Thời sự Quốc tế

NATO có thể xây đường ống khí đốt mới, số phận Nord Stream 2 thêm bấp bênh

Trong bối cảnh đường ống Nord Stream 2 chưa được cấp phép, NATO dường như có kế hoạch xây dựng dự án khác nhằm giảm phụ thuộc vào Nga.

Tờ báo Tây Ban Nha La Vanguardia dẫn lời các quan chức giấu tên trong Chính phủ nước này cho biết, khối liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang có kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí đốt, kết nối vùng Catalonia của Tây Ban Nha với Pháp nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu và nguồn cung khí tự nhiên từ Nga.

La Vanguardia đưa tin kế hoạch đã được NATO thảo luận và Đức “rất quan tâm” tới dự án.

img

Đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức đã hoàn thành nhưng chưa được cấp phép đi vào hoạt động. Ảnh - Reuters

Thực chất, đây không phải dự án mới mà đã được đề xuất từ 3 năm trước với tên đường ống là Midcat. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, dự án vấp phải sự phản đối từ phía Tây Ban Nha và Pháp.

Hai nước này cho rằng họ sẽ khó có thể thu được lợi nhuận khi châu Âu đang hướng tới mục tiêu đạt được lượng khí phát thải bằng 0 vào những năm 2050.

Vào thời điểm này, dự án một lần nữa được đưa ra thảo luận trong bối cảnh Mỹ và phương Tây muốn tìm nguồn cung khí đốt thay thế cho châu Âu bởi quan ngại nguồn cung khí đốt từ Nga có thể bị gián đoạn nếu xung đột giữa Moscow - Kiev nổ ra.

Ngoài ra, châu Âu cũng trải qua khủng hoảng năng lượng, với giá khí đốt tăng cao tới 1.000 USD/1.000m3 và sau đó là 2.000 USD vào cuối năm.

Giới chức châu Âu và Mỹ cho rằng giá khí đốt tăng cao tại châu Âu là do sự phụ thuộc của châu lục này vào nguồn cung khí đốt từ Nga và việc Nga cắt giảm lượng khí đốt xuất sang châu Âu. Nga và công ty xuất khẩu khí đốt quốc doanh Gazprom phủ nhận cáo buộc, khẳng định đã hoàn thành đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Trong một diễn biến liên quan, dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 được xây dựng để dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức với công suất 55 tỷ m3 khí đốt/năm đã hoàn thành từ tháng 9/2021 nhưng chưa được cấp phép hoạt động. Nguyên nhân là vì phía Đức cho rằng dự án có thể vi phạm luật năng lượng châu Âu.

Giới chức Mỹ cho rằng, Đức có thể dùng dự án Nord Stream 2 như một trong những biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga trong trường hợp nước này có hành động gây hấn với Ukraine.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.