• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Gương sáng giao thông

Cựu binh 40 năm vá đường, xây cầu giúp dân

10/09/2022, 06:00

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, hàng ngày ông Chín Song vẫn cần mẫn dặm vá ổ gà, ổ voi trên các tuyến đường nông thôn giúp người dân đi lại an toàn.

Đại tá, cựu chiến binh Võ Chín Song (ngụ xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) năm nay đã 82 tuổi nhưng hàng ngày vẫn miệt mài vá đường, xóa cầu khỉ giúp người dân đi lại thuận tiện.

Bà con trong vùng vẫn quen gọi ông với cái tên thân mật: Ông Chín.

Năm nay đã 82 tuổi nhưng hàng ngày ông Võ Chín Song vẫn miệt mài vá đường, xóa cầu khỉ giúp người dân đi lại thuận tiện

Lưng còng, chân chậm vẫn không nề hà

Hôm chúng tôi đến, ông Chín cùng 5 thành viên trong đội vá đường vẫn đang hì hụi vá những ổ gà, ổ voi trên tuyến đường nông thôn thuộc ấp Trường Khánh, xã Long Thạnh.

“Mấy ngày qua mưa dầm, không đi vá đường được. Mà mùa mưa, đường sá hư hỏng nhiều, nóng ruột lắm! Bữa nay trời nắng, tôi tranh thủ, kéo anh em đi vá đường liền”, ông Chín cho hay.

Giữa trưa nắng như đổ lửa, ông Chín với chiếc nón tai bèo bạc màu sương gió, bộ quần áo cũ sờn, tay thoăn thoắt san lớp nhựa đường phế phẩm, trong khi một người trong đội nhanh tay phun lớp dầu lên trên. Một thanh niên khác dùng máy đầm, dàn đều và nén cho chặt lớp nhựa vừa được tưới dầu.

“Hỗn hợp nhựa đường, dầu hỏa gặp trời nắng to sẽ bết dính lại với nhau, dùng máy đầm nén chặt lại nữa, như vậy là được. Vá bằng cách này, đường lâu hư, không như trước kia, vá bằng xi măng, không được bao lâu lại bong, tróc”, ông Chín vừa nói, vừa quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt.

Theo ông Chín, để có nhựa vá đường, ông lân la đến các công ty cầu đường mua nhựa phế phẩm. Kinh phí mua vật liệu là do ông và các thành viên trong đội cùng đóng góp.

Tuổi 82, lưng có hơi còng, bước chân có chậm nhưng ông làm việc luôn chân luôn tay, hết trải xong lớp nhựa lại đến phun dầu hỏa. Chưa đầy một giờ đồng hồ, đoạn đường bong tróc, hư hỏng đã được ông Chín và mọi người lấp đầy.

Tranh thủ lúc đội nghỉ, ông kể, ông sinh ra và lớn lên ở vùng quê sen hồng Đồng Tháp. Năm 1960, ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương. Hòa bình lập lại, ông chuyển về Phòng Biên phòng, Quân khu 9 công tác. Cho đến đến năm 1979, ông nghỉ hưu và chọn quê vợ - vùng đất Hậu Giang làm nơi an cư. Dù nghỉ hưu nhưng đến nay, ông vẫn hăng hái tham gia vào công tác ở địa phương và làm thiện nguyện.

Vá đường không công

Ông Võ Chín Song cùng các thành viên trong tổ dặm vá đường mỗi khi phát hiện hư hỏng, giúp người dân đi lại an toàn

Hơn 40 năm trước, ngày ông mới về mảnh đất Hậu Giang, nhiều đoạn đường ở quê bị hư hỏng, bà con đi lại khó khăn, nhiều vụ va chạm, tai nạn xảy ra.

Không đành lòng nhìn cảnh đó, ông Chín tự bỏ lương hưu mua xi măng, cát, đá về để dặm vá những chỗ hư hỏng. Dần dà, bạn bè, hàng xóm thấy việc làm của ông có ý nghĩa, nên xin tham cùng ông đi vá đường không công.

Năm 2001, đội vá đường chính thức thành lập, ông Chín làm đội trưởng. Đến nay, đội có trên 20 người, gồm cả thanh niên cho đến những lão nông U60.

“Ông Chín có tuổi mà còn đi làm việc thiện nguyện, vậy là tôi hưởng ứng rồi rủ thêm bạn bè trong xóm đi cùng. Hơn nữa, đây là việc làm rất ý nghĩa, đường sá được sửa chữa, con em đi lại dễ dàng”, ông Trần Ngọc Hải (68 tuổi, ngụ xã Long Thạnh) - thành viên đội vá đường chia sẻ.

Không quản ngại nắng mưa, khó khăn, vất vả, hễ có thời gian rảnh là ông Chín rảo quanh khu vực mình sinh sống, tìm những đoạn đường hư hỏng rồi áng chừng sẽ tốn bao nhiêu nhựa, bao nhiêu dầu để chuẩn bị. Khi đủ vật liệu, người thì chở nhựa phế phẩm, người mang bình xịt dầu, người mang cuốc xẻng… đến nơi cần dặm vá, hì hục như những người thợ chuyên nghiệp.

Không dừng lại ở việc vá đường, ông Chín còn đứng ra vận động, quyên góp rồi cùng các thành viên trong đội trực tiếp thi công xây dựng cầu nông thôn. Tính đến nay, ông Chín và các hội viên đã tu sửa và xây mới hơn 22 cây cầu ở các ấp trong xã Tân Long và Long Thạnh.

Ông còn cùng mọi người tham gia dọn dẹp, phát quang cây cỏ trên các tuyến đường để bà con đi lại an toàn.

Dù không trực tiếp thường xuyên tham gia đội do vướng bận chuyện buôn bán, nhưng hễ thấy mọi người vá đường, phát quang cây cối gần nhà là anh Trần Nam Ninh (ngụ xã Long Thạnh) đều đến tham gia.

“Ông Chín là tấm gương cho chúng tôi noi theo, dù tuổi cao nhưng luôn sẵn lòng giúp đỡ bà con”, anh Ninh nói.

Còn sức là còn làm

Hơn 40 năm qua, dấu chân ông Chín đã in khắp mọi nẻo đường của vùng quê Phụng Hiệp. Ông không nhớ nổi đã vá bao nhiêu km đường. Hễ thấy con đường nào trong huyện xuất hiện ổ voi, ổ gà, nguy cơ TNGT là ông huy động các thành viên trong đội đến để làm không công.

Lúc đầu, nhiều người nghĩ ông được thuê, trả lương để bảo trì đường sá, thậm chí có người khi biết được ông tự bỏ tiền túi ra làm không công nên dè bỉu. Những lúc ấy, ông Chín có buồn nhưng không bận tâm.

“Họ nói đường của Nhà nước, sao ông không để Nhà nước sửa? Lúc đó, tôi cảm thấy rất buồn. Nhưng buồn rồi thôi chứ không để bụng, vì việc của mình làm, mình biết. Đường là của Nhà nước, nhưng mà những ổ gà, ổ voi này nó nhỏ, mình bỏ công sức ra làm, xem như là san sẻ với Nhà nước. Việc này có đáng là bao”, ông Chín nói.

Tôi hỏi vui, đến khi nào thì ông mới chính thức “nghỉ hưu”, ông Chín cười: “Khi nào không còn sức, làm hết nổi nữa thì tới lúc đó, tôi ở nhà.

Tôi ăn uống điều độ, giữ gìn sức khỏe lắm nên chắc còn làm thêm được vài năm nữa! Tôi tâm niệm còn sức khỏe là còn lao động, bởi mong muốn lớn nhất của tôi là mang lại sự bình yên trên những cung đường cho người tham gia giao thông”.

Những năm qua, con cái đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định, ông Chín không còn vướng bận nên ông dành nhiều thời gian hơn cho công việc thiện nguyện. Vợ ông, bà Huỳnh Thị Đen và các con cháu trong gia đình luôn hết lòng ủng hộ việc làm của ông.

“Ổng còn khỏe thì ổng đi làm. Chồng mình làm việc có ích cho xã hội, có gì mà ngăn cản”, bà Đen nói.

Ông Nguyễn Thanh Sáng, Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp cho biết, nhiều năm qua, ông Chín hăng hái tham gia các công tác của địa phương, đặc biệt là các công việc vá đường, xây cầu thiện nguyện. Đội của ông được người dân hoan nghênh và hăng hái tham gia.

“Ông Chín tham gia làm công tác xã hội rất tốt. Ông còn là đầu tàu gương mẫu, nên rất có tiếng nói đối với người dân địa phương. Ở đây ai cũng đều yêu mến ông Chín, cảm phục những việc làm ý nghĩa của ông”, vị Chủ tịch xã nói và cho biết, với những cống hiến thầm lặng nhiều năm qua, ông Chín liên tục được nhận bằng khen về gương điển hình trong công tác của địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.