• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Gương sáng giao thông

Chuyện người “công nhân” Cơ Tu không nhận thù lao sửa đường

04/06/2022, 06:25

Nhắc đến người đàn ông này, nhiều lãnh đạo Sở GTVT Quảng Nam, chính quyền địa phương tếu táo gọi ông là giám đốc “công ty sửa đường một người”.

Công nhân duy tu” có một không hai

Ròng rã gần 20 năm, trên tuyến đường huyện nối xã Ba với xã Tư (huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) có một người đồng bào dân tộc Cơ Tu miệt mài, cần mẫn vá đường, giúp người dân đi lại thuận lợi.

Chiếc cuốc sửa đường được ông Đinh Văn Thép gìn giữ như một kỷ vật

Lần theo câu chuyện kể của ông Trần Mộng Nhung, nguyên Giám đốc Công ty CP Công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, chúng tôi tìm về thôn Ga Doong, xã Tư gặp ông Đinh Văn Thép - người đã có gần hai chục năm dãi nắng dầm mưa trên con đường dài hơn 10km.

Năm nay vừa bước qua tuổi 72, ông Thép vẫn giữ được dáng vóc khỏe mạnh. Ngày ngày ông vác cuốc chim, cầm cái xẻng xới đất, làm vườn như bản tính ưa thích lao động, làm việc từ thời trai trẻ.

Mỗi tuần, ông vẫn giữ thói quen buộc con rựa, cái cuốc lên chiếc xe máy cũ, rồi chạy rà rà dọc tuyến đường huyện quan sát, ngó nghiêng.

Chỗ nào có tán cây, bụi rậm che khuất tầm nhìn ông dừng lại phát quang, dọn dẹp. Đoạn nào đất đá phủ lấp, chất thải gia súc vương vãi mặt đường thì hốt dọn.

Có biển báo nào nghiêng ngả, xiêu vẹo, ông một mình gia cố, sửa sang ngay ngắn.

Ông bảo, từ ngày tuyến đường được đổ bê tông, xe ô tô từ xã lên huyện chạy bon bon nên công việc sửa đường nhàn hạ hẳn.

Không còn cảnh phải “đập đá, vá đường” sau những trận mưa rừng xói lở triền miên.

Hiện nay ông Thép vẫn giữ thói quen chăm sóc, sửa sang những tuyến đường trong thôn, làng

Ông kể, sau những chuỗi ngày dài gian khổ, từ một cậu bé làm liên lạc cho cách mạng, ông khai man tuổi để được vào bộ đội.

Đất nước giải phóng, trải qua các cương vị Phó chủ tịch xã, Trưởng công an xã, rồi Bí thư chi bộ xã Tư, năm 2000, ông nghỉ hưu và tiếp tục làm công tác ở thôn Ga Doong.

Trăn trở, suy nghĩ, rồi nhận ra, cuộc sống của người dân Cơ Tu xã Tư sẽ không thể thoát nghèo, thoát đói nếu thiếu đường kết nối xã với huyện, với tỉnh. Tương lai học hành của con em sẽ “đứt gánh giữa chừng” khi mưa lũ chia cắt.

“Có đường, bản làng Cơ Tu sẽ ấm no, cái chữ, cái ánh sáng văn minh, văn hóa tiến bộ sẽ đến với người đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Thiếu con đường, đồng nghĩa người dân sẽ bị cô lập, là đói, là nghèo”, giọng ông chắc nịch.

Nghĩ là làm, ròng rã hàng chục năm, bất kể trời mưa lũ, hay nắng cháy, ông một mình miệt mài, cần mẫn sửa đường, thông xe, đảm bảo giao thông như một công nhân duy tu, bảo trì, nhưng không hề nhận bất cứ thù lao, chế độ nào.

5 con vịt đổi một cái xà beng

Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Thép treo đầy giấy khen, bằng khen

Ông nhớ lại, nguyên sơ con đường từ xã Tư ra thị tứ Sông Vàng (xã Ba, huyện Đông Giang) là tuyến đường mòn đất đá lởm chởm, cây cối rậm rạp.

Nhiều vị trí bị mưa lũ xói lở phải bắc cầu tạm bằng thân cây. Con em học sinh đi học bằng đôi chân trần thường xuyên tứa máu, ngày ngày đối diện với những bất trắc, hiểm nguy rình rập vì mưa rừng, xói lở.

Vậy là ngày ngày, ông túc trực trên tuyến đường đập đá san đường, đào mương rãnh thông nước bằng những dụng cụ thô sơ cuốc chim, xà beng. Những tảng đá nhỏ có thể vần bằng tay, nhưng những tảng đá lớn thì phải bậy, phải đào.

Có tảng phải đào cả buổi mới di chuyển được để san lấp tạo mặt đường rộng hơn. Có những đoạn gặp đá tảng lớn, hay xói lở phải bắc cầu thì ông huy động thêm dân làng giúp sức.

“Đường ngày càng to rộng, đi lại thuận lợi, hàng trăm hộ dân mua được xe máy. Mỗi ngày nhìn thấy bà con đi xe máy lên huyện, con em đi học thuận tiện hơn, tôi sướng lắm. Nên đường hư hỏng, xói lở, vùi lấp thế nào tôi cũng cố làm, cố sửa chữa”, ông Thép nói.

Nhắc đến việc làm của ông Thép, vợ ông - bà Nguyễn Thị Nhiển (70 tuổi) cười hiền: “Nếu kể công ông Thép làm đường thì công tôi đi đầu.

Cứ nhẩm tính, để có 1 cái cuốc chim phải đổi đến 3 con gà, 1 cái xà beng mất 5 con vịt. Trong mười mấy năm ông ấy “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như thế, thì thử hỏi gà vịt tôi nuôi phải mất bao nhiêu con?!”.

Tiếp lời vợ, ông Thép tự hào: “Người xưa có câu “của chồng, công vợ”, nếu như không có sự ủng hộ của vợ, một mình cáng đáng công việc nhà cửa, ruộng nương, một nách nuôi 5 người con thì tôi đâu có sức làm việc “bao đồng”.

Nhờ sự tần tảo, chịu khó ấy, mà giờ trong số 5 người con thì có đến 4 đứa tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định, giữ chức vụ cao ở các cơ quan, đơn vị nhà nước”.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Tư chia sẻ: “Đến bây giờ, hình ảnh về bác Thép dầm mưa, đội nắng tu sửa đường vẫn còn rõ như in trong ký ức tuổi thơ thế hệ chúng tôi.

Hồi đó, hàng ngày, tôi cũng như nhiều đứa trẻ Cơ Tu chân trần đi bộ đến trường trên đều thấy bóng dáng cặm cụi làm đường, lưng áo bác luôn ướt đẫm mồ hôi.

Đến bữa trưa, bác ấy cứ ngồi ở con dốc lớn ăn cơm, có lúc là củ sắn, ổ bánh mỳ. Đến nay, người dân địa phương quen miệng gọi cái dốc ấy là dốc ông Thép, như một lời nhắc nhớ, ghi ơn”.

Cả huyện, cả tỉnh đều biết ông Thép

Ông Hồ Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, câu chuyện về ông Thép tự nguyện làm phu sửa đường không chỉ cả huyện Đông Giang biết, mà cả lãnh đạo ngành GTVT tỉnh Quảng Nam đều rõ.

Con đường từ xã Tư ra thị tứ Sông Vàng để lên trung tâm huyện chỉ là một con đường nhỏ, sỏi, đá, dốc ngược, suối chia cắt, thường xuyên bị xói lở chia cắt. Vào mùa mưa lũ, xã Ba như một ốc đảo cô lập giữa rừng. Muốn đưa hàng tiếp tế vào xã, người ta phải đi đường vòng qua núi.

“Từ ngày có ông Thép tự nguyện sửa đường, con đường vào ra xã Tư thuận tiện hơn. Đến nay, tuyến đường sỏi đá này đã được thay bằng con đường bê tông rộng 4m. Ô tô đã đến được từng thôn, làng. Xe chạy chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã lên đến trung tâm huyện. Tuyến đường này được xem là trục giao thông chính, góp phần quan trọng kết nối, lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Minh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.