Cảnh báo khung giờ "đen" của tài xế
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm ATGT quý I/2023 và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2023 do Uỷ ban ATGT Quốc gia tổ chức vào chiều nay (6/4), Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT cho biết, trong tổng số 11 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong quý I/2023, có 4 vụ nguyên nhân do không chấp hành quy định về tốc độ; 2 vụ do sử dụng rượu, bia; 2 vụ do không chú ý quan sát; 2 vụ do phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật và 1 vụ do đi không đúng làn đường, phần đường.
Quang cảnh Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm ATGT quý I/2023 và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2023
Ngoài ra, vụ tai nạn xảy ra tại Quảng Nam ngày 14/2/2023, lái xe khách còn vi phạm chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, không chú ý quan sát.
Từ phân tích này, Thiếu tướng Đức cho biết, nguyên nhân TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn tập trung do lỗi của người điều khiển phương tiện không chấp hành quy định của pháp luật về trật tự ATGT (chiếm hơn 80%) như: Không chấp hành quy định về tốc độ, không chú ý quan sát, chở quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn...
Đáng chú ý có nguyên nhân xuất phát từ việc xe mất phanh, không làm chủ tay lái và phương tiện vận tải đã hết hạn kiểm định nhưng vẫn chở khách tham gia giao thông.
Cũng qua phân tích số liệu trên cho thấy TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tiếp tục xảy ra nhiều trên các tuyến đường tỉnh và quốc lộ, thời gian xảy ra nhiều vào đêm tối đến rạng sáng (từ 18h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau), tập trung các ngày thứ 7, chủ nhật cuối tuần.
Phương tiện mô tô, ô tô tải, sơ-mi rơ-moóc và người điều khiển độ tuổi từ 27-55 gây TNGT nhiều nhất; trong 6 vụ liên quan đến phương tiện có đăng ký kinh doanh vận tải, có 4 xe ô tô khách; có 4 ô tô tải (trong đó 2 phương tiện không truyền dữ liệu giám sát hành trình thời điểm xảy ra TNGT).
TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải có tỷ lệ xảy ra thấp hơn so với mô tô, xe máy, tuy nhiên khi xảy ra thường làm chết và bị thương nhiều người, do hai loại xe này có trọng lượng và kích thước lớn, chở nhiều người, có các điểm mù, khuất tầm nhìn ở phía sau và hai bên xe, nếu xảy ra đâm va với các phương tiện khác sẽ dẫn tới tỉ lệ thương vong cao; hai loại phương tiện này khi lưu thông trên các cung đường đèo, dốc cũng tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT.
Theo Thiếu tướng Đức, ngoài việc đã xử lý theo quy định đối với người điều khiển phương tiện, trách nhiệm của chủ phương tiện, Cục CSGT cũng đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an có nhiều chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương xem xét trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân được giao quản lý tuyến, địa bàn tuần tra để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng.
Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp vận tải, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có phương tiện thường xuyên vi phạm trật tự ATGT, nhất là vi phạm về tốc độ, giám sát hành trình, chở quá tải trọng, quá số người quy định.
Quý I/2023, CSGT toàn quốc xử lý hơn 151.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Hơn 151.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Thiếu tướng Lê Xuân Đức cũng thông tin, quý I/2023, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý hơn 750.000 trường hợp vi phạm TTATGT trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền gần 1,4 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, hơn 151.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 17,75%), 470 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,06%), 132.000 trường hợp chạy quá tốc độ cho phép (chiếm 15,46%), 20.000 trường hợp chở hàng quá tải (chiếm 2,39%), 1.000 trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện (chiếm 0,12%), 340 trường hợp vi phạm sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc giấy phép lái xe bị tẩy xóa (chiếm 0,04%),... Xử lý hơn 19.000 trường hợp xe khách vi phạm trật tự ATGT.
"Kết quả xử lý trật tự ATGT theo các chuyên đề, trong đó đặc biệt là chuyên đề nồng độ cồn được nhiều báo, đài, mạng xã hội đưa tin và được quần chúng nhân dân ủng hộ. Việc kiên quyết xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn trong thời gian gần đây không chỉ tạo ý thức chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông mà còn làm giảm TNGT, giảm đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, gây thương tích. Hiệu quả của xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã góp phần giúp người dân sống trong bình yên, an toàn, bớt nỗi lo mỗi khi ra đường và đang từng bước hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe” trong nhân dân.
Nhiều ý kiến mong muốn lực lượng chức năng tiếp tục duy trì nghiêm việc kiểm tra, xử phạt nồng độ cồn đối với các phương tiện tham gia giao thông để hạn chế, ngăn chặn những vụ TNGT do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia gây ra; tình trạng xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng hoạt động trên tuyến sau đợt tăng cường xử lý cũng cơ bản được kiểm soát", Thiếu tướng Đức nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận