• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Phát triển - Kết nối

Đánh thức tiềm năng, lợi thế hạ tầng giao thông miền núi

06/08/2021, 14:59

Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực sự đổi thay...

Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông miền núi

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, xuất phát điểm kết cấu hạ tầng giao thông so với mặt bằng chung cả nước thấp, điều kiện tự nhiên phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao, nên việc phát triển giao thông vận tải miền núi những năm qua gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Cao tốc Hà Nội - Lào Cai hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều năm nhưng thiếu hệ thống kết nối với các địa phương đi qua - Ảnh minh họa

Theo ông Điệp, sau 10 năm thực hiện, GTNT nói chung và giao thông miền núi nói riêng phát triển nhanh chóng, nhiều công trình được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp.

Hiện cả nước đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và bảo trì hơn 345.000 km đường GTNT, xây dựng mới, sửa chữa hơn 31.000 cầu. Kết quả này giúp giảm sâu số xã chưa có đường đến trung tâm, tăng tỷ lệ cứng hóa mặt đường từ 270.000 km năm 2010 lên hơn 371.000 km năm 2020.

Thời gian qua, hệ thống quốc lộ, đường cao tốc kết nối miền núi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc được đặc biệt ưu tiên đầu tư phát triển như: vùng Tây Bắc, vùng Tây Nguyên, vùng Tây Nam Bộ.

Để gỡ khó cảnh “đò ngang trắc trở”, đề án xây dựng 186 cầu dân sinh trên phạm vi các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên nhằm bảo đảm ATGT cho các vùng có đồng bào dân tộc ít người và dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) trên địa bàn 50 tỉnh, thành phố có vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã được thực hiện. Đến nay đã xây dựng mới được gần 2.500 cây cầu dân sinh cho người dân vùng núi.

Đơn cử, tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai kết nối khu vực Tây Bắc với Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên kết nối, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên kết nối Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi cho các tỉnh Tây Nguyên phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng ưu tiên xây dựng hệ thống quốc lộ qua các khu vực khó khăn như: vùng Tây Bắc có các tuyến QL6, QL279, QL2; vùng Bắc Trung bộ là QL15; vùng Tây Nguyên là QL14, QL14C; vùng Nam bộ là QL91, QL50.

"Trước đây, do giao thông đi lại rất khó khăn, nhiều xã, bản gần như bị cô lập, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao. Kết quả phát triển giao thông góp phần quan trọng nâng cao thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn, vùng miền núi từ 9 triệu đồng năm 2008 tăng lên hơn 30 triệu đồng năm 2017", ông Điệp cho hay.

Về vận tải, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, vận tải khu vực miền núi những năm qua có bước phát triển rõ nét, ngày càng thuận lợi hơn. Chi phí logistics được cải thiện với nhiều giải pháp như kết nối giao thông thủy, bộ và các phương tiện khác.

"Hiện cả nước có 518 bến xe khách tăng 133 bến so với năm 2010. Bên cạnh đó, có hơn 3.200 xã có điểm dừng đỗ đón trả xe khách, xe buýt tại trung tâm xã, tăng hơn 1.500 điểm so với năm 2020. Có hơn 1.600 bến bãi phục vụ tập kết hàng hóa sản xuất nông nghiệp, tăng hơn 1.200 bến. Hiện cũng có 346 cơ sở dịch vụ logistics phục vụ vận tải ở các khu vực nông thôn, tăng hơn 200 cơ sở so với năm 2010", ông Thủy cho biết.

Hơn 2.500 cầu dân sinh đã được xây dựng giúp bà con nhân dân ở vùng miền núi, vùng đồng bảo dân tộc thoát cảnh bị chia cắt mùa mưa lũ, phát triển kinh tế - xã hội

Ưu tiên làm đường cao tốc, quốc lộ kết nối

Đề cập đến các giải pháp phát triển hệ thống GTNT, nhất là đối với vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Lê Hồng Điệp cho hay, trên cơ sở chiến lược, quy hoạch GTVT, để phát triển giao thông khu vực này, Tổng cục Đường bộ VN xác định đa dạng hóa mọi nguồn lực; sử dụng hợp lý ngân sách thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất hoặc cho thuê đất và lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Bên cạnh đó, phát động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ chung sức xây dựng giao thông nông thôn bằng nhiều hình thức khác nhau.

“Cùng đó là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm phát triển giao thông nông thôn miền núi, tranh thủ sự hỗ trợ về vốn, về các tiến bộ khoa học công nghệ trong đầu tư xây dựng, quản lý bảo trì và vận hành khai thác hệ thống giao thông nông thôn. Tận dụng tối đa các nguồn nguyên vật liệu tại chỗ, công nghệ thi công đơn giản, dễ thực hiện để người dân tự quản lý, thi công có sự hướng dẫn về kỹ thuật”, ông Điệp cho hay.

Giai đoạn 2021-2025 phấn đấu có trên 85% số xã đạt tiêu chí chuẩn về GTNT. Hoàn thành việc xây dựng đường ô tô từ huyện đến trung tâm 13 xã còn lại. Nâng tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt trên 90%, các loại đường GTNT. Phát triển các loại hình và dịch vụ vận tải, phấn đấu mỗi huyện xây dựng 1 bến xe khách.

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn để hoàn thành các mục tiêu cần hơn 383.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm cần hơn 76.000 tỷ đồng.

Nói về phát triển đường cao tốc, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, quy hoạch mạng lưới đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ đã đưa ra cơ chế, chính sách, giải pháp về nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường cao tốc. Trong đó, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, kết nối mạng giao thông khu vực các tỉnh miền núi với các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng.

Cụ thể, đến năm 2030 khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng sẽ xây dựng 14 tuyến cao tốc với chiều dài khoảng hơn 2.300 km. như các tuyến Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, Bắc Kạn - Cao Bằng, tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Bảo Hà - Lai Châu, Tuyên Quang - Hà Giang.

Khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên sẽ xây dựng 10 tuyến với chiều dài hơn 1.400 km như: Cửa Lò - cửa khẩu Thanh Thủy, Vũng Áng - Cha Lo, Ngọc Hồi - cửa khẩu Bờ Y, Pleiku - Lệ Thanh, Túy Loan - Ngọc Hồi, Liên Khương - Buôn Ma Thuột.

Khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng 10 tuyến với chiều dài hơn 1.200 km. Một số tuyến cao tốc bổ sung là Gò Dầu đi cửa khẩu Xa Mát, Chơn Thành đi cửa khẩu Hao Lư, Trà Vinh - Hồng Ngự.

Hệ thống quốc lộ cũng được đầu tư phát triển theo trục Bắc - Nam với tổng chiều dài gần 30.000 km thay vì 24.000 km hiện nay. Các tuyến quốc lộ khu vực Trung du miền núi phía Bắc; miền Trung, Tây Nguyên và khu vực phía Nam sẽ được chuẩn hóa với quy mô 2 - 6 làn xe.

PGS. TS Nguyễn Quang Toản, Đại học GTVT Hà Nội cho hay, địa bàn các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi rất rộng, mật độ dân cư thưa thớt và phân bố rải rác. Do đó rất khó khăn trong việc đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông. Nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã miền núi rất lớn, trong khi nguồn lực hạn chế, chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Việc huy động đóng góp từ nhân dân rất nhỏ hẹp, do người dân còn nghèo.

"Do vậy, cần tích cực huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ các thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau. Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu phát triển những công trình có tính đột phá tạo điều kiện liên kết vùng.

Cùng đó, cần tăng cường huy động nguồn lực đất đai để phát triển hạ tầng giao thông thông qua khai thác quỹ đất; cho thuê quyền khai thác và chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó cần có chính sách đặc thù để phát triển hạ tầng giao thông miền núi", ông Toản nói.

Cũng theo ông Lê Hồng Điệp, cả nước hiện còn 13 xã chưa có đường ô tô đi đến trụ sở UBND xã; hơn 100 xã tuy có đường ô tô đến trung tâm nhưng không đi lại được 4 mùa. Hiện vẫn còn trên 60% số xã đường giao thông đến trung tâm là đường đất, chưa được cứng hóa, đi lại vào mùa mưa còn khó khăn.

"Nguyên nhân do phần lớn tại các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, địa hình khó khăn, nguồn lực đầu tư cho giao thông chưa đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, khu vực miền núi phía Bắc đang thiếu hệ thống đường kết nối giữa các địa phương với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên. Vì vậy, chưa phát huy hết được các tiềm năng lợi thế của vùng", ông Điệp cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.