Xã hội

Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2022 ở Hải Dương có gì mới?

05/09/2022, 13:58

Lễ hội năm nay được tổ chức "Tuần Văn hoá - Du lịch hội thu Côn Sơn - Kiếp Bạc" cùng nhiều hoạt động hấp dẫn như hát chèo, trầu văn, thư pháp,..

Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022 dự kiến sẽ được UBND tỉnh Hải Dương tổ chức từ ngày 5 - 15/9 (tức ngày 10 - 20/8 âm lịch).

Theo kế hoạch, lễ hội sẽ được mở đầu bằng Lễ dâng hương và tế Cáo yết vào ngày 5/9 (tức 10/8 âm lịch).

Các hoạt động chính của lễ hội sẽ diễn ra tập trung từ ngày 10 đến ngày 15/9 (tức 15 đến 20/8 âm lịch).

img

Nhiệt hoạt động đặc sắc tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2022.

Ngày 10/9 sẽ diễn ra liên hoan diễn xướng hầu thánh.

Ngày 11/9 sẽ diễn ra các hoạt động như: Lễ tưởng niệm 580 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa Nguyễn Trãi; giải đua thuyền truyền thống; trình diễn nghệ thuật múa rối nước; khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch hội Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc; Lễ khai và ban ấn đền Kiếp Bạc.

Ngày 12/9 sẽ diễn ra Lễ tưởng niệm 722 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo; Lễ hội quân trên sông Lục Đầu.

Ngày 13/9 sẽ diễn ra Lễ cầu an và Hội hoa đăng trên sông Lục Đầu.

Ngày 15/9 sẽ diễn ra Lễ rước bộ và Lễ giỗ Đức thánh Trần…

Nét mới của lễ hội năm nay là Hải Dương sẽ tổ chức "Tuần Văn hóa - Du lịch hội Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc" để tổ chức các gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP của Hải Dương và của 6 tỉnh duyên hải Bắc bộ; tổ chức thưởng thức trà sen Kiếp Bạc; biểu diễn hát chèo, chầu văn, hát xẩm, quan họ, viết thứ pháp, vẽ nón sen, múa rối nước…

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, hiện Ban Quản lý Di tích đã hoàn thiện xong Quầy thông tin du lịch, tuyên truyền, quảng bá về du lịch Hải Dương và Khu Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; chỉnh trang khu vực giới thiệu, thưởng trà tại hồ sen Kiếp Bạc, triển khai thêm nhiều điểm giới thiệu, thưởng trà tại chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi, nhà khách Côn Sơn và nhà khách Kiếp Bạc.

Ban Tổ chức đang hoàn thiện khoảng 5 vạn ấn để phát cho nhân dân và du khách; chuẩn bị 6.500 hoa đăng và đang hoàn thiện đàn cầu an cho Lễ cầu an trên sông Lục Đầu…

Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, thế kỷ XIV, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn vòng cung Đông Bắc để xây dựng những cơ sở thờ tự, tu thiền đầu tiên của dòng thiền Trúc Lâm như: Yên Tử, Hồ Thiên, Ngọa Vân, Quỳnh Lâm, Thanh Mai, Côn Sơn, Kiếp Bạc, Vĩnh Nghiêm…

Trong không gian văn hóa, tôn giáo đặc trưng đó, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc có vị trí rất quan trọng, là cầu nối giữa Kinh đô Thăng Long với Thánh địa Trúc Lâm Yên Tử. Từ đây, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử phát triển, lan tỏa khắp đồng bằng, trung du Bắc Bộ, ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Việt.

Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành tập tục văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc.

Đến với lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc là ước vọng thiêng liêng, đã lưu truyền trong hàng trăm thế hệ người dân đất Việt: "Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa thành".

Lễ hội truyền thống mùa thu và mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc là lễ hội lớn của Hải Dương cũng như của cả nước, được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.