• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Giao thông 24h

Được gì sau cao điểm xử lý xe quá tải?

Những cung đường xe quá tải ngang nhiên lộng hành đã không còn, người dân bớt nỗi lo tai nạn. Tại nhiều địa phương, TNGT giảm rõ rệt.

Nhiều điểm nóng vắng bóng xe quá tải

Có thể nói, trong suốt ba tháng qua, lực lượng CSGT toàn quốc đã vào cuộc quyết liệt, khiến vấn nạn xe quá tải cơ bản được dẹp bỏ, không còn lộng hành như trước, trả lại sự bình yên cho các tuyến đường.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông nhiều ngày cuối tháng 9, tại các khu vực giáp ranh giữa TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, xe cơi nới thành thùng, chở “có ngọn” hầu như đã vắng bóng.

Tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa cưỡng chế xe cắt bỏ thành thùng cơi nới. Ảnh: Phúc Tuấn

Trên các tuyến QL1, QL1K, QL51 (Đồng Nai), đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định, Mai Chí Thọ (TP.HCM)…, nơi có nhiều mỏ đá, khu công nghiệp, nỗi ám ảnh của người dân đã chấm dứt.

Chiều 24/9, có mặt tại nút giao QL51, đường chuyên dùng ra vào mỏ đá Tân Cang, PV ghi nhận không còn cảnh các xe cơi thùng, chở có ngọn chạy rầm rập như trước.

Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết TNGT, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, trong ba tháng thực hiện kế hoạch cao điểm (từ 20/6 - 20/9), lực lượng chức năng trên địa bàn đã xử lý 76.274 trường hợp, ra quyết định xử phạt hơn 85 tỷ đồng; tước hơn 8.000 GPLX, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 537 ô tô, hơn 8.000 xe máy. Đặc biệt, Công an TP Hà Nội đã cưỡng chế việc tháo, cắt thùng xe 783 trường hợp, buộc hạ tải 749 trường hợp vi phạm chở hàng quá tải trọng.
“Từ nay đến cuối năm 2022, Công an TP Hà Nội giao các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì kết quả đạt được sau ba tháng thực hiện cao điểm của Bộ Công an với tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm”, Trung tá Vinh thông tin.

Dọc tuyến QL51 đi qua hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có nhiều mỏ vật liệu, khu công nghiệp, trước kia người dân luôn sợ hãi bởi những “hung thần” xe quá tải, thì nay đã không còn tình trạng này.

“Nhiều tháng qua, ngoài các chốt tuần tra trên đường, tôi còn thấy CSGT liên tục tuần tra lưu động nên xe quá tải không còn dám vô tư hoạt động như trước đây nữa”, anh N.V.N., chủ một quán nước ven QL51 đoạn qua xã Phước Thái (huyện Long Thành) cho biết.

Tại Nghệ An, sau một thời gian “án binh bất động” vì lực lượng chức năng làm nghiêm, đến nay mọi hoạt động vận tải đã diễn ra như bình thường.

Tuy nhiên theo quan sát, tất cả các xe đều đã cắt bỏ phần cơi nới thành thùng, trả về nguyên bản như được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định xe.

Các cung đường vốn oằn lưng gánh xe quá tải giờ đã được bảo vệ.

Tại Quyên Quang, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, sau ba tháng triển khai cao điểm, tổng số vi phạm các lỗi bị xử phạt lên tới 7.896 trường hợp, tổng số tiền xử phạt lên tới 9,5 tỷ đồng - con số chưa từng có trước đó.

Lãnh đạo Phòng khẳng định, đến thời điểm hiện tại, các tuyến đường trên địa bàn như: QL2, QL37, QL2C… không còn tình trạng xe cơi nới thành thùng, chở quá tải hoạt động.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác như: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Ninh Bình…

Ghi nhận PV, hiện nay trên các trục đường Khu kinh tế Dung Quất (Bình Sơn, Quảng Ngãi) không còn cảnh đoàn xe chở đất đá hoạt động tấp nập. Đặc biệt, không còn cảnh xe cơi thùng, chở “siêu tải” như trước đây. Các xe cắt thùng theo kích thước đăng kiểm, nhìn mắt thường dễ thấy thùng cao chưa đến 1m.

Thượng tá Thượng tá Vũ Thanh Giang, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, không riêng điểm nóng xe quá tải Khu kinh tế Dung Quất, nhiều khu vực dự án, điểm mỏ xuất hiện tình trạng cơi thùng, chở quá tải đã và đang được Phòng phối hợp các đơn vị chức năng tăng cường xử lý nghiêm.

Tính riêng từ ngày 1/9 đến trung tuần tháng 9/2022, lực lượng CSGT toàn tỉnh phát hiện, xử lý hàng trăm phương tiện vi phạm trật tự ATGT, nộp kho bạc hơn 3 tỷ đồng.

Tương tự tại Bình Định, không chỉ tăng cường lực lượng TTKS trên tuyến, Phòng CSGT còn phối hợp các đơn vị chức năng, đăng kiểm để tuyên truyền và tiến hành cưỡng chế cắt hạ thành thùng đối với các phương tiện vi phạm. 3 tháng cao điểm xử lý tải trọng, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 852 phương tiện vi phạm lỗi quá khổ, quá tải, cải tạo phương tiện… với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng.

Xử nghiêm, tai nạn giảm

Tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Yên Bái vận động người dân ký cam kết không sử dụng xe quá khổ, quá tải

Từng bị phạt hàng chục triệu đồng và tước GPLX vì lỗi chở quá tải, anh L.M.S. tài xế kiêm chủ xe tải 10 tấn chở gạo ở Thủ Đức cho hay: “Hiện nay, nhiều tài xế đã biết sợ, không dám liều chở hàng quá tải. Họ lo ngại ngoài đường nhiều tổ, chốt liên tục kiểm tra liên tỉnh, rất khó lọt nên chấp hành nghiêm hơn trước”.

Anh Cao Văn Chiến, một tài xế xe ben chuyên chở vật liệu xây dựng ở huyện Diễn Châu, Nghệ An cũng chia sẻ: “Trước đây, tôi còn tranh thủ lúc sáng sớm, trưa, tối hay lúc CSGT giao ca để chở thêm, nhưng ba tháng nay thì không dám nữa. Cơi thùng, chở quá tải là bị kiểm tra và xử phạt ngay. Một biên bản có khi cả mấy chục triệu, chở cả tháng cũng không bù nổi”.

Anh Nguyễn Văn Cường (quê Quảng Bình), chủ nhà thầu có gần 20 đầu xe chở đá từ Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất ra các bãi đỗ trên địa bàn Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho hay: “Lực lượng chức năng xử lý “rát”, đơn vị cho cắt hạ đúng kích thước đăng kiểm tất cả các xe và chỉ chạy ra ngoài khi chở đúng trọng tải. Ở đầu cao điểm, có tháng đơn vị bị phạt đến 200-300 triệu đồng nhưng nay các xe đều không vi phạm, đi lại cũng an tâm hơn”.

Theo đại diện nhà thầu Sông Đà 5 (1 trong 15 nhà thầu vận chuyển đất đá từ Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất), sau cao điểm, đến nay ý thức tự giác của các đơn vị vận chuyển đã tăng lên đáng kể, không còn xe cơi thùng.

Điều đáng mừng là khi lực lượng CSGT vào cuộc xử lý quyết liệt, TNGT tại nhiều nơi đã giảm cả 3 tiêu chí. Điển hình như ở Đồng Nai, Thượng tá Trần Trọng Thủy, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, trong ba tháng cao điểm vừa qua, số vụ TNGT giảm 13 vụ (giảm 24%), giảm 13% số người chết so với tháng liền kề.

Hay như tại Quảng Ninh, tính chung trong 9 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý 2.004 trường hợp xe quá tải, thay đổi kích thước thành, thùng, buộc hạ tải 133,733 tấn hàng hóa.

Tổng số tiền xử phạt vi phạm là 7,24 tỷ đồng. Kết quả trên đã góp phần quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ TNGT giảm 5 vụ, số người chết giảm 2 người và số người bị thương tăng 4 người…

Cấm can thiệp, xin bỏ qua vi phạm

Xe ben tấp nập ra vào mỏ đá Tân Cang, TP Biên Hòa. Thùng xe đã được cắt thấp xuống đúng với quy định, tài xế chở hàng ngang với thành thùng (Ảnh chụp chiều 24/9)

Đại tá Phạm Đinh Bá Tiên, Trưởng phòng CSGT tỉnh Tuyên Quang cho rằng, mấu chốt để xử lý được triệt để tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động là tất cả các lực lượng công an trên địa bàn tỉnh cùng quyết tâm vào cuộc.

Để tránh những sức ép cho cán bộ chiến sỹ, Phòng đã chủ động đề xuất với Giám đốc CA tỉnh tham mưu để Chủ tịch UBND tỉnh ra văn bản chỉ đạo việc cấm can thiệp đối với tất cả các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng đã chủ động tuyên truyền, xử lý nghiêm nhằm vào các doanh nghiệp lớn, từ đó tạo hiệu ứng để các trường hợp khác nhìn vào và làm theo.

Ba tháng cao điểm vừa qua, Phòng CSGT Công an các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... cũng phát hiện, xử lý hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trường hợp chở hàng quá khổ, quá tải. Mỗi tỉnh đều có cách làm hiệu quả.

Trạm CSGT Tam Điệp, Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch tuần tra kiểm soát 24/24h, thành lập tổ công tác đặc biệt do lãnh đạo Phòng tuần lưu kiểm tra các chốt, tổ, tuần tra trên dọc các tuyến quốc lộ.

Trong khi đó, Công an tỉnh Hòa Bình đã thành lập các tổ công tác phối hợp giữa lực lượng CSGT của tỉnh và CSGT của huyện để đảo địa bàn (CSGT của huyện này sẽ sang huyện khác tuần tra, xử lý). Đây là cách làm hay, hiệu quả đã được Bộ Công an ghi nhận, nhân rộng sang các địa phương khác.

Ngoài các giải pháp đã được áp dụng trên, với Công an tỉnh Bắc Ninh, việc tập trung vào địa bàn trọng điểm là nơi trung chuyển, tiêu thụ vật liệu xây dựng lớn trong vùng, yêu cầu truy rõ nguồn xe quá tải là biện pháp phát huy hiệu quả.

Theo đó, trường hợp phát hiện xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, các tổ công tác sẽ điều tra, làm rõ xe xuất phát từ đâu, di chuyển qua những địa bàn nào để báo cáo Công an tỉnh và Bộ Công an, chấn chỉnh những đơn vị bỏ trống địa bàn...

Tại Hải Phòng, Phòng CSGT đã tham mưu, đề xuất thành lập Tổ công tác cơ động với sự tham gia của những cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm.

Đặc biệt, trong suốt đợt cao điểm, nhiều lần Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, Phó trưởng Ban ATGT thành phố đi cùng, chỉ đạo Tổ công tác đặc biệt xuyên đêm bắt xe quá tải.

Thượng tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng phòng CSGT Công an Bình Định đánh giá, kinh nghiệm đặt ra phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ngành chức năng và nhận thức, ý thức chấp hành của doanh nghiệp vận tải, nhà xe, đơn vị cung cấp, nhận hàng.

Tại tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo phải xử lý nghiêm đối với những xe tải chở quá khổ, quá tải. Theo đó, lực lượng TTGT, CSGT tỉnh đồng loạt kiểm tra, xử lý các phương tiện trọng tải qua lại khi có dấu hiệu vi phạm, nên tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường được hạn chế tối đa.

“Nhiều tài xế xe chở quá tải đã lĩnh mức phạt nặng nhất. Sau 3 tháng mạnh tay xử lý, nhiều chủ xe đã tự nguyện cưa thùng xe, ít thấy xe chở có ngọn, quá tải trên các tuyến quốc lộ”, ông S cho hay.

Cao điểm không có điểm dừng

Trước thắc mắc về tình trạng các doanh nghiệp, chủ phương tiện đang “nghe ngóng” động tĩnh của lực lượng chức năng sau cao điểm, Đại tá Phạm Đinh Bá Tiên, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang khẳng định: “Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh là không làm theo kiểu phong trào, sau cao điểm lại quay về nếp cũ. Giám đốc Công an tỉnh đã có văn bản chỉ đạo việc tiếp tục duy trì thực hiện việc kiểm tra xử lý nghiêm, không để tái diễn xe quá tải”.

Tại Hà Tĩnh, Đại tá Đặng Hoài Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh khẳng định: “Tôi quán triệt anh em, ở đâu có dư luận phản ánh về việc có xe cơi nới thành thùng xuất hiện thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”.

Đại úy Trương Đức Thọ, Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an tỉnh Yên Bái cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ đẩy mạnh việc tuần tra khép kín địa bàn, không có chuyện dừng xử lý sau cao điểm.

Thậm chí, đơn vị còn thường xuyên liên lạc với lực lượng CSGT tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ để nắm bắt được quy luật của một số ít lái xe vẫn cố tình chở quá khổ quá tải để có hướng xử lý triệt để.

Lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh cũng khẳng định, đã yêu cầu các đội tuần tra, kiểm soát giao thông ứng trực 100% quân số, thường xuyên tuần tra trên tất cả các tuyến đường, kiên quyết giữ vững địa bàn, không để xảy ra tình trạng tái diễn xe cơi nới thành thùng, chở quá tải.

Tương tự, Thượng tá Trần Trọng Thủy, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, không có chuyện hết cao điểm sẽ chùng xuống hoặc dừng việc xử lý.

“Sau kế hoạch này vẫn là cao điểm, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xe quá khổ, quá tải tái diễn, địa bàn nào xảy ra sẽ chịu trách nhiệm”, Thượng tá Thủy quả quyết.

Điều này cũng được ông Đoàn Văn Quới, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP.HCM khẳng định: “Sắp tới, lực lượng CSGT sẽ vẫn duy trì công tác kiểm tra thường xuyên xe quá tải, chỉ đạo các đơn vị tuần tra, kiểm soát bố trí lực lượng 24/24h trên đường. Cao điểm sẽ không có điểm dừng”.

Không để hết cao điểm lại tái diễn xe quá tải

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục CSGT cho biết, đang tổng hợp báo cáo số liệu, đánh giá kết quả đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT kéo dài trong thời gian ba tháng (từ 20/6 - 20/9/2022).

“Việc kiểm tra, xử lý các vi phạm giao thông vẫn được triển khai từ trước đến nay. Việc triển khai đợt cao điểm này sẽ nhằm triển khai tổng lực, đồng bộ hơn để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, người thi hành công vụ. Sau cao điểm, việc xử lý vi phạm vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục”, đại diện Cục CSGT khẳng định.

Trước đó, tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long khẳng định: “Hiện, nhiều doanh nghiệp vận tải không hoạt động để chờ xem hết cao điểm, Bộ Công an có tiếp tục thực hiện xử lý quá tải hay không để tiếp tục hoạt động. Tôi khẳng định rằng, không có chuyện hết cao điểm sẽ chùng xuống hoặc dừng việc xử lý, không để hết cao điểm lại tái diễn chở quá tải”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.