Tin từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, năm 2024, Trung tâm đã trực tiếp chỉ huy, điều hành các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn và chủ trì, tham gia, phối hợp với các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn liên quan thực hiện tốt công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
Từ ngày 15/12/2023-15/12/2024, tổng số thông tin báo nạn thu nhận được là 314 vụ việc với 280 vụ báo nạn thật, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trung tâm đã tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn 253 vụ.
Trong 280 vụ báo nạn thật, số vụ tai nạn liên quan tới tàu cá chiếm phần lớn với 205 vụ (chiếm 73,2%), 43 vụ liên quan đến tàu vận tải trên biển (9 tàu biển treo cờ Việt Nam, 9 tàu biển treo cờ nước ngoài, 25 tàu SB), chiếm 15,4% và 32 vụ việc khác.
Kết quả, đã có 1118 người được cứu và hỗ trợ, trong đó có 1023 người Việt Nam, 95 người nước ngoài. Lực lượng cứu nạn cũng cứu và hỗ trợ là 67 tàu (64 tàu Việt Nam, 3 tàu nước ngoài).
Dù vậy, vẫn có 167 người chết và mất tích (26 người thuộc tàu vận tải trên biển: 10 người trên tàu biển treo cờ Việt Nam, 7 người trên tàu biển treo cờ nước ngoài, 9 người trên tàu SB; 129 người trên tàu cá; 12 người thuộc loại phương tiện khác). Trong đó, có 12 người nước ngoài. Ngoài ra, có 65 phương tiện bị chìm.
Đặc biệt, liên quan tới việc tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trung tâm đã phối hợp với lực lượng chức năng xử lý 41 vụ việc, cứu và hỗ trợ cho 225 người (224 Việt Nam và 1 người nước ngoài), hỗ trợ 15 phương tiện Việt Nam.
Một trong những vụ việc tìm kiếm cứu nạn điển hình trong năm qua phải kể đến từ ngày 29-31/1, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan chức năng cứu nạn thành công 12 thuyền viên và điều động tàu SAR 413 hoạt động tìm kiếm 3 thuyền viên còn lại (đang mất tích) của tàu hàng Samudra Indah II.
Tàu có trọng tải 2073 tấn, bị chìm tại vị trí cách Tây Nam Vũng Tàu 90 hải lý, Tây Bắc Côn Đảo 11 hải lý khi tàu hàng này đang chở 1518 tấn gạo (trong container) từ cảng Mỹ Thới, An Giang (Việt Nam) đến cảng Pontianak Kalimatan (Indonesia).
Ngày 24/3, Trung tâm Điều động tàu SAR 274 tại Đà Nẵng, phối hợp với lực lượng tại hiện trường cứu nạn thành công 9 thuyền viên trên tàu Giang Anh 18, chở 2.950 tấn xi măng, hành trình từ bến Chinh Phong, Minh Đức, Hải Phòng đến cảng Kỳ Hà, (Quảng Nam) bị đâm vào đá ngầm, nước tràn vào tàu.
Trong bão số 3 (Yagi), ngày 7/9, tàu kéo Hồng Gai thuộc Công ty Cổ phần Cảng Quảng Ninh khi đang neo tránh trú bão tại khu vực Hang Bồ Nâu, trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã bị chìm. Thời điểm gặp nạn, trên tàu có 7 thuyền viên. Tàu SAR 411 đã trực tiếp vớt được 1 thi thể thuyền viên gần vị trí tàu Hồng Gai bị chìm, phối hợp với lực lượng chức năng tìm thấy 6 thi thể trong xác tàu Hồng Gai.
Theo đại diện VMRCC, hiện nay, công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển gặp nhiều khó khăn. Lực lượng, phương tiện còn tương đối mỏng, việc thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế về năng lực và tính chủ động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tại các khu vực biển xa.
Đồng thời, các loại hình thời tiết cực đoan làm gia tăng tai nạn, sự cố trên biển, gây khó khăn cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Các phương tiện hoạt động trên biển còn thiếu trang thiết bị an toàn, thiết bị thông tin liên lạc. Ý thức chấp hành pháp luật, an toàn giao thông trên biển còn yếu, nhất là với phương tiện tàu cá và tàu phân cấp SB.
Ngoài ra, do kinh phí sửa chữa tàu còn hạn chế, các tàu đến hạn đăng kiểm nên công tác bố trí tàu thường trực, chốt chặn trong mùa mưa bão 2024 gặp nhiều khó khăn.
Để đảm bảo công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển hiệu quả, năm 2025, Trung tâm tiếp tục duy trì chế độ thường trực tìm kiếm cứu nạn 24/7 từ hệ thống trực chỉ huy, trực ban cứu nạn đến các phương tiện tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo thu nhận và xử lý kịp thời tất cả các vụ việc liên quan đến tai nạn, sự cố hàng hải xảy ra trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam.
Đồng thời, tổ chức kịp thời và có hiệu quả hoạt động ứng cứu các tình huống sự cố, tai nạn xảy ra trên biển, cũng như tăng cường huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ TKCN, rèn luyện sức khỏe thuyền viên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận