Xã hội

Đại hội Đảng XIII có những quyết sách, định hướng lớn thúc đẩy phát triển

12/02/2021, 09:02

2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII, với những quyết sách, định hướng lớn về kinh tế cũng sẽ tạo những bứt phá về tăng trưởng.

img

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Điểm sáng trong bức tranh khó khăn chung

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tin tưởng, trong năm 2021, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Đây cũng là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII, với những quyết sách, định hướng lớn về kinh tế cũng sẽ tạo những bứt phá về tăng trưởng.

Năm Canh Tý (2020) vừa qua đi và để lại cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thực hiện thành công mục tiêu kép – phát triển kinh tế và kiểm soát tốt dịch Covid-19. Theo ông, điều mấu chốt nào giúp chúng ta đạt được kết quả này?

Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong bức tranh khó khăn vì Covid-19 của nền kinh tế thế giới năm 2020. Minh chứng là tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 của Việt Nam tăng 2,91% so với năm trước, thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Có được kết quả trên, có thể nói, là do chúng ta có một nền tảng chính trị bền vững. Từ nền tảng đó, Việt Nam là một điển hình khống chế dịch Covid-19 của thế giới và đạt mức tăng trưởng dương (2,91%). Quan trọng hơn, chúng ta đã duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát dưới ngưỡng 4%.

Công tác phòng chống dịch Covid-19 của chúng đạt được những thành công lớn. Điều này đã được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao. Vị thế của đất nước chúng ta ngày càng nâng cao. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói "đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".

Với tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới cũng như trong nước, ông dự báo về triển vọng kinh tế năm 2021 của Việt Nam như thế nào?

Trong năm 2021, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Dự báo này dựa trên giả định rằng khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát, khi vaccine Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả, kết quả quản lý một số rủi ro có thể phát sinh ở các mặt tài khóa, tài chính và xã hội.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), ngành nông nghiệp dự kiến sẽ phục hồi sau tác động của dịch cúm lợn gây ảnh hưởng trong quý I/2020 và những thiệt hại trong mùa bão năm 2020. Ngành dịch vụ tiếp tục khôi phục nhờ gỡ bỏ hầu hết các biện pháp giãn cách xã hội theo dự báo và nhờ sức cầu tăng lên ở tầng lớp trung lưu trong nước. Các biện pháp cấm du khách nước ngoài sẽ từng bước được gỡ bỏ và ngành du lịch sẽ từng bước phục hồi.

Cùng với đó, năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII, với những quyết sách, định hướng lớn về kinh tế cũng sẽ tạo những bứt phá về tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo trong tương lai.

Việt Nam cũng có ổn định về mặt chính trị, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Sau dịch bệnh vừa qua, Việt Nam có vị thế rất cao trên trường quốc tế. Điều đó tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư trong nước cũng như thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Vấn đề thứ ba là ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách tài khoá linh hoạt cũng là thời cơ để huy động nguồn lực phát triển kinh tế xã hội.

Tạo dư địa phát triển

Bên cạnh những thuận lợi đó, chúng ta cần dự báo trước những khó khăn gặp phải như thế nào, thưa ông?

Đó là, việc phục hồi kinh tế thế giới không thể nhanh chóng được bởi ảnh hưởng sâu của dịch bệnh trong năm 2020. Với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, muốn phát triển được cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu, hàng hoá, cán cân thương mại giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới.

Vấn đề thứ hai, chúng ta đã phát triển tốt những lợi thế thời gian vừa qua nhưng khi kinh tế thế giới phục hồi thì cũng có những cạnh tranh với hàng hoá của nước ta, như vậy lợi thế về một số mặt hàng sẽ giảm dần. Đó cũng là một thách thức trở lại với Việt Nam.

Vấn đề thứ ba có ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế đó là năng suất lao động của ta vẫn còn thấp. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số, sức cạnh tranh không mạnh. Nguồn nhân lực so với thế giới chúng ta có nhiều nhưng chưa có chuyên và tinh.

Còn vấn đề tháo gỡ những rào cản đối với nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện thể chế để tạo dư địa cho tăng trưởng, thì theo ông, chúng ta cần phải lưu ý trong năm 2021?

Cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những rào cản trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng là những vấn đề được lãnh đạo Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh. Và nếu chúng ta thực hiện tốt việc này sẽ tạo được nhiều dư địa trong phát triển kinh tế của năm 2021.

Từ năm 2021 có nhiều luật gốc ảnh hưởng tác động tới kinh tế - xã hội như Bộ luật Lao động, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Xây dựng… Đây là những luật nền tảng cho vấn đề phát triển kinh tế xã hội đã được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực ngay từ đầu năm 2021.

Tuy nhiên, có một đạo luật rất quan trọng đó là Luật Đất đai hiện nay còn nhiều tồn tại vướng mắc. Do đó ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ này cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.