Xã hội

ĐBQH đề xuất sớm xây dựng, nâng cấp đường sắt kết nối với Trung Quốc

06/01/2023, 10:37

Thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia, các ĐBQH cho rằng, cần phải quan tâm hệ thống đường sắt, nhất là đường sắt kết nối với Trung Quốc.

Không chỉ kết nối với Trung Quốc mà còn kết nối Trung Đông và Châu Âu

Sáng nay (6/1), tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

img

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang)

Phát biểu tại tổ, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) đặc biệt quan tâm đến việc xác định định hướng về phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật quốc gia, đặc biệt là giao thông.

Ông Tuấn cho rằng, thực tế ở nước ta và các nước khác trên thế giới nếu phát triển tốt hạ tầng giao thông thì sẽ thuận lợi cho phát triển kinh tế. Trong thời gian qua chúng ta cũng đặc biệt quan tâm đến hạ tầng giao thông nhất là giao thông đường bộ có sự thay đổi rõ nét.

“Tuy nhiên, giao thông đường biển và đường sắt còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Thực tế cho thấy giao thông đường sắt sẽ làm giảm chi phí logistics”, ông Tuấn nói.

Đại biểu đến từ đoàn Bắc Giang cho biết, chúng ta đã từng bàn về phát triển giao thông đường sắt nhưng đến nay hết sức chậm chạp.

“Tôi rất đồng tình với mục tiêu quy hoạch đặc ra là đến năm 2030 tỷ lệ chi phí logistic trong GDP tương đương với các nước dẫn đầu Asean, và đến năm 2050 tương đường với các nước trên thế giới. Đây là mục tiêu thể hiện quyết tâm rất cao, muốn đạt được mục tiêu này thì cần phải hoàn thiện đồng bộ các hạ tầng về giao thông, đặc biệt là giao thông đường sắt”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, trong quy hoạch xác định chưa rõ, xác định chủ yêu là hệ thống đường sắt nội địa, còn hệ thống đường sắt liên kết quốc tế chỉ nêu có mấy dòng.

“Thứ nhất là xây dựng đường sắt kết nối với Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị và Lào cao, với Lào, với Campuchia… xác định như thế này thì chưa rõ”, ông Tuấn nói.

Hiện nay nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế mở, giá trị kim ngạch xuất khẩu rất lớn. Nếu chúng ta chủ động làm tốt hạ tầng giao thông thì sẽ giảm chi phí logistic.

“Tôi đề nghị từ này đến năm 2030 phải ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt với Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị. Bởi vì cửa khẩu Hữu Nghị rất quan trọng, hiện nay giá trị kim ngạch xuất khẩu tại cửa khẩu này rất lớn. Nếu nâng cấp xây dựng và nâng cấp tuyến đường sắt này không những nâng cao việc xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc mà chúng ta còn có thể kết nối được với các nước Trung Đông, Châu Âu”, ông Tuấn nói.

Ông Trần Văn Tuấn cũng cho rằng, hiện nay chi phí logistic còn cao, việc xuất khẩu sang Trung Đông và Châu Âu vẫn chủ yếu là đường hàng không và đường biển, đường sắt gần như là khó khăn.

“Nếu tập trung xây dựng sớm tuyến đường sắt Hà Nội – Hữu Nghị để kết nối với Trung Quốc thì sẽ quyết được vấn đề này”, đại biểu Tuấn nhìn nhận.

Cần xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Phát biểu tại tổ, đại biểu Dương Văn Thái (Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang) cho biết, kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Trung Quốc đặt biệt quan tâm đến hạ tầng giao thông.

img

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Thái (Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang)

“Trung Quốc hiện nay là quốc gia phát triển hạ tầng giao thông đường sắt hàng đầu thế giới. Tôi cho rằng chúng ta cũng cần quan tâm đến hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường thủy và đường sắt”, ông Thái nói.

Ông Thái cho biết, trong đồ án quy hoạch đang tập trung 2 hành lang kinh tế và định hướng 6 hành lang. Nhưng hành lang kinh tế Nam Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng thì chưa được đề cập rõ nét trong quy hoạch này.

Hiện nay phần lớn nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc là đi qua cửa khẩu Hữu Nghị chính vì thế cần quan tâm đến quy hoạch đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng. Nếu làm đường tuyến đường sắt này và phát triển logistic thì chúng ta tiếp cận với Trung Quốc, Châu Âu và Trung Á là rất gần.

“Nếu có đường đường sắt sang Châu Âu thì sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển một nửa so với đường biển. Đặc biệt sẽ giảm tải cho vận tải đường bộ. Hiện nay, khổ đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng là 1,45m, đồng bộ với đường sắt với Trung Quốc, chỉ cần quy hoạch để nâng cấp, cải tạo. Nếu làm tốt được điều này thì cũng tránh được hiện tượng ùn tắc nông sản trong thời gian vừa qua”, ông Thái nói.

Đại biểu Dương Văn Thái cũng đề nghị Chính phủ ưu tiên nguồn lực để đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

“Tôi cho rằng, nếu làm được tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam thì sẽ giảm tải được giao thông đường bộ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, ông Thái đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.