Bất động sản

Điểm danh 10 tỉnh "ém" đồ án quy hoạch

03/11/2021, 11:13

Bộ Xây dựng đã thiết kế kênh riêng để đăng tải đồ án quy hoạch nhằm giảm tình trạng "thổi” giá đất nhưng nhiều địa phương vẫn "ém".

Chưa đăng tải hoặc đăng tải hời hợt

Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên Cổng thông tin điện tử.

Theo đó, toàn quốc hiện có 53 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc đăng tải, với tổng số 1.087 hồ sơ đồ án quy hoạch.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa thực hiện đăng tải như: Tỉnh Bình Thuận, Phú Thọ, Gia Lai, Hà Nam, Hải Dương, Hậu Giang, Hoà Bình, Sóc Trăng, Tiền Giang, Tuyên Quang.

img

Hải Dương, một trong số 10 địa phương chưa đăng tải đồ án quy hoạch

Ngoài ra còn 12 tỉnh mới chỉ công bố 1 đồ án, chưa đạt yêu cầu quy định gồm: An Giang, Bắc Kạn, Bến Tre, Cao Bằng, Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hoà, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Yên Bái.

Do đó, Bộ Xây dựng tiếp tục thúc các địa phương thực hiện công khai đồ án nhằm hạn chế việc lợi dụng quy hoạch, "thổi" giá đất như thời gian vừa qua.

Trước đó, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 2/3/2021, Bộ Xây dựng có Văn bản số 854/BXD-QHKT về việc đề nghị các địa phương đăng tải thông tin hồ sơ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên cổng thông tin điện tử về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị (www.quyhoach.xaydung.gov.vn).

Nội dung thông tin đăng tải trong các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị bao gồm: Quyết định phê duyệt; bản đồ hiện trạng; sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan; bản đồ quy hoạch sử dụng đất; bản đồ giao thông; bản đồ tổng hợp đường dây, đường ống kỹ thuật; thuyết minh tóm tắt… nhưng nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉnh.

Lợi dụng thông tin quy hoạch để “kích sóng”

Chia sẻ với PV tại toạ đàm Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch chiều 2/11, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới thẳng thắn nhìn nhận, khi quy hoạch không công khai rõ ràng thì vẫn bị nhiều đối tượng lợi dụng "kích sóng", "thổi" giá.

"Ví dụ như khu vực Hoài Đức (Hà Nội) đã từng bùng lên “sốt" đất khi thông tin lên quận nhưng cuối cùng chỉ loanh quanh có mấy khu dân cư nhỏ chứ chưa tạo ra khu vực có giá trị sống cao theo đúng nghĩa thành phố hiện đại, thông minh. Hay Mê Linh chỉ có ít khu đất đã san nền cấy thêm vài con đường nhỏ, không có sự sống nên giá trị BĐS, giá giao dịch sẽ bị tụt xuống. Những nhà đầu tư khi xuống tiền mua BĐS ở những khu vực này trước đó đều muốn có lãi, sản phẩm thanh khoản tốt nhưng cuối cùng không thanh khoản được, tìm cách “cắt lỗ” nên lâm vào tình cảnh khá thê thảm", ông Đính dẫn chứng.

KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng để ngăn chặn hiện tượng sốt đất ăn theo thông tin quy hoạch vẫn cần công khai thông tin quy hoạch một cách minh bạch với người dân và có định hướng thông tin để người dân biết. "Nếu không công khai quy hoạch, các cơn sốt đất sẽ xảy ra gây bất ổn kinh tế xã hội ở địa phương, và người bị thiệt hại nhất là người mua. Bởi sốt ảo nhưng tiền thật!", ông Tùng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.