Dù đường Võ Nguyên Giáp đã có biển báo cấm xe mô tô, xe gắn máy và phương tiện thô sơ, tuy vậy, một đoàn “cua-rơ” trong trang phục quần áo thể thao, điều khiển xe đạp đua vẫn ung dung nối đuôi nhau lưu thông giữa những dòng ô tô đang chạy với tốc độ 80 - 90km/h về hướng Nội Bài.
Trước đó không lâu, cuối tháng 4/2020, trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên xuất hiện một đoàn đi xe đạp đua khoảng 10 người ngang nhiên lập đội, chiếm đường đi, bất chấp quy định cấm các loại xe máy, xe đạp, xe thô sơ và người đi bộ đã được thông báo trước đó.
“Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tốc độ thiết kế 60 - 100km/h. Đoàn xe đạp đi vào chỉ cần một xe gặp sự cố trượt ngã hoặc một ô tô bất cẩn thiếu quan sát trong quá trình vượt xe khác thì nguy cơ TNGT là điều khó tránh khỏi”, một cư dân mạng bức xúc bình luận.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, tại Việt Nam, các tuyến đường cao tốc thường thiết kế tốc độ cao nên chỉ dành riêng cho ô tô, cấm các loại phương tiện xe máy, xe thô sơ, xe ba gác, người đi bộ tham gia giao thông trên đường. Với tốc độ ô tô đi nhanh như vậy, việc xe đạp đi vào đường cấm là rất nguy hiểm, khi xảy ra tai nạn, thương vong để lại không phải là một cá nhân mà sẽ là một nhóm người.
Theo ông Thạch, thời gian tới, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường cần bổ sung lực lượng tuần tra, tăng cường sự giám sát, đặc biệt trong khung giờ sáng tại các tuyến đường thường xuyên xuất hiện người đi xe đạp di chuyển vào đường chỉ dành cho xe ô tô như: Hà Nội - Thái Nguyên, đại lộ Võ Nguyên Giáp…
“Lực lượng thực thi công vụ phải căn cứ theo Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, phạt nghiêm người điều khiển xe đạp đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển (trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định), với mức phạt 200.000 - 300.000 đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận