Tử thần rình rập
Khoảng 9h30 sáng 20/10, nam tài xế lái xe đầu kéo biển số TP.HCM chở cuộn thép nặng hàng chục tấn đi trên quốc lộ 1 đoạn qua Bình Dương, trong lúc ôm cua dưới gầm cầu, chiếc xe chao đảo rồi lật nhào làm cuộn tôn trên xe rơi xuống, mặt đường hằn lún. May mắn, nam tài xế chỉ bị thương nhẹ, cuộn tôn không gây tai nạn cho người đi đường.
Trước đó, một xe đầu kéo chở thép cuộn đi trên quốc lộ 1, đến đoạn giữa cầu Đồng Nai, chiếc xe phanh gấp khiến cuộn thép bung xích rơi xuống mặt cầu. Sự cố không gây thương vong về người nhưng gây ùn tắc nghiêm trọng.
Một vụ tương tự cũng xảy ra với xe đầu kéo chở thép cuộn tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương nhưng sự cố khiến một người đàn ông đi xe máy bị thương do cuộn thép từ trên xe lăn xuống, va trúng.
Đây chỉ là 3 trong số nhiều vụ TNGT xảy ra trong năm 2024 liên quan đến xe chở thép cuộn gây ra, nguyên nhân chính là chằng buộc hàng hóa cẩu thả.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, các vụ TNGT do chở thép cuộn là nỗi ám ảnh đối với cả lái xe lẫn người đi đường. Bởi nguy cơ rất lớn là theo quán tính, cuộn thép sẽ kéo đứt xích và đè lên cabin của lái xe hoặc rơi xuống đường gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.
Nguyên nhân là do thiếu quy định chặt chẽ, quy trình chuyên nghiệp về việc chằng buộc cố định các cuộn thép trên xe. Mặt khác còn do lái xe thiếu kinh nghiệm khi phanh hoặc vào cua gấp khiến cuộn thép bị xê dịch và làm đứt xích.
Sửa quy định về chằng buộc hàng hóa
Ông Hiếu cho rằng, giống như các nước trên thế giới, Việt Nam cần có quy định chặt chẽ về chằng buộc thép cuộn trong vận chuyển thực tế, sử dụng các phương tiện chuyên dụng như sơ-mi rơ-moóc có khoảng trũng để đặt cuộn thép vào đó, giúp hạn chế tối đa nguy cơ trôi về phía trước/sau.
Các công cụ sử dụng chằng buộc như hệ thống dây và xích cần được kiểm tra định kỳ và loại bỏ khi thấy không đủ tiêu chuẩn an toàn.
Tìm hiểu của PV, tại Thông tư 41/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 35/2013, có hiệu lực từ ngày 15/2/2024 đã sửa đổi quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ theo hướng quy định chi tiết, cụ thể cách thức xếp hàng hóa trên phương tiện.
Đồng thời phân loại theo nguyên tắc, nguyên lý vật lý của từng loại hàng bao gồm kích thước, khối lượng, tỷ trọng, trạng thái, loại hàng, loại bao kiện hàng; quy định rõ các nguyên tắc xếp hàng rời, hàng bao kiện, hàng dạng ống trụ tròn, cuộn tròn, xếp hàng vào container và xếp container trên phương tiện.
Ông Đặng Văn Chung, Chủ tịch Chi hội Vận tải hàng siêu trường, siêu trọng, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, Thông tư 41/2023 có đến 5 phụ lục minh họa hình ảnh cách xếp hàng hóa cho từng loại hàng là điều cần thiết để hướng dẫn lái xe cách xếp hàng hóa. Đồng thời lực lượng chức năng cũng thuận tiện trong việc kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
Phạt nặng để răn đe
Các chuyên gia cho rằng, cùng với sửa đổi quy định hướng dẫn chằng buộc hàng hóa trên xe, việc tăng nặng chế tài xử phạt là cần thiết để nâng cao trách nhiệm, ý thức của chủ hàng, lái xe.
Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất mức phạt với hành vi vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn gây ảnh hưởng đến ATGT từ 18 - 22 triệu đồng (gấp rất nhiều lần mức phạt hiện nay từ 600 - 800 nghìn đồng).
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP Luật Tinh thông luật cho biết, mức phạt hiện nay quá thấp so với nguy cơ rủi ro mất an toàn giao thông, TNGT mà hành vi trên gây ra. Do đó, việc tăng nặng mức phạt để răn đe là cần thiết.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm, việc tăng mạnh hình thức xử phạt sẽ góp phần nâng cao ý thức của tài xế, chủ hàng.
Mặt khác, để ngăn chặn hiểm họa do việc chằng buộc hàng hóa sơ sài, lực lượng chức năng cũng cần cường công tác kiểm tra, xử lý kiên quyết tất cả các trường hợp vi phạm, không chỉ phạt lái xe mà còn phải phạt cả chủ phương tiện.
Thông tư 41/2023 quy định rõ, đối với cuộn tấm kim loại lõi ngang, tốt nhất phải được chở trên xe có một khung đặt cuộn dây (máng hoặc đế chêm) và sử dụng các dây chằng buộc để cố định tải trọng.
Nếu không có xe chuyên dụng, cuộn phải được đóng gói trên mâm hàng với đế chêm và được chằng buộc các hướng bằng dây chằng buộc vòng quanh, nẹp cạnh được đặt ở tất cả các cạnh của đế chêm.
Nếu đế chêm không được sử dụng, thì các cuộn dây hoặc các giá đỡ phải được chằng buộc bằng dây xích hoặc đai vải kết hợp các thiết bị kéo căng.
Đối với cuộn lõi dọc thường được xếp lên phương tiện có sàn xe phẳng, phải đặt cuộn trên đường tâm của các phương tiện và tấm hình chữ thập đặt trên nóc của cuộn với các chốt định vị nằm bên trong lõi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận