• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
An toàn giao thông

Cuối năm, xe ba bánh “lộng hành” trên phố

29/12/2017, 07:52

Những ngày cuối năm 2017, xe ba bánh tự chế chở hàng cồng kềnh vẫn nhan nhản trên đường

9

Xe ba gác chở tôn cồng kềnh tông 2 xe máy tại vòng xoay ngã sáu Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) khiến 2 người bị tôn cứa vào tay phải cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Chụp tháng 5/2017)

Càng về cuối năm, xe ba bánh tự chế càng được dịp nở rộ và ngang nhiên chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự ATGT trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội, mặc cho thành phố đã ban hành lộ trình cụ thể để thu hồi.

Xe ba bánh “đua nhau” chở hàng cồng kềnh

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, những ngày cuối năm 2017, xe ba bánh tự chế chở hàng cồng kềnh vẫn nhan nhản trên đường, thậm chí còn nhiều hơn trước, mặc cho Hà Nội đã ban hành lộ trình đến tháng 6/2018 sẽ thu hồi toàn bộ.

Sáng 25/12, trực tiếp có mặt trên đường Lê Văn Lương, hình ảnh đập vào mắt PV là cả dàn xe ba bánh lên đến gần chục chiếc tập kết trên vỉa hè tại số 34 Tố Hữu. Cách đó không xa, một xe ba bánh chở những thanh sắt dài lao đi vun vút. Nguy hiểm hơn, làn đường phía trên đang tắc, lái xe liền lao sang làn của buýt nhanh BRT để “tăng tốc”.

Tương tự, trên đường Đê La Thành, PV chứng kiến hàng chục xe ba bánh nối đuôi nhau chuyển hàng. Đường hẹp, những chiếc xe này còn ngông nghênh chở hàng cồng kềnh như bàn ghế, các vật dụng sắt thép dài, chằng buộc rất sơ sài. Những chiếc xe này di chuyển đến đâu, các phương tiện khác phải dạt vào hai bên đường tránh, những thanh sắt dài rung lên bần bật, có thể rơi bất cứ lúc nào.

Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố chỉ có 30 xe ba bánh được đăng ký để phục vụ nhu cầu đi lại của thương binh. Tuy nhiên, thống kê của Công an thành phố, trên địa bàn đang có tới 10 cơ sở sản xuất, 6 cơ sở kinh doanh và 8 cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh xe ba, bốn bánh. Hiện, có hơn 4.360 trường hợp sử dụng xe ba, bốn bánh tự đóng, trong đó có 593 trường hợp thương binh, 88 trường hợp bệnh binh, 99 người khuyết tật, 3.587 trường hợp khác.

Tương tự tại TP HCM, chưa có lộ trình thu hồi, nhưng tình trạng xe ba gác, tự chế vô tư chở sắt thép, tôn cồng kềnh càng lộng hành về cuối năm, tạo nên nỗi khiếp sợ cho người tham gia giao thông. Ghi nhận của PV trong ngày 22/12, loại xe này xuất hiện rất nhiều trên địa bàn các quận ngoại thành như: Q.8, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh.

Khoảng 10h ngày 22/12, một xe ba gác chất đầy cây chống dài khoảng 4m chạy trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh). Tài xế chạy lòng vòng rồi bất ngờ cho xe quay đầu, lúc này nhiều người đi xe máy gần đó vội lao lên vỉa hè để tránh, rất may không ai hề hấn gì. Tương tự, trên tuyến đường Bạch Đằng - Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh), hàng chục chuyến xe chở tôn, vật liệu xây dựng tủa ra các tuyến đường khác như: Đinh Bộ Lĩnh, Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh...

Khoảng 11h, xe ba gác chất đầy rác chạy trên đường Bạch Đằng đến khu vực đèn xanh đèn đỏ giao với đường Phan Đăng Lưu, gặp nhiều người đi xe máy đang dừng đèn đỏ phía trước, người này vội nhảy xuống kéo chiếc xe lại để giảm tốc độ. Sau đó, nó được một xe máy “áp tải” đẩy đi với tốc độ cao từ đường Phan Đăng Lưu hướng về Q.Phú Nhuận. Được người đi xe máy kê chân vào đẩy nên xe ba gác chạy với tốc độ khá cao. Cùng đó, ngay cả trong giờ cao điểm, những chiếc xích lô, xe ba gác chở đầy hàng cồng kềnh vẫn bon bon chạy trên các tuyến đường ở các quận trung tâm như: Điện Biên Phủ (Q.1), Võ Thị Sáu (Q.3), Nguyễn Tri Phương (Q.10).

10

Xe ba bánh ngang nhiên chở hàng cồng kềnh trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) gây mất ATGT

Xử lý vẫn nan giải

Thiếu tá Vũ Mạnh Nam, Đội phó Đội CSGT số 7 Công an TP Hà Nội cho biết, xe ba bánh đi qua trên địa bàn đội xử lý rất quyết liệt. Từ đầu năm đến nay, đội xử lý 127 trường hợp. Đội đã xử lý và trả cho người thuộc chế độ chính sách 23 trường hợp. Còn lại 104 trường hợp vẫn đang ở kho lưu giữ của Công an thành phố.

Theo Thiếu tá Nam, muốn xử lý triệt để xe bánh và thu hồi đúng lộ trình của thành phố, tất cả các sở, ban, ngành phải vào cuộc, không thể mình lực lượng CSGT. Giờ cao điểm buổi sáng, chiều lực lượng CSGT làm nhiệm vụ phải ưu tiên chống ùn tắc là hàng đầu để phân luồng, đảm bảo an toàn cho các phương tiện. Các xe thương binh giả ba, bốn bánh thường lợi dụng khung giờ này để chở hàng.

Để xử lý được một xe ba bánh, lực lượng CSGT mất ít nhất khoảng 3 - 4 giờ đồng hồ mới xác minh được là xe thương binh thật hay giả. Khi bị xử lý, lái xe ba bánh thường gây nhiều áp lực nhằm cản trở, thậm chí chống đối. Nhiều trường hợp, CSGT đưa xe về kho, lái xe còn lên cả trụ sở nằm chờ, gây khó khăn...

Trung tá Lê Anh Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3 cũng cho biết, xử lý xe ba bánh là công việc thường xuyên CSGT phải làm. Từ đầu năm đến nay, đội đã xử lý trên 220 trường hợp. Trong đó, có cả xe thương binh tái phạm. Đáng nói, hơn 2/3 số trường hợp bị xử lý là xe giả danh thương binh.

Trung tá Lê Anh Tú cũng thông tin, rất nhiều lần khi lập biên bản xử lý xe ba bánh, người vi phạm tự ý bỏ lại xe. Nhưng khi lực lượng chức năng vừa đưa xe về đội, lập tức bị các đồng chí thương binh, giả thương binh kéo đến tạo áp lực.

“Thậm chí, có trường hợp cụt cả hai chân, cởi trần, nhờ người khác bế vào ngồi giữa bàn làm việc của Đội CSGT số 3, ngang nhiên hút thuốc rồi quay ra giãy giụa, gây khó cho CSGT”, Trung tá Lê Anh Tú nói.

Trước thực trạng này, Đội trưởng Đội CSGT số 3 kiến nghị, các sở, ban, ngành, địa phương cần khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ từng trường hợp là xe thương binh thật hay xe tự đóng. Đồng thời, vận động thương binh tại địa phương không vi phạm khi tham gia giao thông.

Ngày 28/12, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67 Công an TP HCM) cho biết, trong năm 2017, lực lượng CSGT đã xử phạt 11.881 trường hợp xe mô tô, xe gắn máy 2, 3 bánh chở hàng vượt quá giới hạn quy định, 5.569 trường hợp xe không có đèn, còi, phanh, 66 trường hợp vi phạm điều khiển xe tự sản xuất lắp ráp tham gia giao thông…

Tuy nhiên, thực tế việc hạn chế thời gian lưu thông đối với xe ô tô tải, cộng thêm nhiều tuyến đường, hẻm nhỏ hẹp và nhu cầu chuyên chở ít, vận chuyển trên tuyến đường ngắn nên xe thô sơ 3, 4 bánh vẫn được người dân sử dụng để vận chuyển hàng hóa, vật liệu.

“Trong năm 2018, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, ban quản lý các chợ... mở rộng các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân, cụ thể là người điều khiển xe xe thô sơ, cơ giới 3, 4 bánh chấp hành các quy định pháp luật khi tham gia giao thông, cảnh báo hậu quả nguy hiểm do hành vi vi phạm gây ra nhằm răn đe đối với người điều khiển các loại xe trên. Cùng với đó, tổ chức các chuyên đề, kết hợp TTKS công khai và hóa trang, khoanh vùng các khu vực có lượng xe 3, 4 bánh hoạt động thường xuyên để xử lý nghiêm”, đại diện PC67 Công an TP.HCM cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.