Vận tải

Hà Nội: Lợi gì từ việc mở rộng đấu thầu khai thác xe buýt?

21/04/2020, 13:12

Trong số 76 tuyến buýt đặt hàng tại Hà Nội, có 68 tuyến buýt vừa được tổ chức đấu thầu.

img
Việc đấu thầu khai thác xe buýt góp phần giảm chi phí vận hành và kinh phí trợ giá từ ngân sách TP Hà Nội

Hà Nội vừa triển khai đấu thầu 68 tuyến xe buýt để mở rộng cho tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn có năng lực, đáp ứng điều kiện tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

6 đơn vị vận tải “thầu” 68 tuyến buýt

UBND TP Hà Nội cho biết, đến tháng 12/2019, trên địa bàn thành phố có 104 tuyến buýt trợ giá, gồm 76 tuyến buýt đặt hàng và 28 tuyến buýt đấu thầu. Trong số 76 tuyến buýt đặt hàng, có 68 tuyến buýt vừa được tổ chức đấu thầu.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, 68 gói thầu trên được Sở GTVT Hà Nội (chủ đầu tư) giao Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội (TRAMOC) làm bên mời thầu, sử dụng nguồn vốn xã hội hóa và có trợ giá từ ngân sách TP Hà Nội.

TRAMOC sau đó áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Hồ sơ mời thầu được phát hành trong tháng 12/2019 và đóng/mở thầu trong các ngày 9, 10, 13 và 16/1/2020. 3 đơn vị được chỉ định thầu rút gọn để lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu là Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Tư vấn Trường Đại học GTVT và Tư vấn Trường Đại học Xây Dựng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc TRAMOC cho biết, hiện đã hoàn thành công tác đấu thầu đối với 68 tuyến buýt trên. “Quá trình lựa chọn nhà thầu, các gói thầu này đảm bảo quy định pháp luật về đấu thầu. Bên mời thầu sẽ nỗ lực để các hợp đồng được thực hiện sau khi hết dịch Covid-19”, ông Phương cho hay.

Được biết, trong 68 gói thầu, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) trúng thầu nhiều nhất với tổng cộng 53 gói. Tổng giá trị trúng thầu hàng nghìn tỷ đồng. Đa phần các gói thầu mà nhà thầu này trúng đều có giá trị giảm giá rất thấp.

Đơn vị nhiều thứ hai là Công ty CP Xe điện Hà Nội, trúng 8 gói thầu. Các nhà thầu còn lại trúng thầu trong 68 gói này là Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh, Công ty CP Vận tải Newway, Công ty TNHH Du lịch và Dịch vụ xây dựng Bảo Yến và Công ty TNHH Bắc Hà.

Giúp công khai, minh bạch hơn

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), từ năm 2005, TP Hà Nội đã bắt đầu triển khai công tác đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ xe buýt. Đến hết năm 2019, đã có 28 tuyến xe buýt đang thực hiện theo hợp đồng thầu.

“Việc tổ chức đấu thầu lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tạo ra môi trường cạnh tranh, bình đẳng, thu hút được nhiều doanh nghiệp vận tải có đủ năng lực tham gia, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Hải khẳng định.

Theo ông Hải, ngoài Tổng công ty Vận tải Hà Nội, hiện có 6 đơn vị đang cung cấp dịch vụ xe buýt theo hợp đồng thầu gồm: Đông Anh, Bảo Yến, Bắc Hà, Newway, Ô tô tải Hà Tây, Hải Vân. Thông qua việc đấu thầu góp phần giảm chi phí vận hành, qua đó từng bước giảm kinh phí trợ giá từ ngân sách TP Hà Nội.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, Transerco được công bố trúng 62 gói thầu, trong đó, 60 gói thầu do Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị là bên mời thầu (bao gồm cả 53 gói thầu vừa được công bố trong tháng 3/2020).


Cũng thông qua việc tổ chức đấu thầu 68 tuyến, đã thay mới được 139 phương tiện (thay thế toàn bộ các xe hoạt động trên 10 năm), với tổng chi phí đầu tư phương tiện trên 408 tỷ đồng. Đến nay, tuổi bình quân của đoàn phương tiện thấp (là 3,6 năm, giảm 25%) trước khi đấu thầu.

Cùng đó, thời gian thực hiện hợp đồng theo hình thức đấu thầu tối đa là 5 năm, sẽ tạo sự ổn định, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đầu tư trang bị các tiện ích nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho rằng, áp dụng cơ chế đặt hàng trước đây không chỉ khiến ngân sách trợ giá cho xe buýt ngày một phình to, còn tạo ảnh hưởng tiêu cực lên chính các DN cung ứng dịch vụ xe buýt. Vì khi đặt hàng, hầu hết các DN nhỏ sẽ không có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với DN lớn để vươn lên. Đưa các tuyến buýt trợ giá ra đấu thầu có thể đồng thời giải quyết cả 2 vấn đề nêu trên.

Tuy nhiên, ông Liên cũng chỉ ra buýt đấu thầu vẫn còn một số vấn đề khiến doanh nghiệp e ngại. Đơn cử việc thời gian khai thác tuyến là 5 năm, trong khi yêu cầu doanh nghiệp phải mua xe mới, đưa vào vận hành. “Bên cạnh việc phải đầu tư lớn, thu lợi nhỏ, các doanh nghiệp còn lâm vào cảnh khó xử với những chiếc xe buýt sau thời gian thực hiện gói thầu. Bởi xe buýt có đặc thù thiết kế riêng, ít ghế ngồi, khi không còn được khai thác nữa phải tốn thêm một khoản phí hoán cải thành loại hình phương tiện kinh doanh khác”, ông Liên phân tích.

Cũng theo ông Liên, thành phố nên cân nhắc, đối với những tuyến buýt có lượng hành khách thấp, có thể xem xét kéo dài gói thầu để khuyến khích doanh nghiệp. “Đối với người lao động, khi kết thúc gói thầu cũ, mở gói thầu mới, có thể đặt vấn đề thu nhận cán bộ, nhân viên đang làm việc trên tuyến vào tiêu chí đấu thầu. Tất nhiên là với điều kiện người lao động đó phải đạt yêu cầu công việc”, ông Liên đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.