Xã hội

Gia Lai: 430 dự án kêu gọi đầu tư, chỉ hơn 200 dự án tìm được chủ

06/07/2023, 16:10

Trong giai đoạn từ 2018- 2022, tỉnh Gia Lai phê duyệt 330 danh mục kêu gọi đầu tư với 430 dự án, tuy nhiên chỉ có 100 dự án hoàn thành.

Ngày 6/7, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 13 trong đó có kết quả giám sát “Về tình hình thực hiện và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018-2022”.

img

Dự án điện gió tại Gia Lai

430 dự án kêu gọi, nhưng chỉ 100 dự án hoàn thành

Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai, trong giai đoạn từ 2018- 2022, tại Gia Lai phê duyệt 330 danh mục kêu gọi đầu tư với 430 dự án. Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư chủ yếu tập trung ở 5 lĩnh vực, gồm: Công nghiệp, xây dựng, năng lượng; chế biến nông - lâm sản, sản xuất vật liệu, hàng tiêu dùng; công nghiệp năng lượng; nông - lâm nghiệp và lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao - du lịch.

Hiện nay, tại Gia Lai có 100 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư đã hoàn thành đưa vào hoạt động; 92 dự án đang triển khai và có 25 dự án đã bị chấm dứt hoạt động.

Đối với 100 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động đã góp phần phát triển kinh tế tỉnh Gia Lai. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2015 - 2020 đạt 7,55%; năm 2021 tăng 9,71% và năm 2022 tăng 9,27%.

Đánh giá lại tình hình thực hiện và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018-2022, HĐND tỉnh Gia Lai cho rằng: Số lượng các dự án triển khai trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư được UBND tỉnh này phê duyệt chiếm tỷ lệ thấp. Đa số các dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động có quy mô nhỏ.

"Danh mục kêu gọi thu hút đầu tư được xây dựng trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư nên chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, tính chủ động của tỉnh và của từng địa phương; đa số các dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động có quy mô nhỏ. Các dự án mang tính động lực lan tỏa, sử dụng công nghệ hiện đại; dự án chế biến nông lâm sản, sản xuất mặt hàng phụ trợ cho công nghiệp chế biến, du lịch thương mại, dịch vụ còn ít", báo cáo do ông Trương Văn Đạt, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai nêu.

img

Toàn cảnh kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026.

Nhiều nguyên nhân

Đề cập đến nguyên nhân, lãnh đạo HĐND tỉnh Gia Lai cho biết, công tác phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư còn nhiều hạn chế; Một số dự án sau khi đã phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng tổ chức triển khai không đảm bảo tiến độ, hoạt động cầm chừng hoặc có triển khai nhưng chưa đúng mục tiêu ban đầu của dự án đầu tư, thậm chí có dự án đã tổ chức thi công xong nhưng vướng quy hoạch nên chưa đi vào hoạt động.

"Chính sách ưu đãi của tỉnh đối với các nhà đầu tư chưa nổi bật và chưa phát huy hiệu quả. Thông tin về xúc tiến đầu tư còn chậm, chưa xây dựng được kênh thông tin chủ lực để thông tin thường xuyên, kịp thời chủ trương, định hướng về công tác xúc tiến đầu tư và các hoạt động xúc tiến đầu tư giữa cấp tỉnh và huyện, dẫn đến nhiều dự án có trong danh mục kêu gọi đầu tư nhiều năm nhưng chưa có doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu", báo cáo của HĐND tỉnh Gia Lai phân tích.

Ngoài ra, cũng theo HĐND tỉnh Gia Lai, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật phục vụ thu hút đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và thu hút đầu tư như: Hệ thống giao thông chậm được đầu tư đồng bộ; cơ sở hạ tầng tại các cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp cấp huyện còn bất cập, tỷ lệ lấp đầy còn thấp; có dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động nhưng chưa thực hiện hỗ trợ, bồi thường cho người dân.

"Một số dự án nằm ngoài danh mục đầu tư đến nay chưa triển khai thực hiện được do vướng xác định giá đất khởi điểm để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; có dự án vướng việc chuyển đổi mục đích đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án.

Công tác xem xét, thẩm định hồ sơ chấp thuận đầu tư dự án chưa gắn với công tác kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng đất đai với nhu cầu sử dụng đất, quy mô đầu tư,… dẫn đến xảy ra các vướng mắc khi bàn giao đất hoặc khi nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Chậm thực hiện công tác rà soát đưa các dự án nhiều năm không kêu gọi đầu tư được hoặc các dự án không phù hợp với tiềm năng, định hướng phát triển của tỉnh, của địa phương ra khỏi danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh.

Hoạt động của một số cụm công nghiệp của huyện chưa hiệu quả mặc dù đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, quyết định đầu tư một số hạng mục và đưa vào sử dụng đã lâu.

Năng lực tài chính và kinh nghiệm của một số nhà đầu tư còn yếu dẫn đến việc đầu tư cầm chừng, kéo dài....", báo cáo của Phó chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai nêu thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.