Xã hội

Dịch Covid-19 TP.HCM ngày 27/8: Hơn 2.100 bệnh nhân xuất viện hôm nay

27/08/2021, 14:30

Dịch Covid-19 ngày 27/8 tại TP.HCM: Thành phố có thêm 2.121 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện đến nay là 97.719 bệnh nhân.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 27/8 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

Trong 3 ngày qua, TP.HCM đã test nhanh gần 1 triệu mẫu (ảnh minh họa)

Trưa 27/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết tính đến thời đểm này TP có 194.596 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 194.159 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 437 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 37.993 bệnh nhân, trong đó 2.321 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.697 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 26/8 có 2.121 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện đến nay là 97.719 bệnh nhân. TP tiếp tục không ghi nhận ổ dịch mới cần theo dõi. Hiện còn 16 ổ dịch đang diễn tiến.

Theo HCDC, nguyên tắc của tiêm vắc-xin phòng Covid-19 dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người dân. Tính đến hến ngày 25/8, tổng số mũi vắc-xin đã triển khai là 5.627.728, trong đó tổng số mũi 1 là 5.390.903, mũi 2 là 236.825, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 573.771.

Triển khai lấy mẫu toàn dân tại vùng đỏ, vùng cam bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh gần 1 triệu mẫu tính đến ngày 26/8. Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong ngày 27/8. Thực hiện mẫu gộp tại các vùng vàng, vùng xanh. Dự kiến số mẫu phải lấy ở cùng cam, vùng đỏ là khoảng 2 triệu người.

TP tổ chức các Trạm y tế lưu động kết hợp với đội phản ứng nhanh của địa phương để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 khi điều trị tại nhà. Mỗi phường thành lập từ 2-3 trạm y tế lưu động tùy số lượng F0 trên địa bàn. Khi xét nghiệm test nhanh và phát hiện F0, các Trạm y tế lưu động sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện. Bắt đầu triển khai chương trình điều trị thuốc Molnipiravir có kiểm soát dành cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ.

Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 62.904 người, trong đó có 39.245 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 23.659 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 15.854 người.

Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 2.880 trường hợp và đang được cách ly tại nhà là 18.421 người.

TP.HCM ra mắt ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà

Ngày 27/8, ứng dụng "Y tế TP.HCM" và nhiều ứng dụng công nghệ thông tin khác đã ra đời nhằm thuận tiện cho việc quản lý, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho F0 đang cách ly tại nhà.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc quản lý, hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà, Sở Y tế, Sở Thông tin và truyền thông phối hợp với Tập đoàn VNPT, Công ty cổ phần FPT, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành triển khai ứng dụng "Y Tế TP.HCM" để kết nối với người dân là F0 cách ly tại nhà.

Để cài đặt ứng dụng, các F0 hoặc người chăm sóc tải ứng dụng "Y Tế HCM" từ App Store hoặc Google Play trên điện thoại thông minh để có thể cập nhật tình trạng sức khỏe hằng ngày và nhận được sự hỗ trợ nhanh nhất từ địa phương.

Sau đó, chọn chức năng "Đăng ký" (với lần đầu) hoặc "Khai báo" tại phần "Đăng ký thông tin và nhận hỗ trợ gói chăm sóc y tế dành cho F0 cách ly tại nhà" trên màn hình trang chủ. Tiếp theo chọn loại khai báo là "Theo dõi sức khỏe tại nhà" hằng ngày.

Khi khai báo thông tin sức khỏe, người dân cần lưu ý cung cấp chính xác số điện thoại di động, địa chỉ nơi đang ở để lực lượng y tế của phường, xã, thị trấn có thể tiếp cận và hỗ trợ F0 một cách nhanh nhất.

Người dân cũng có thể tra cứu danh bạ điện thoại theo địa phương tại mục "Tổ phản ứng nhanh" và bấm gọi trực tiếp từ danh sách khi cần liên hệ hỗ trợ y tế khẩn cấp.

Trong trường hợp F0 cách ly tại nhà không thể sử dụng điện thoại thông minh, người chăm sóc F0 có thể thực hiện khai báo hộ trên ứng dụng, gọi điện tới cán bộ trạm y tế để được hỗ trợ.

Đồng thời, gọi trực tiếp cho tổng đài 1022 nhánh số 3 để được tư vấn sức khỏe của Hội Y học TP.HCM và nhánh số 4 để được tư vấn sức khỏe của mạng lưới bác sĩ đồng hành.

Ngoài ra, người dân có thể được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe từ xa, thông qua các phiếu khai báo thông tin sức khỏe được trạm y tế tiếp nhận trên hệ thống Khai báo y tế điện tử của TP.

Bên cạnh đó, người dân có thể trao đổi trực tuyến với trợ lý ảo (Chatbot) để trao đổi tư vấn về sức khỏe.

Theo đó, người dân truy cập vào Hệ thống Khai báo y tế điện tử TP tại địa chỉ: https://khaibaoyte.tphcm.gov.vn để trao đổi tư vấn về sức khỏe. Hệ thống sẽ được kết nối với mạng lưới bác sĩ đồng hành để liên hệ xử lý các trường hợp trợ lý ảo chatbot không thể trả lời được cho người dân.

Mỗi tuần có thể nhận 500.000 liều vaccine

Trong báo cáo kết nối nhập khẩu nguồn vaccine từ đối tác Mỹ cho TP.HCM, Sở Ngoại vụ TP.HCM cho hay, Chính phủ Mỹ và các bang đang có chương trình giải quyết số lượng dư thừa trong kho dự trữ vì vaccine có hạn sử dụng.

Cách đây 5 hôm, Sở Ngoại vụ thành phố cùng Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn làm việc trực tuyến với hai Tập đoàn là liên doanh hợp tác với SAG (Hội Cựu binh lục chiến Mỹ). Đây là tổ chức uy tín với Chính phủ Mỹ, được phép xuất khẩu vaccine dư tại các bang. Liên doanh này được SAG ủy quyền trao đổi chi tiết với TP HCM.

Sở Ngoại vụ TP HCM cho hay, phía Mỹ đang tập trung ưu tiên xử lý vaccine Pfizer và Moderna. Nếu các bên thúc đẩy hợp đồng sớm, lô vaccine đầu tiên sẽ xuất sang Việt Nam vào tuần đầu tháng 9 với bình quân 500.000 liều một tuần.

Từ tuần thứ 3 tháng 9, bình quân mỗi tuần sẽ xuất sang Việt Nam một triệu liều. Dự kiến đến tháng 12 có thể cung cấp 10-12 triệu liều nếu thành phố có nhu cầu.

Điều kiện tiên quyết đối tác đưa ra là SAG sẽ cử một số chuyên gia sang TP HCM để khảo sát năng lực tiếp nhận, lưu trữ vaccine. Sau đó, các chuyên gia sẽ báo cáo về Mỹ để tiến hành các bước tiếp theo; đồng thời nhóm này sẽ ở lại Việt Nam để giám sát quy trình nhập khẩu, lưu trữ, tư vấn về công nghệ lưu trữ cũng như đảm bảo tiêm hết vaccine cho người dân theo hạn sử dụng. Việc này nhằm hạn chế ảnh hưởng uy tín Chính phủ Mỹ.

TP HCM có thể cử 2 quan chức (có thể từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ) tới kho vacicne của SAG để kiểm tra trực tiếp chất lượng. Sau khi các bên thống nhất, 2-3 ngày sau sẽ có chuyến bay giao vaccine theo số lượng cam kết. Về giá cả các bên tiếp tục đàm phán.

Sở Ngoại vụ đánh giá đối tác là các đơn vị uy tín, thể hiện thiện chí sẵn sàng cung cấp vaccine cho thành phố; các yêu cầu về quy trình nhập khẩu, chuyên gia, quy trình triển khai có sự chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc và tiến đến đàm phán nhập khẩu vaccine từ chương trình này của đối tác Mỹ phù hợp với chủ trương và tình hình hiện tại của TP HCM trong công tác phòng chống dịch.

UBND TP HCM giao Sở Ngoại vụ phối hợp với Sở Y tế và Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn nhanh chóng trao đổi với các đối tác để làm rõ một số nội dung liên quan nguồn gốc, thời hạn sử dụng và các vấn đề cung ứng vaccine.

Tính đến hết ngày 25/8, TP HCM đã tiêm được tổng cộng hơn 5,6 triệu liều vaccine, trong đó 5,4 triệu người tiêm mũi 1, gần 237.000 người tiêm mũi 2.

Hiện TP HCM ghi nhận ghi nhận hơn 190.800 ca nhiễm ở đợt dịch thứ 4.

Test nhanh gần 1 triệu mẫu, 3,5% dương tính

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam, trong 3 ngày qua, tốc độ xét nghiệm của TP đã tăng nhanh.

Cụ thể, TP.HCM test nhanh khoảng 1 triệu mẫu - con số chưa đạt chỉ tiêu 2 triệu mẫu test nhanh theo kế hoạch nhưng các quận huyện đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ. Những ngày tới, TP sẽ tiếp tục test nhanh để đạt chỉ tiêu và tiếp tục test nhanh đợt 2.

Trong 3 ngày test nhanh với khoảng 1 triệu mẫu, kết quả cho thấy: ngày 23/8 phát hiện 3,5% số mẫu test dương tính; ngày 24/8 khoảng 3,2% mẫu dương tính và ngày 25/8 khoảng 3,8% mẫu dương tính.

"Qua đánh giá của các nhà dịch tễ thì trung bình 3 ngày qua phát hiện khoảng là 3,5% mẫu dương tính. Nếu dưới 5% thì chúng ta có niềm tin có thể quét được hết F0 từ đây đến 15/9", ông Nam nói.

Tỉ lệ F0 trong cộng đồng vẫn ở mức cao

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM lúc 21h ngày 26/8, trong ngày TP xét nghiệm 320.849 mẫu, ghi nhận 3.877 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 3.056 ca cộng đồng.

Tỷ lệ F0 trong tổng số mẫu xét nghiệm được lấy chiếm 1,2% nhưng tỉ lệ ca cộng đồng chiếm hơn 78% so với tổng số ca mắc.

Trong đó nhiều quận huyện có số ca F0 phát sinh ngoài cộng đồng và trong bệnh viện chiếm từ 85% trở lên trong tổng số ca mắc.

Cụ thể, tỷ lệ này tại quận 5 chiếm 98%, quận Tân Bình (97%), TP Thủ Đức (96%), quận Tân Bình (97%), quận Tân Phú (94%), quận Bình Tân (87%), quận Phú Nhuận (85%)...

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm toàn TP trong thời gian thực hiện biện pháp tăng cường giãn cách xã hội từ 0h ngày 23/8. Số lượng F0 dự báo sẽ tăng cho thời gian tới, người dân cần hết sức bình tĩnh vì điều này nằm trong kịch bản ứng phó của ngành y tế.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Hướng dẫn người dân tự lấy mẫu để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm

Ngày 26/8, đi kiểm tra nhiều cơ sở cách ly, khu dân cư, trạm y tế lưu động tại quận 6 và quận Bình Tân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TP.HCM phải có văn bản chỉ đạo, quán triệt đến tất cả quận, huyện, TP Thủ Đức về tổ chức hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm, để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, giảm tối đa nguy cơ lấy nhiễm chéo, tối ưu hóa nhân lực lấy mẫu để chi viện cho các khu cách ly, cơ sở điều trị.

Liên quan đến tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mới đạt 56%, Phó Thủ tướng yêu cầu quận Bình Tân phải vận dụng mọi giải pháp, nhất là phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn, để vận động người dân, công nhân tiêm vaccine Covid-19, phấn đấu tiêm hết cho cơ bản 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế.

"Chúng ta cố gắng tiêm hết để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất mới có thể từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở bên trong TP, còn bên ngoài chúng ta vẫn kiểm soát chặt người ra, vào, không để dịch lây lan ra các địa phương khác", Phó Thủ tướng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.