Giáo dục

Đề thi môn Ngữ Văn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ thế nào?

07/07/2021, 08:10

Đề thi môn Ngữ Văn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ thế nào là câu hỏi mà rất nhiều thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2021 băn khoăn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2021 sẽ diễn ra trong 2 ngày 7-8/7. Ngữ văn là môn thi đầu tiên, cũng là môn thi tự luận duy nhất trong các môn thi. Thí sinh sẽ làm bài thi môn Ngữ văn trong thời gian 120 phút.

Đề cương môn Văn thi tốt nghiệp THPT 2021

Đề thi minh họa môn Ngữ văn THPT Quốc gia 2021.

>> Đề thi tốt nghiệp TPHT môn Ngữ Văn 2021

Theo đề thi tham khảo Bộ GD&ĐT công bố trước đó, đề thi môn Ngữ Văn có cấu trúc giữ nguyên so với các kì thi THPT Quốc gia các năm trước, cả về thời gian lẫn hình thức làm bài thi.

Cụ thể, đề thi có 2 phần là Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm). Trong đó, phần nhiều điểm nhất là Nghị luận Văn học với 5 điểm.

Trong phần Đọc Hiểu: Thí sinh sẽ được cho đoạn văn/đoạn thơ cùng 4 câu hỏi được sắp xếp theo cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

Đối với phần Làm Văn: Thí sinh sẽ có 2 câu hỏi. Câu đầu tiên sẽ thuộc về phần Nghị luận Xã hội chiếm 2 điểm. Nội dung là nêu suy nghĩ cá nhân về một hiện tượng trong xã hội, hoặc vấn đề nổi bật đã được chỉ ra ở phần Đọc Hiểu. Câu 2 chiếm điểm nhiều nhất với 5 điểm. Câu hỏi yêu cầu nêu cảm nhận về một đoạn văn/đoạn thơ.

Kiến thức và các văn bản đều nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu ở lớp 12.

Không nên chỉ ôn tập một số vấn đề thời sự

Trả lời VnExpress, thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ văn trường THCS - THPT Hoa Lư, TP HCM cho biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và 2021, nhiều học sinh dự đoán một số dạng đề liên quan đến Covid-19, tình người trong đại dịch, ý thức tự lập... Nhưng thực tế ngữ liệu đọc hiểu rất đa dạng, câu nghị luận xã hội được tích hợp từ văn bản đọc hiểu nên không có chuyện đề thi chỉ giới hạn một số phạm vi. Nhìn chung, học sinh cần có kỹ năng làm bài, xử lý yêu cầu của đề thi, không nên chăm chăm một số vấn đề thời sự là xong.

Câu nghị luận văn học chiếm điểm số cao nhất trong bài thi - 5 điểm. Học sinh cần hệ thống các tác phẩm văn học theo chủ đề: Thơ và văn xuôi. Một số tác phẩm quan trọng với chủ đề thơ ca kháng chiến chống pháp: Tây Tiến (Quang Dũng), Việt Bắc (Tố Hữu); thơ ca thời chống Mỹ cứu nước: Sóng (Xuân Quỳnh), Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm).

Chủ đề văn xuôi có truyện ngắn: Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài); Vợ nhặt (Kim Lân); Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành); Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu). Các tác phẩm ký gồm: Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân); kịch: Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ).

Một số kiến thức học sinh cần nắm chắc: Tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, chủ đề, phong cách nghệ thuật của tác giả, nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, vai trò vị trí của tác giả đối với nền văn học Việt Nam. Ngoài ra, học sinh cần nắm vững giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, tình huống truyện với các tác phẩm truyện.

Đưa ra những dẫn chứng cụ thể

Trong khi đó, trả lời báo Lao Động, cô Trần Thị Thanh Xuân - Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Hà Thành (Hà Nội) cho rằng các thí sinh cần lưu ý một số điểm. Cụ thể, đối với phần Đọc hiểu cần ôn tập, ghi nhớ chắc chắn các đơn vị kiến thức cơ bản, gồm: Các thao tác lập luận, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, các biện pháp tu từ và tác dụng,...; luyện đề thường xuyên để rèn độ nhạy, tăng khả năng phân tích và nắm bắt vấn đề từ văn bản đọc hiểu; xây dựng thói quen gạch chân các từ khóa, các câu lệnh trong đề để trả lời chính xác, trọng tâm và không sót ý. Học sinh lưu ý đọc kĩ đề trước khi làm để phân bổ thời gian, công sức làm bài hợp lí.

Đối với phần nghị luận xã hội, các thí sinh cần nắm chắc các dạng đề và cách làm tương ứng. Thí sinh cũng cần dành thời gian rèn luyện, làm đề và nhờ giáo viên chấm và chỉ ra lỗi sai để rút kinh nghiệm khi làm bài thi.

Ngoài ra, các thí sinh cũng cần xây dựng vốn hiểu biết xã hội phong phú, sâu rộng, cập nhật tin tức mang tính thời sự qua việc thường xuyên đọc báo, xem ti vi, nghe thời sự... Từ đó, đưa ra những dẫn chứng cụ thể và liên hệ thiết thực với bản thân.

Các giáo viên cũng lưu ý thí sinh cần chia thời gian làm bài cho từng phần để tránh thiếu hay thừa thời gian. Học sinh nên căn thời gian làm phần đọc hiểu 30 phút, nghị luận xã hội 30 phút, 50 phút làm bài thi nghị luận văn học và 10 phút còn lại để rà soát, đọc toàn bộ bài thi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.