Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành giúp bảo đảm trật tự ATGT (Trong ảnh: CSGT Đội 14, CATP Hà Nội cho người điều khiển ô tô vi phạm xem lại hình ảnh đi sai làn) - Ảnh: Khánh Linh |
Lần đầu số người chết giảm dưới 8.000 người
Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, năm 2017, lần đầu tiên số người chết vì TNGT đã giảm xuống còn dưới 8.000 người. Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp, TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương.
Đánh giá về thành quả này, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, trong bối cảnh nhu cầu đi lại của người dân, phương tiện tăng cao, kết cấu hạ tầng chưa thật hoàn thiện đã gây áp lực lớn lên công tác đảm bảo ATGT. “Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, giai đoạn đầu của quá trình cơ giới hóa ở nhiều quốc gia, TNGT luôn tăng nhưng Việt Nam đã làm được điều ngược lại với xu thế chung là giảm sâu TNGT”, ông Hùng nói và đánh giá: “Chỉ thị 18 của Ban Bí thư đã thực sự đi vào cuộc sống vì sinh mạng, sức khỏe của người dân. Với các giải pháp không còn mơ hồ, chung chung, cả hệ thống chính trị, từng cấp ủy, đảng viên đều vào cuộc kéo giảm TNGT”.
11 tháng năm 2017 (tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/10/2017), toàn quốc xảy ra trên 18.300 vụ TNGT, làm chết trên 7.600 người, bị thương trên 15.000 người. So với 11 tháng đầu năm 2016, giảm trên 1.000 vụ (5,38%), giảm trên 300 người chết (3,83%), giảm gần 2.000 người bị thương (11,61%). |
Cũng theo ông Hùng, thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng hoàn thiện hơn, nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ đưa vào khai thác mang lại diện mạo mới. Đồng thời, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm gắn với chấn chỉnh tác phong, trách nhiệm người thực thi công vụ được triển khai hiệu quả, cũng góp phần không nhỏ kéo giảm TNGT. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT được đưa vào các cấp học, đến với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, trong năm qua, Tổng cục đã lựa chọn hệ thống những giải pháp đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả trọng tâm là siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải cũng góp phần đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT. Cùng đó, Tổng cục cũng làm tốt công tác bảo trì đường bộ gắn với kiểm soát tải trọng phương tiện giúp giữ được hạ tầng bền vững, êm thuận, duy trì điều kiện ATGT của kết cấu hạ tầng đường bộ.
Ngoài kết quả khả quan trên, ông Khuất Việt Hùng cũng cho biết, năm 2017, vẫn còn đến 15 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ, trong đó 8 tỉnh tăng trên 10% và có 2 tỉnh có số người chết tăng trên 40%. Đáng chú ý, TNGT liên quan đến trẻ em và nạn nhân là trẻ em có xu hướng tăng, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM. Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra 75 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 240 người chết, bị thương gần 230 người.
Theo ông Hùng, nguyên nhân của thực trạng này là do một số địa phương còn thờ ơ, buông lỏng quản lý, chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương, đơn vị trong bảo đảm ATGT. “Vì vậy, việc gắn trách nhiệm người đứng đầu phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo, nơi mạnh, quyết liệt thì chuyển biến, những nơi thiếu quyết liệt dẫn đến buông lỏng trong quản lý nhà nước và thực thi pháp luật ATGT”, ông Hùng nói.
Giao thông thông minh giúp giảm TNGT
Thiết lập hệ thống giao thông thông minh (ITS) dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động giao thông, bảo đảm trật tự ATGT và mang lại tiện ích tối đa cho người tham gia giao thông là vấn đề đã được Ủy ban ATGT Quốc gia lựa chọn cho mục tiêu giảm 50% số người chết vì TNGT vào năm 2020 của Việt Nam. Năm 2018, sẽ là năm giải pháp này được Ủy ban ATGT Quốc gia chú trọng thực hiện để tối ưu hóa năng lực hạ tầng sẵn có.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó giám đốc Công ty Giải pháp công nghệ giao thông FPT cho biết, ITS hiểu một cách đơn giản là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ, bao gồm các thiết bị cảm biến, điều khiển điện tử, tin học và viễn thông để điều hành và quản lý hệ thống GTVT. Trong đó, tập trung vào những mục tiêu chủ yếu như: Thiết lập trung tâm chỉ huy điều hành; hệ thống giám sát và thu thập thông tin giao thông; hệ thống thông tin giao thông; hệ thống điều khiển giao thông; hệ thống bảo đảm an ninh, an toàn; quản lý tình huống khẩn cấp; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý vận tải; quản lý phương tiện cá nhân.
“Việc triển khai hạ tầng công nghệ thông tin và các ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước thu thập thông tin nhanh chóng, chính xác và đầy đủ, phối hợp liên ngành hiệu quả trong triển khai thực hiện các chương trình đảm bảo ATGT. Người dân sẽ tiếp cận và nắm được thông tin về pháp luật nhanh và chính xác; nắm được thông tin về ATGT tức thời trên nhiều kênh thông tin. Đây có thể coi là giải pháp phù hợp nhằm giải quyết các bài toán giao thông hiện đang gây bức xúc tại Việt Nam”, ông Thắng nói.
Ông Khuất Việt Hùng chia sẻ thêm, tới đây, công tác đảm bảo ATGT vẫn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng văn hóa giao thông để khắc phục, kiềm chế và đẩy lùi TNGT, nhất là các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. “Ứng dụng công nghệ giao thông thông minh là xu thế của nhiều nước trên thế giới nhằm tối ưu chi phí và đạt hiệu quả lớn nhất cho toàn bộ hệ thống, từ đó giảm thiểu số vụ TNGT và giảm số người chết và thương tật do TNGT”, ông Hùng khẳng định và cho biết, Năm ATGT 2018, Ủy ban ATGT Quốc gia lựa chọn chủ đề “ATGT cho trẻ em”.
Theo ông Khuất Việt Hùng, tới đây cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sự nguy hiểm của những hành vi lái xe thiếu an toàn và việc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Cách duy nhất để tạo nên một nền văn hóa giao thông bền vững, đó chính là việc huy động sự tham gia của cả cộng đồng, trong đó bao gồm giới trẻ. “Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tập trung sửa đổi các văn bản, quy chuẩn và tiêu chuẩn để tạo cơ sở pháp lý cho công tác đảm bảo ATGT cho học sinh, cải thiện các công trình tổ chức giao thông xung quanh cổng trường và đặc biệt là tích cực triển khai các chương trình phổ biến kiến thức và thực hành kỹ năng điều khiển phương tiện cho học sinh nhằm kéo giảm 10% TNGT đối với trẻ em so với năm 2017”, ông Hùng chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận