Hồ sơ tài liệu

Hậu Brexit: EU muốn nhanh, Anh muốn câu giờ

28/06/2016, 06:28

Trước khi các cuộc đàm phán kết thúc, Anh vẫn là thành viên EU ít nhất cho đến năm 2018.

Những người ủng hộ Anh không rời khỏi EU

Những người ủng hộ Anh không rời khỏi EU

Trong hai ngày 28 - 29/6, dư luận và các nhà quan sát hướng về Hội nghị thượng đỉnh giữa EU thảo luận kết quả trưng cầu dân ý Brexit (rời khỏi EU) của Anh hồi cuối tuần trước.

Câu chuyện pháp lý

Theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon về thủ tục rút ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), các cuộc đàm phán để Anh rút khỏi EU có thể kéo dài tới 2 năm. Trong đó, hai bên sẽ thỏa thuận các điều khoản rút lui, đề ra một khuôn khổ hợp tác sau khi Anh không còn là thành viên EU.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà lãnh đạo châu Âu gồm: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte kiêm Chủ tịch luân phiên EU, đồng loạt yêu cầu Anh tiến hành các thủ tục rút khỏi EU càng sớm càng tốt. Tác động lớn nhất mà Brexit mang lại đối với châu Âu trong ngắn hạn là nó tạo ra một khoảng thời gian bất định với rất nhiều rủi ro, có thể gây ra hiệu ứng domino ở các nước khác, bất ổn an ninh, đe dọa thị trường lao động…

Chính vì thế, các lãnh đạo châu Âu đều muốn khoảng thời gian bất định này chấm dứt sớm. Vì vậy, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz muốn Hội nghị thượng đỉnh hôm nay sẽ là thời điểm thích hợp để bắt đầu tiến trình đàm phán về vấn đề Brexit.

Tuy nhiên, ông Alexander Stubb, cựu Thủ tướng Phần Lan cho rằng, EU không nên thúc ép nước Anh về các thủ tục, bởi “đây sẽ là một quá trình đàm phán cực kỳ phức tạp, với hàng trăm, hàng nghìn ràng buộc pháp lý, chính trị và kinh tế”, ông Stubb cảnh báo: “Cú sốc ban đầu có thể khiến chúng ta mất bình tĩnh. Nhưng nên xác định đây là một quá trình đau đớn và kéo dài”. “Chúng ta không nên trẻ con trong suy nghĩ làm thế nào để… trả đũa Anh. Đó không đơn thuần chỉ là vấn đề lợi ích của châu Âu khi cắt đứt quan hệ với Anh, hay lợi ích của Anh khi thoát khỏi liên minh này”, ông Stubb nói.

Anh sẽ trở thành một “Na Uy thứ hai”?

Song chắc chắn rằng, trước khi các cuộc đàm phán kết thúc, Anh vẫn là thành viên EU ít nhất cho đến năm 2018. Điều 50, Hiệp ước Lisbon quy định nước nào rời EU phải thông báo cho Hội đồng châu Âu và EU không được phép gây áp lực về quyết định thời điểm ra tuyên bố rời khỏi khối. Sau khi tuyên bố chính thức được đưa ra, sẽ chính thức khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm và có thể được kéo dài nếu cần thiết.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng các cuộc đàm phán về quyết định ra đi của nước này sẽ là “trách nhiệm của người kế nhiệm”, khi ông này đã tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10 tới. Đồng thời, Anh muốn kéo dài thời gian, để giảm thiểu tác động tiêu cực, cũng như muốn có thời gian đàm phán những điều khoản ra đi có lợi hơn.

Trong một loạt những “kịch bản” khi Brexit xảy ra, giới quan sát cho rằng, nhiều khả năng Anh sẽ học theo mô hình Na Uy. Cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb gợi ý rằng, để duy trì hội nhập kinh tế tối đa, Anh nên học theo Na Uy. Là một thành viên của khu vực kinh tế châu Âu, Na Uy được tiếp cận với thị trường EU và đóng góp khoảng 400 triệu euro/năm cho ngân sách EU.

Tuy nhiên, Na Uy phải chấp nhận các quy định của EU về thị trường. “Chúng ta phải cố gắng để giữ mối quan hệ gần gũi với Anh, càng gần càng tốt, nhưng họ sẽ không có khả năng gây ảnh hưởng đối với bất kỳ quyết định nào. Anh sẽ trở thành một… Na Uy mới. Họ sẽ có được lợi ích tương tự những gì mà Na Uy có hôm nay”, ông Stubb nói.

Hôm qua, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và các thể chế cần hợp tác để giải quyết những hậu quả của Brexit. Đồng thời, bà Christine Lagarde hối thúc Anh, EU hợp tác để đảm bảo một tiến trình chuyển tiếp suôn sẻ sang một mối quan hệ kinh tế mới, trong đó gồm cả việc làm rõ những thủ tục và mục tiêu rộng rãi sẽ dẫn dắt tiến trình này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nhận định, Brexit sẽ khiến các thị trường tài chính trở nên bất ổn hơn, song nền kinh tế Anh (lớn thứ 5 thế giới) vẫn có thể đứng vững và đã triển khai các kế hoạch đối phó với những tình huống bất ngờ nhằm giảm thiểu những tác động đối với hệ thống tài chính công.

Khó có khả năng bỏ phiếu lại

Dư âm của cuộc trưng cầu dân ý rời EU vẫn đang gây xáo trộn nước Anh và khiến nhiều người hối hận và đang vận động cho cuộc trưng cầu dân ý lần hai. Trước đó, một kiến nghị được gửi lên trang web của Quốc hội, yêu cầu có một cuộc trưng cầu dân ý lại. Kiến nghị cho rằng, vấn đề quan trọng như Brexit phải có ít nhất 75% cử tri tham gia và phải trên 60% ý kiến đồng thuận.

Trong khi đó, cuộc bỏ phiếu vừa rồi chỉ trên 72% cử tri tham gia và số người ủng hộ Brexit là 52%. Hiện đã có hơn 3 triệu chữ ký ủng hộ, yêu cầu có một cuộc trưng cầu lần 2. Và cuộc trưng cầu này không mang tính ràng buộc pháp lý và Quốc hội có quyền bác bỏ. Chủ tịch Ủy ban tiếp nhận kiến nghị Helen Jones cho biết, Ủy ban sẽ xem xét kiến nghị trong cuộc họp hôm nay (28/6) và quyết định xem có đưa vấn đề này ra tranh luận hay không.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đều cho rằng, điều đó rất khó xảy ra bởi cả đảng cầm quyền và các đảng đối lập trước khi bỏ phiếu đều tuyên bố tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Đồng thời, hôm qua, Thủ tướng Anh tuyên bố, bất chấp mọi người nghĩ gì thì cũng sẽ không có cuộc trưng cầu thứ hai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.