Từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020, phần lớn người dân nông thôn tỏ ra e dè và đắn đo trong việc sử dụng rượu, bia khi đi đám tiệc.
“Bị phạt cao thì chỉ có nước bỏ xe”
Anh Trần Chí Thiện (ngụ huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) chia sẻ, trước đây, mức phạt vi phạm nồng độ cồn chưa cao, đa số người dân có phần chủ quan trong việc đã sử dụng rượu, bia vẫn tham gia giao thông trên đường và hậu quả có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia xảy ra.
“Tôi ở quê, hàng ngày chỉ quanh quẩn ruộng vườn, ít đi đâu xa, thỉnh thoảng có chạy xe đi chợ hay đi đám tiệc. Trước đây, gặp anh em ở đám còn nhậu được vài ly, nay mức phạt cao quá, chắc là không dám nhậu nữa, vì lỡ bị phạt ở mức cao thì chỉ có nước mà bỏ xe thôi”, anh Thiện nói.
Còn anh Nguyễn Văn Lịnh (huyện Dầm Dơi, Cà Mau) chia sẻ, mấy ngày nay thông qua phương tiện truyền thông tôi có biết được việc tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100, nhưng cũng mơ hồ, không biết được cụ thể mức phạt thế nào, chỉ nghe nói là cao hơn so với trước đây rất nhiều.
“Bình thường đi đám tiệc nhà hàng xóm, bà con ở quê có thói quen tiếp khách nhiệt tình, ông bà thường hay nói “khách đến nhà không trà thì rượu”. Tôi cũng có uống và chạy xe về bình thường, nhưng khi Nghị định mới có hiệu lực, thấy rượu, bia mình cũng e dè và từ chối vì sợ sau khi uống vào điều khiển phương tiện bị phạt... thì khổ”, anh Lịnh chia sẻ.
Cần sự vào cuộc có trách nhiệm của các nhà hàng, quán nhậu
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau cho biết, trước và sau khi Nghị định trên có hiệu lực, lực lượng CSGT trong tỉnh vẫn thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGT, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.
Ông Bằng cho rằng, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ hầu như chỉ thay đổi mức phạt chứ không thay đổi nhiều về hành vi vi phạm của người tham gia giao thông.
“Nghị định được ban hành và có hiệu lực, tạo sự lan tỏa rất lớn đặc biệt là ở khu vực đô thị, ở nông thôn người dân cũng đã ý thức được việc “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, nhiều người khi đi đám tiệc cũng đắn đo khi sử dụng rượu, bia”, ông Bằng cho hay.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT các huyện, TP Cà Mau cũng tăng cường cử cán bộ về xã để hỗ trợ xã trong quá trình kiểm tra, xử lý theo chỉ đạo của Công an tỉnh, để tạo sự lan tỏa trong công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Theo ghi nhận, vào các ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật của tuần đầu tiên khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, lượng khách đến các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn TP Cà Mau vắng khách nhiều so với các ngày thứ 7, chủ nhật trước đây. Nhiều người tỏ ra bàn tán về việc sau khi sử dụng rượu, bia tham gia giao thông khi bị CSGT phát hiện sẽ bị phạt rất nặng.
“Hiện nay, một số nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn cũng đang hợp đồng với các dịch vụ để đưa rước khách về nhà sau khi sử dụng rượu, bia tại các quán nhậu, nhà hàng”, ông Bằng thông tin.
Ông Bằng khẳng định, với sự triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp kiểm tra nồng độ cồn và sự vào cuộc có trách nhiệm của các nhà hàng, quán nhậu thì việc người dân vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông sẽ giảm đi. Từ đó, góp phần kéo giảm số vụ TNGT liên quan đến nồng độ cồn.
Theo báo cáo mới nhất của Phòng CSGT Công an tỉnh Cà Mau cho thấy, từ ngày 1 đến ngày 8/1, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 121 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Trong đó, vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở là 33 trường hợp (có 5 ô tô), vượt quá 0,25 – 0,4 miligam/1 lít khí thở là 28 trường hợp (có 3 ô tô) và vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở là 57 trường hợp (có 3 ô tô) và 3 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.
Qua đó, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 121 trường hợp, tạm giữ 121 trường hợp, với tổng số tiền xử phạt trên 731 triệu đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận