại cơ sở này về hành vi gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo về công tác PCCC khi chất thải khoảng 400m3 phế liệu tại đây, đồng thời yêu cầu di chuyển trước ngày 15/8 nhưng cũng giống cơ sở trên, khu nhà xưởng này vẫn ngang nhiên hoạt động.

Hải Dương: Dự án may mặc bị “hô biến” thành cơ sở tập kết phế liệu trái phép - Ảnh 4.

Khối lượng lớn phế liệu không được che chắn cẩn thận gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn phòng cháy chữa cháy.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc thừa nhận, hai cơ sở kinh doanh may mặc trên địa bàn được cho thuê hơn 10.000m2 đất làm dự án nhưng hiện không sử dụng đúng mục đích đã thuê. 

Nắm bắt được sự việc, địa phương đã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện Kim Thành tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm và yêu cầu chủ sở hữu dừng mọi hoạt động liên quan, di chuyển toàn bộ phế liệu ra khỏi dự án. Tuy nhiên, qua nhiều lần làm việc, các đơn vị vẫn không chấp hành.

Đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Thành cho biết, với các cơ sở ở thôn Dưỡng Mông này chất chứa phế liệu tràn ra hành lang giao thông, hoạt động không đúng theo dự án đầu tư được phê duyệt, phòng đã lập biên bản vi phạm.

"Chúng tôi đã mời chủ sở hữu tới làm việc nhưng họ không chấp hành, không ký vào biên bản làm việc. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục mời họ tới làm việc và yêu cầu khắc phục vi phạm; Nếu cố tình không chấp hành sẽ xử lý theo quy định của pháp luật", vị này cho hay.

Trước đó, ngày 13/1, tổ công tác của Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy, môi trường (Công an huyện Kim Thành) phối hợp kiểm tra, phát hiện tại Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Phát T&T (thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc, Kim Thành) diễn ra hoạt động tái chế nhựa EVA từ phế liệu đế giày da, gây mùi khét xả ra môi trường, ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống xung quanh.

Quá trình kiểm tra, tổ công tác còn phát hiện tại hai nhà kho và hai khu vực chứa bên ngoài nhà kho của công ty chất nhiều bao tải bên trong chứa đế giày và phế liệu trong quá trình sản xuất, tổng khối lượng ước khoảng 50 tấn.

Thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Phát T&T chưa xuất trình được các giấy phép liên quan đến hoạt động của hệ thống cắt, cán nhựa EVA, kế hoạch bảo vệ môi trường liên quan đến việc thu gom, chất chứa và hoạt động cắt, cán nhựa EVA.

Qua đó, Công an huyện Kim Thành đã yêu cầu công ty tạm dừng mọi hoạt động sản xuất để xác minh, làm rõ vụ việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.