• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
ATGT địa phương

Loạn “bến cóc, xe trá hình”… giữa nội thị Phan Rang

18/07/2019, 06:35

Có cả chục “bến cóc” được các nhà xe, doanh nghiệp mở ngay giữa các tuyến phố nội thị Phan Rang - Tháp Chàm đến đoạn QL1 qua địa phận thành phố.

Xe hợp đồng BKS 85B-00493 nhà xe Như Quỳnh đứng xếp “tài 5” nhận khách lẻ như tuyến cố định (Chụp tối 8/7)

Núp bóng xe phù hiệu hợp đồng để bắt khách lẻ tuyến Ninh Thuận - TP HCM, hơn chục “bến cóc” được các nhà xe vô tư mở đón trả khách từ QL1 đến nội thị TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận)… khiến hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn nhốn nháo, biến tướng, trong khi ngành chức năng chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Loạn “xe trá hình, chạy dù”

Gần 11h ngày 15/7, trong vai hành khách, PV gọi điện thoại đến tổng đài 0931.226... (nhà xe Như Quỳnh) đặt vé chuyến tối 16/7 từ Phan Rang đi Sài Gòn. Nữ nhân viên tổng đài nhanh nhảu thông báo: Còn giường nằm tầng trên phía cuối xe, giá vé 150.000 đồng.

Theo nữ nhân viên này, khách phải có mặt trước 20h30 tối 16/7 để được xếp tài. Nhưng thay vì hướng dẫn khách ra Bến xe Ninh Thuận, nhà xe lại thông báo tập trung tại bãi đất trống của khu đô thị K1, phố Trần Nhân Tông. Thấy PV xin đặt cụ thể đi bằng xe giường nằm BKS 85B - 004.93 (xe phù hiệu hợp đồng, nhà xe Như Quỳnh), nữ nhân viên hướng dẫn: Xe này xuất phát tối 15/7 tại Phan Rang, nếu đi phải đi ngay. Còn không đến tối 17/7 mới có mặt chở khách vào lại Sài Gòn.

Trước đó, gần 21h tối 8/7, PV ghi nhận xe phù hiệu hợp đồng BKS 85B-004.93 cùng 4 xe giường nằm nhà xe Như Quỳnh vô tư đứng nhận khách lẻ tại “bến cóc” khu đô thị K1. Dù là xe hợp đồng nhưng chiếc xe giường nằm BKS 85B-004.93 được đánh dấu “tài 5” và không có hoạt động nhận khách gì khác so với các xe còn lại. Hành khách lẻ được nhân viên xe 85B-004.93 kiểm tra vé, hướng dẫn lên các ghế ngồi, rất dễ để nhận ra vi phạm điều kiện kinh doanh, hoạt động của xe phù hiệu hợp đồng (không được bán vé lẻ, nhận từ 2 hợp đồng trở lên…).

Tìm hiểu của PV, Như Quỳnh là nhà xe tuyến cố định Ninh Thuận - TP HCM, mỗi ngày đăng ký xuất bến 2 xe, nhưng thực tế lại chạy gấp đôi số phương tiện này. Ngoài xe “trá hình” chở khách núp bóng phù hiệu hợp đồng, số còn lại nhà xe Như Quỳnh chạy dù, “tăng cường” trái quy định. Trực tiếp xem thông tin, hình ảnh số lượng xe Như Quỳnh hoạt động tối 8/7 do PV cung cấp, lãnh đạo Phòng Điều độ, Bến xe Ninh Thuận xác nhận, tối 8/7, nhà xe này chỉ đăng ký 2 xe BKS 85B-004.38 (lúc hơn 20h30) và 85B - 003.99 (lúc 21h25), còn lại 2 xe hợp đồng 85B-004.93 và 85B-003.12 là xe cố định “chạy dù”.

Tương tự, các nhà xe Hưng Phú Thịnh, Thiện Trí (tuyến cố định Bến xe Ninh Thuận - Bến xe Miền Đông) không đăng ký nốt tài buổi sáng mỗi ngày nhưng trong vai hành khách, PV dễ dàng liên hệ và đặt vé tại các nhà xe này để xuất phát giờ sáng mỗi ngày. Gần trưa 15/7, PV liên lạc tổng đài đặt vé 02593 8366… (nhà xe Hưng Phú Thịnh), nữ nhân viên này cho biết còn vé B6, 7 (tầng trên) và hẹn khách đúng 7h sáng 16/7 có mặt tại số 5 Lê Hồng Phong để lên xe. “Ngày 16/7 chỉ có một xe chạy, dự kiến là xe BKS 85B - 003.00, còn không anh cứ đến sẽ có xe vào Sài Gòn, giá vé 165.000 đồng”, nhân viên này nói.

Hành khách nộp tiền được xuất vé ghi rõ “Bến xe Ninh Thuận - Bến xe Miền Đông”. Theo Phòng Điều độ, Bến xe Ninh Thuận, nhà xe này không đăng tài vào các giờ sáng tại bến và xe 85B-003.00 cũng không đăng ký xe tuyến cố định hoạt động trong bến (?!). Liên lạc với tổng đài đặt vé nhà xe Thiện Trí trưa 15/7, PV cũng được nữ nhân viên tổng đài hẹn có mặt lúc 8h sáng 16/7 tại đường Đinh Công Tráng (Phan Rang - Tháp Chàm) để được bố trí lên xe.

Nở rộ “bến cóc”

Bến cóc ngay trụ sở nhà xe Thiện Trí (Chụp tối 8/7)

Hơn 20h tối 8/7, cả tuyến phố Đinh Công Tráng nơi nhà xe Thiện Trí đặt trụ sở bán vé tuyến Ninh Thuận - TP HCM ồn ào, huyên náo tiếng người, động cơ ô tô gầm gào. Ít phút sau, chiếc xe 30 chỗ chở đầy khách tấp về, “gom” hành khách để chuẩn bị lên xe. “Hành khách nào đi TP HCM chuyến 20h30 lên xe này”, một nhân viên gọi lớn rồi ra mở hầm xe, cất hành lý cho hành khách.

Những nhân viên xe khác cũng nhanh chóng gọi hành khách đi theo các khung giờ tiếp theo. Cảnh đưa hàng, gọi nhau náo động cả khu phố yên tĩnh. Bà bán nước nhà đối diện bảo: “Mấy năm nay, nhà xe ăn nên làm ra, khách nườm nượp, mình bán nước mà còn có lãi. Cuối tuần lại càng đông hơn, nhiều xe hơn. Họ chờ xe thì ra quán nước ngồi”.

Dù chỉ cách Bến xe Ninh Thuận chừng vài ba cây số, nhưng những năm gần đây, trụ sở nhà xe Thiện Trí nghiễm nhiên trở thành “bến cóc”, vô tư đón trả khách, chủ yếu tập trung 20-22h mỗi ngày. Hoạt động diễn ra thường xuyên nhưng điều lạ không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý.

Rầm rộ không kém, ngay tại bãi đất trống khu đô thị K1, phố Trần Nhân Tông, từ lâu trở thành “bến cóc” của nhà xe Như Quỳnh. Lòng đường, vỉa hè tại đây như được “chiếm trọn” dành riêng cho nhà xe đậu đỗ phương tiện, đón khách. Lượng khách thêm đông khiến các dịch vụ nước giải khát, đồ ăn tại đây cũng phát triển theo. 21h15 tối 8/7, PV bám theo những chiếc xe giường nằm Như Quỳnh vòng vèo qua nhiều tuyến phố trung tâm TP Phan Rang. Đi đến đâu, xe bóp còi inh ỏi đến đó, dòng xe hai bên vội tấp vào lề, nhường đường cho chiếc xe giường nằm đã “chiếm” hết cả tuyến đường.

Ghi nhận có cả chục “bến cóc” được các nhà xe, doanh nghiệp mở ngay giữa các tuyến phố nội thị Phan Rang - Tháp Chàm đến đoạn QL1 qua địa phận thành phố. Lãnh đạo Sở GTVT Ninh Thuận khẳng định, các xe chạy tuyến cố định thực hiện đón trả khách trong nội thị là sai quy định. Sở chỉ đạo lực lượng chức năng TTKS, xử lý vi phạm; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định chấm dứt ngay việc đón trả khách tại các điểm bán vé và thực hiện nghiêm túc các quy định về hoạt động vận tải khách; Không được chạy sai hành trình đã đăng ký, dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định.

Ông Nguyễn Thành Nguyên, Phó trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Ninh Thuận cho hay, tháng 6 vừa qua, Sở GTVT đã kiểm tra 18 đơn vị vận tải khách theo hợp đồng, xử phạt 5 doanh nghiệp, ra quyết định thu hồi 2 phù hiệu hợp đồng, thu hồi 1 giấy phép kinh doanh vận tải.

Theo ông Nguyễn Văn Mộc, Chánh Thanh tra Sở GTVT Ninh Thuận, 6 tháng đầu năm đã lập biên bản 58 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt gần 50 triệu đồng; tước giấy phép lái xe trong thời gian 2 tháng đối với 58 trường hợp.

Tuy nhiên, theo các cơ quan quản lý, việc xử lý triệt để nạn xe trá hình, xe chạy dù khó khăn do lực lượng mỏng, trong khi hoạt động này ngày càng biến tướng, tinh vi và phức tạp. Lãnh đạo Phòng CSGT, Công an tỉnh Ninh Thuận cho hay: Cần có sự vào cuộc của liên ngành chức năng (GTVT, TTGT, Cảnh sát trật tự, CSGT…) và cả địa phương để có thể chấn chỉnh, xử nghiêm vi phạm. Ông Trương Phi Hùng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Ninh Thuận cho hay, đơn vị có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng lập lại trật tự vận tải hành khách trên địa bàn, tránh tình trạng “có phạt, xử lý… nhưng để tồn tại”, gây bức xúc dư luận.

“Chết yểu” bến xe xã hội hóa Ninh Thuận?

Theo thống kê, Ninh Thuận có khoảng 130 xe đăng ký tuyến cố định của 14 đơn vị. Trong khi đó, số lượng xe hợp đồng có đến hơn 420 chiếc thuộc 19 đơn vị. Trái ngược với cảnh đón trả khách sôi động tại các “bến cóc” nội thị Phan Rang - Tháp Chàm, hoạt động tại Bến xe Ninh Thuận “vắng như chùa Bà Đanh”. Toàn bộ khuôn viên rộng trên 20.000m2, cơ sở hạ tầng đồng bộ với tổng mức đầu tư gần 90 tỷ đồng (từ nguồn xã hội hóa) nhưng chỉ lác đác vài xe, nhân viên nhà xe, bến xe ra vào… khiến bến xe có nguy cơ chết yểu.

Theo ông Nguyễn Đặng Tân, Trưởng phòng Điều độ bến xe, khách được các nhà xe đón, trả ngay tại “bến cóc” trụ sở mình, rồi mới vào bến lấy lệnh. Đơn vị nhiều lần kiến nghị lên tỉnh, cơ quan chức năng để xử lý vấn nạn xe trá hình, bến cóc nhưng đến nay vẫn không được xử lý khiến vấn nạn này thêm nhức nhối. “Bến chỉ có thẩm quyền trong bến, còn lại thuộc thẩm quyền địa phương, cơ quan chuyên trách. Pháp luật quy định rõ về điều kiện hoạt động xe hợp đồng, xe cố định, quy định đại lý bán vé, điểm đậu đỗ… nhưng vận tải hành khách trên địa bàn vẫn lộn xộn, mất quản lý”, lãnh đạo Bến xe Ninh Thuận nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.