• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Giao thông 24h

Nghị định 100 làm thay đổi văn hóa giao thông

06/01/2021, 06:09

Nghị định 100 được xem là liều thuốc để trị căn bệnh nhờn luật và ngăn chặn các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT.

Năm 2020, CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý 185.550 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn (Trong ảnh: Đội CSGT số 6 - Phòng CSGT Hà Nội phối hợp cùng Công an quận Bắc Từ Liêm lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường Văn Tiến Dũng, Hà Nội ngày 15/12/2020). Ảnh: Tạ Hải

Với các mức phạt tăng nặng gấp nhiều lần so với trước đây, Nghị định 100 được xem là liều thuốc để trị căn bệnh nhờn luật và ngăn chặn các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT. Việc xử lý nghiêm của lực lượng chức năng đã góp phần thay đổi hành vi và thói quen của nhiều người dân, xây dựng văn hóa giao thông lành mạnh với tinh thần “Đã uống rượu bia, không lái xe”. Nhờ vậy, trong năm 2020, TNGT đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua.

“Từ nay xin chừa!”

Dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch năm 2021, như thường lệ, gia đình anh Vũ Tuấn (trú tại Hà Nội) lại rủ 2 gia đình bạn thân đi du lịch đón năm mới. Năm nay, ba gia đình chọn đi Sa Pa và khác với mọi năm, cả 3 nhà thống nhất thuê chung 1 chiếc xe thay vì sử dụng mỗi nhà 1 xe riêng.

“Chúng tôi xác định đã đi chơi sẽ có uống rượu, bia nên thuê xe đi thay vì tự lái xe nhà. Nếu đi từ Hà Nội lên Sa Pa và chạy loanh quanh các điểm vui chơi trong 3 ngày, thì tiền xăng và cầu đường của mỗi xe riêng cũng hết tầm 1,5 triệu đồng/xe, tức 3 xe hết 4,5 triệu. Nay thuê 1 xe 16 chỗ rộng rãi thoải mái để đồ, ngồi không hết ghế, cũng chỉ hết 6,5 triệu đồng. Giá cao hơn chi phí xe nhà tầm 2 triệu đồng nhưng được thoải mái vui chơi ăn uống, mà lại an toàn, chứ giờ chỉ “dính” vi phạm nồng độ cồn, mức thấp nhất đã 6 - 7 triệu đồng”, anh Tuấn lý giải.

Sự lựa chọn của gia đình anh Tuấn và những người bạn có lẽ cũng là sự lựa chọn của nhiều gia đình khác, của nhiều người khác trong dịp Tết Dương lịch 2021 cũng như các dịp lễ trước đó.

Bởi lẽ với việc lực lượng CSGT toàn quốc tập trung xử lý rất nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn từ khi có Nghị định 100, nhiều người đã ý thức được việc nếu như đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Trong năm 2020, CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý 185.550 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Đáng chú ý, khi bị CSGT kiểm tra, xử phạt với mức phạt rất nặng, nhiều người viện đủ lý do để biện minh cho hành vi của mình, tìm đủ cách để được bỏ qua. Trước sự cương quyết của CSGT, họ tỏ ra hối lỗi và hầu hết đều coi là bài học để lần sau không tái phạm.

Điển hình, chiều 31/12, tại nút giao thông Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám (quận Thanh Xuân, Hà Nội), Tổ công tác Đội CSGT số 10 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) tiến hành dừng hàng loạt xe để kiểm tra nồng độ cồn.

Trong số này có anh Đỗ Đình C. (SN 1980, ở phường Quan Nhân, quận Thanh Xuân), điều khiển xe máy SH mang BKS 29G1- 429.3x. Khi bị dừng xe, anh C. “khoe” có quan hệ với cán bộ cấp cao, tuy nhiên trước sự kiên quyết của CSGT, anh C. đành phải ký vào biên bản. “Biết uống rượu đi xe sẽ bị phạt nặng nhưng tôi đã không thể từ chối khi bạn ép uống”, anh C. trần tình và cho biết, “từ nay xin chừa”.

Cùng thời điểm này, tại nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà (quận Ba Đình), Tổ công tác của Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) tiến hành dừng hàng loạt phương tiện kiểm tra nồng độ cồn tài xế.

Trong số này, anh Nguyễn Quang H. (SN 1995, ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội) điều khiển xe máy BKS 29X - 456.3x chở bạn gái phía sau đã bị cảnh sát giữ xe vì vi phạm nồng độ cồn. Vậy là dự định đón năm mới ở hồ Gươm của anh H. cùng bạn gái lỡ dở vì không có xe để tiếp tục lưu thông.

“Do vui tất niên nên tôi có uống rượu với bạn, giờ bị phạt nặng và giữ xe, tước bằng thế này, từ nay nếu có uống rượu bia tôi không bao giờ dám lái xe nữa!”, anh H. nói.

Trung tá Vũ Xuân Hà Thái, Tổ trưởng Tổ công tác Đội CSGT số 3 cho biết, so với giai đoạn đầu thực hiện Nghị định 100, đến nay mọi việc thuận lợi hơn nhiều bởi người vi phạm đã nắm được luật, hầu như không có trường hợp nào chống đối.

Trong khi đó, trên các tuyến cao tốc, lực lượng của Cục CSGT cũng được tăng cường đề xử lý các “ma men” lái xe, đặc biệt là xe khách.

Theo lãnh đạo Đội TTKS cao tốc số 1, Cục CSGT, so với thời điểm Nghị định 100 mới có hiệu lực thì đến nay vi phạm nồng độ cồn đã giảm nhiều. Tuy nhiên, dịp cuối năm, lực lượng CSGT vẫn sẽ tăng cường TTKS, xử lý nghiêm để ngăn ngừa tai nạn.

Ý thức người dân chuyển biến rõ rệt

Không chỉ ở khu vực thành thị mà tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nơi thói quen uống rượu, bia đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của nhiều người, có thể thấy rõ sự thay đổi từ khi có Nghị định 100.

Tại huyện miền núi Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, đây là nơi tập trung đông đảo đồng bào người dân tộc Thái, Thổ và Khơ Mú sinh sống. Từ bao đời nay, chén rượu thăm luôn là cái để người ta chào nhau bất kể sáng, trưa hay chiều. Uống càng nhiều, càng say thì càng trở nên thân thiết.

Ông Vi Minh Trang, Ban ATGT huyện Quỳ Châu cho biết, từ trước khi Nghị định 100 có hiệu lực, việc sử dụng rượu, bia trong các dịp lễ, Tết, hiếu, hỉ… vẫn còn phổ biến.

Các cuộc vui thường kéo dài với sự chúc tụng, kỳ kèo, thậm chí nhiều cuộc vui trở nên “mất vui” cũng vì rượu, bia. Đặc biệt là tình trạng lái xe sau khi sử dụng rượu, bia gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng trên địa bàn.

Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 100, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, xử lý thì tình trạng sử dùng rượu, bia đã có nhiều thay đổi. Tình trạng người dân sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể.

Một số đám cưới, đám tang đã thay rượu, bia bằng việc sử dụng nước ngọt hoặc các loại nước uống khác không có cồn. Người dân đã có ý thức và trách nhiệm hơn trong sử dụng rượu, bia.

“Nhờ đó, trong năm 2020 không xảy ra tai nạn, va chạm giao thông nào có liên quan đến sử dụng rượu, bia”, ông Trang cho hay.

Trung tá Và Bá Bì, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Kỳ Sơn, một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An cũng cho biết, huyện có trên 90% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều phong tục, tập quán liên quan đến rượu, bia.

Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện Nghị định 100 đến nay, nhờ tuyên truyền thường xuyên, liên tục và quyết liệt xử lý vi phạm, ý thức của người dân đã có nhiều chuyển biến rất tích cực.

Không cấm uống rượu, bia nhưng uống rồi cấm lái

Theo Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội, năm 2020 tình hình TNGT trên địa bàn thành phố đã giảm trên cả 3 tiêu chí. Để có được kết quả trên, việc triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị định 100 đóng vai trò rất quan trọng.

Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), chỉ tính riêng thực hiện cao điểm từ ngày 15/12 - 28/12/2020, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 101.085 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, trong đó đã xử lý 8.301 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn các loại.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, chỉ trong tính 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch, lực lượng CSGT đã xử lý 125 trường hợp người điều khiển vi phạm nồng độ cồn các loại.


“Ý thức của người tham gia giao thông đã thay đổi rất nhiều, đại bộ phận đều không dám điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia. Để tiếp tục thực hiện quả, Phòng đã triển khai kế hoạch đến các Đội, trạm CSGT địa bàn, 30 tổ công tác đặc biệt 141 phối hợp với công an các quận, huyện tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, ngoài “đón lõng” trên các tuyến quốc lộ ra vào thành phố, còn lập chốt trên các tuyến đường nội đô có nhiều nhà hàng, quán nhậu...”, Đại tá Hải cho hay.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM cho biết, năm 2020, thành phố kéo giảm 10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương do TNGT.

Cụ thể, số vụ TNGT giảm 14%, số người chết giảm 12%, người bị thương giảm 15%. Riêng số vụ TNGT do nguyên nhân sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể trên toàn thành phố.

Như tại huyện Bình Chánh, năm 2019 có 150 người chết do TNGT nhưng từ khi thực hiện Nghị định 100, số vụ TNGT giảm mạnh, năm 2020 số người thiệt mạng giảm xuống còn 15 người. “Đây là năm đầu tiên, thành phố chỉ còn dưới 600 người chết do TNGT”, ông Tường nói.

Riêng về dịch vụ đưa đón người say về nhà, theo ông Tường, tại TP HCM đã có vài công ty đăng ký tổ chức dịch vụ này và bước đầu cũng hiệu quả. Tuy nhiên có người đã biết dịch vụ này, có người chưa, do vậy cần phải nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới.

Theo một cán bộ công an quận 9, TP HCM, từ khi có Nghị định 100 đến nay, tình hình TNGT liên quan nồng độ cồn giảm hẳn. Khó khăn duy nhất hiện nay là phương tiện vi phạm bị tạm giữ quá nhiều mà không có nơi để chứa.

Nhìn nhận về hiệu quả Nghị định 100, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết: “Nghị định 100 là từ khóa “hot” nhất trong 1 năm qua, với điểm nhấn là mức phạt vi phạm nồng độ cồn tăng rất cao, cùng với sự triển khai quyết liệt của lực lượng chức năng”.

Theo Đại tá Bình, do hiện nay phương tiện chủ yếu là thuộc sở hữu cá nhân, nên khi đánh vào kinh tế, rõ ràng nhận thức và sự chấp hành đã tốt hơn.

“Cần phải hiểu rõ Nghị định 100 không cấm người dân uống rượu, bia, tuy nhiên khi đã uống thì không được điều khiển phương tiện. Nếu đòi hỏi cả 2 là vừa uống, vừa lái xe thì đó là đòi hỏi vô lý. Trong cuộc sống luôn có những sự lựa chọn và chúng ta phải lựa chọn những điều mang lại lợi ích lớn hơn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho xã hội”, Đại tá Bình nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin thêm, cuối năm, tình hình lái xe vi phạm nồng độ cồn có xu hướng gia tăng và đã xảy ra 1 số vụ TNGT liên quan đến nồng độ cồn. Do đó, lực lượng CSGT sẽ đặc biệt chú trọng vào kiểm tra vi phạm nồng độ cồn trong giai đoạn trước, trong và sau Tết.

Sản xuất, tiêu thụ bia giảm mạnh

Đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, sản lượng bia năm 2020 giảm từ 10 - 20% so với năm 2019.

Trong đó, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho biết, 9 tháng năm 2020 doanh thu đạt 5.654 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ 2019. Còn với Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), doanh thu và lợi nhuận 9 tháng năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, ngưỡng 20.230 tỷ đồng (năm 2019 đạt ngưỡng 28.321 tỷ đồng).

Theo đánh giá của VBA, bên cạnh ảnh hưởng do dịch Covid-19 thì việc giảm sản lượng và sức tiêu thụ còn do tác động từ Nghị định 100/2019 và Luật phòng chống tác hại của rượu, bia (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng bia sản xuất vào tháng 12/2020 chỉ bằng 89,8% so với cùng kỳ và cả năm chỉ bằng 87,8% so với năm 2019. Tổng cục thống kê đánh giá, Nghị định 100 đã phần nào làm giảm lượng tiêu thụ rượu, bia trong những tháng đầu năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng bia sản xuất đạt gần 1,96 tỷ lít, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng tiêu thụ bia trong giai đoạn này cũng giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hồng Hạnh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.