Nhanh một giây, chậm cả đời
Khoảng 15h30 ngày 14/11, tại ngã Nguyễn Văn Cừ - đường tỉnh 975 (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), một chiếc xe máy di chuyển tốc độ cao, vượt đèn đỏ đã đâm mạnh vào người đàn ông đi xe máy khác khiến cả hai bị hất xuống đường, chấn thương nghiêm trọng.
Trước đó, khoảng 15h ngày 7/11, ông T (SN 1976) điều khiển xe máy khi đến giao lộ đường Mỹ Phước - Tân Vạn (TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) thì vượt đèn đỏ. Đúng lúc này, một chiếc xe ô tô đầu kéo đi tới dẫn đến xảy ra va chạm, ông T tử vong tại chỗ.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra do hành vi vượt đèn đỏ.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, Cục CSGT cho biết, ở Việt Nam dễ dàng bắt gặp hiện tượng người điều khiển phương tiện, đặc biệt là xe máy không chấp hành tín hiệu đèn giao thông khi vắng bóng CSGT.
"Thậm chí, vào giờ cao điểm, lợi dụng lúc lực lượng CSGT tập trung phân luồng, vẫn có nhiều trường hợp cố tình không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu. Nguyên nhân vi phạm chủ yếu do thói quen, sự coi thường pháp luật trong khi chế tài chưa đủ sức răn đe", ông Nhật cho hay.
Tăng mức xử phạt để răn đe
Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe mới, Bộ Công an đề xuất tăng nặng chế tài xử phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ.
Cụ thể, phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô, xe chở người, chở hàng 4 bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe như ô tô (hiện nay là 4-6 triệu đồng); từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (hiện từ 800 nghìn - 1 triệu đồng). Đồng thời, trừ 3 điểm giấy phép lái xe.
Theo đại diện Cục CSGT, tăng mức xử phạt hành vi vượt đèn đỏ nhằm xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông đường bộ.
Theo TS Nguyễn Phước Quý Duy, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, tại các nước phát triển trên thế giới, hành vi vượt đèn đỏ rất ít xảy ra vì họ có hệ thống camera xử phạt nguội tại các nút giao. Chỉ cần vượt đèn đỏ 0,1 giây, lái xe đã bị phạt hành chính (mức phạt tăng dần theo thời gian mà lái xe vượt đèn đỏ) và bị trừ 3/11 điểm trên bằng lái.
"Tại Việt Nam, việc đề xuất tăng nặng mức phạt cùng với bổ sung hình phạt trừ điểm bằng lái là cần thiết, bởi bị trừ hết điểm đồng nghĩa với việc mất bằng, không được tham gia giao thông và phải kiểm tra lại kiến thức để phục hồi điểm, từ đó, giúp nâng cao ý thức người dân", ông Duy đánh giá.
Một chuyên gia giao thông cũng nhìn nhận, đây là biện pháp tác động nhanh và trực tiếp nhất để tạo ý thức tuân thủ pháp luật.
Ứng dụng công nghệ để xử phạt
Theo PGS. TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT, hành vi vượt đèn đỏ trở thành vấn nạn là do việc xử lý chưa nghiêm vì số lượng phương tiện quá lớn. Do đó, bên cạnh tăng chế tài, lực lượng chức năng cần xử lý cương quyết, không bỏ lọt các vi phạm.
Để không bỏ lọt, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, cần ứng dụng công nghệ trong phát hiện vi phạm, tăng cường xử phạt nguội, đồng thời lưu giữ thông tin vi phạm để có thể áp dụng tình tiết tăng nặng, phạt mức cao nhất nếu tái phạm.
Theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia, hiện nay, so với ô tô, việc xử phạt nguội với xe máy còn nhiều khó khăn, trong khi đây là loại phương tiện có hành vi vượt đèn đỏ phổ biến, nhất là tại các đô thị.
Để nâng cao hơn hiệu quả xử phạt nguội đối với xe máy, cần thực hiện nghiêm việc sang tên đổi chủ xe. Cơ quan công an cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe máy, tạo thuận lợi trong việc tra cứu thông tin chủ phương tiện để gửi thông báo vi phạm.
Bên cạnh đó, phải tăng cường đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông dọc các tuyến giao thông chính, các khu vực nóng về vi phạm giao thông, kịp thời phát hiện vi phạm, nâng cao hiệu quả xử phạt.
Đại diện Cục CSGT cho biết, bên cạnh đề xuất nâng mức xử phạt, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của hệ thống giám sát (phạt nguội). Thời gian tới, CSGT sẽ tăng cường gửi thông báo đến các chủ phương tiện có xe vi phạm lỗi vượt đèn đỏ, nhất là đối với xe máy.
Thiếu tá Tôn Văn An, Đội trưởng Đội CSGT - trật tự, Công an TP Bắc Giang cho hay, kể từ khi Thông tư 24 của Bộ Công có hiệu lực ngày 15/8/2023, các hình ảnh vi phạm đều được lưu lại trên hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành.
Nếu phương tiện vi phạm ở bất cứ đâu, vào một thời điểm khác mà các tổ công tác làm nhiệm vụ dừng trực tiếp, qua tra cứu hệ thống phát hiện lỗi phạt nguội trước đó chưa được chủ xe nộp phạt, sẽ tiến hành truy phạt. Việc truy phạt còn có thể thực hiện khi chủ phương tiện làm thủ tục bán xe.
Mặt khác, hiện Bộ Công an đang thực hiện tổng rà soát, cập nhật bổ sung dữ liệu đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó, yêu cầu CSGT địa phương, công an cấp xã, phường… đến từng hộ dân, cơ quan, tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn để ghi nhận thông tin của chủ xe, xe, người đang sử dụng xe.
Sau khi hệ thống cơ sở dữ liệu này được hoàn thiện, biển số xe được định danh gắn liền với các chủ xe, sẽ nâng cao hiệu quả việc phạt nguội xe máy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận