• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Giao thông 24h

Cuối năm lại bùng phát xe chở quá tải

18/12/2019, 06:43

Tình trạng xe quá tải bùng phát tại nhiều địa phương dịp cuối năm với những chiêu trò đối phó tinh vi khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn.

Nhiều tài xế chọn thời điểm đêm tối để chở quá tải, hòng qua mặt lực lượng chức năng (Trong ảnh: Cán bộ chiến sĩ Đội CSGT số 7, Hà Nội kiểm tra tải trọng xe trên đường Lê Trọng Tấn - Thanh Bình, quận Hà Đông). Ảnh: Văn Huế

Thực trạng nhức nhối này không những đe dọa trực tiếp đến kết cấu hạ tầng giao thông mà còn là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT bất cứ lúc nào.

Kỳ 1: Chạy xuyên đêm, đủ chiêu trò đối phó

Những ngày cuối năm, tình trạng xe quá tải hoạt động tại các tuyến đường trong nội đô Hà Nội khá nhức nhối. Đáng chú ý, lái xe thường chọn thời điểm ban đêm để hoạt động hòng qua mặt lực lượng chức năng, khi bị phát hiện thì lại giở đủ chiêu trò đối phó.

Xe quá tải nhộn nhịp về đêm

Tối 5/12, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại ngã tư Phạm Hùng - Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy), chỉ trong một thời gian ngắn có rất nhiều xe tải Howo (hổ vồ) chở vật liệu xây dựng lưu thông. Quan sát của PV, đa phần các phương tiện này không được che phủ bạt cẩn thận, để vật liệu rơi vãi xuống đường.

Khoảng 22h40, Tổ tuần tra kiểm soát giao thông do Đại úy Trần Ngọc Trung, Đội phó phụ trách Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) trực tiếp chỉ huy tổ công tác làm nhiệm vụ tiến hành dừng chiếc xe tải “hổ vồ” BKS 29H-267.82, trên kính xe gắn logo PTH. Thấy CSGT ra hiệu lệnh, tài xế chấp hành cho xe đi chậm lại, nhưng không xuống xuất trình giấy tờ mà ngồi trên cabin gọi điện nhờ “cứu viện”.

Tuần tra khép kín địa bàn để xử lý
Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội thông tin, trước tình hình cuối năm, nhu cầu xây dựng và vận chuyển hàng hóa gia tăng, sẽ kéo theo nhiều xe quá tải hoạt động, Phòng đã có kế hoạch tăng cường công tác tuần tra, huy động lực lượng TTKS cơ động, đảm bảo khép kín địa bàn, đặc biệt là từ khung giờ từ 21h đêm - 7h sáng hôm sau. Từ ngày 28/11 - 15/12/2019, CSGT Hà Nội đã tổng kiểm tra 1.545 trường hợp xe tải, tạm giữ 8 phương tiện, 1.515 bộ giấy tờ các loại, tập trung vào các lỗi như: Dừng đỗ sai quy định 436 trường hợp, chở vật liệu để rơi vãi 141 trường hợp, 12 trường hợp xe chở quá tải...

Tổ công tác tiếp tục ra hiệu lệnh yêu cầu tài xế xuống xuất trình giấy tờ để kiểm tra nhưng tài xế vẫn cố tình chốt cửa cabin. Khi CSGT hướng dẫn cho xe chạy vào vị trí cân trọng tải, tài xế này tắt máy, khóa cửa xe bỏ đi. Bị cán bộ Tổ công tác yêu cầu quay lại, tài xế này tiếp tục nhảy lên cabin rồi nổ máy, chốt cửa và tiếp tục gọi điện thoại “cứu viện”(?!). Một lúc sau, bất ngờ tài xế nhảy xuống xe, khóa cửa xe và bỏ chạy. Chạy được một đoạn dài, tài xế này bị CSGT đuổi kịp, yêu cầu quay lại, nhưng tài xế nhất định không chịu đánh xe vào cân kiểm tra trọng tải.

Sau nhiều giờ thuyết phục, tài xế mới chấp hành đánh xe vào cân. Kết quả kiểm tra, chiếc xe tải “hổ vồ” BKS 29H-267.82 gắn logo PTH vi phạm trên 100% tải trọng. Tài xế xuất trình GPLX mang tên Bùi Văn Phương (SN 1983, ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Tuy nhiên, viện lý do cân không chính xác, người này không chịu ký biên bản xử lý vi phạm.

Lúc này, Tổ công tác cử 1 chiến sĩ CSGT lên ngồi cùng tài xế xe BKS 29H-267.82 trực tiếp vào trạm kiểm tra trọng tải của Công an TP Hà Nội gần đó để cân. Kết quả vẫn như cũ, xe “hổ vồ” BKS 29H-267.82 vi phạm quá tải trên 100%. Lúc này, tài xế Phương mới chịu ký biên bản.

Tương tự, khi Tổ công tác tiến hành kiểm tra 1 ô tô tải “hổ vồ” BKS 29C-610.29 của Công ty CP Đầu tư An Thành do tài xế Lê Cao Kì (SN 1983, ở xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) điều khiển. Sau khi cân tại vị trí Tổ công tác đặt trạm cân, tài xế Kì cho rằng cân thiếu chính xác và không ký biên bản vi phạm. Tổ công tác lại đưa xe đi cân tại trạm cân điện tử Công an TP Hà Nội, kết quả xe tải “hổ vồ” BKS 29C-610.29 vi phạm chở quá tải 123%.

Trước đó, ghi nhận của PV tại đường Lê Trọng Tấn - Thanh Bình thuộc địa bàn quận Hà Đông, Tổ công tác gồm: Thiếu tá Nguyễn Công Hà, Thượng úy Nguyễn Hoàng Anh và Thượng úy Nguyễn Đình Tín thuộc Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) do Thiếu tá Hà làm Tổ trưởng tiến hành dừng, kiểm tra ô tô tải “hổ vồ” BKS 29C-726.59 do tài xế Lê Tuấn Anh (SN 1991, ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) điều khiển. Khi bị tổ công tác kiểm tra, tài xế Tuấn Anh rút điện thoại gọi “cứu viện” một hồi nhưng bất thành. Kết quả, cân tải trọng ô tô tải “hổ vồ” BKS 29C-726.59 vi phạm chở quá tải tới 256,56% trọng tải cho phép.

Tiếp đó, ô tô tải “hổ vồ” BKS 29H-073.12 do tài xế Nguyễn Văn Ký (SN 1979, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) điều khiển cũng bị CSGT yêu cầu dừng kiểm tra. Tại chốt CSGT, tài xế Ký trình bày đủ lý do, đồng thời gọi điện thoại liên tục “cứu viện” nhưng không được. Sau khi thông báo lỗi, Tổ công tác hướng dẫn, yêu cầu tài xế ký vào vị trí kiểm tra trọng tải, kết quả ô tô “hổ vồ” BKS 29H-073.12 quá trọng tải cho phép 210,32%.

Càng đối phó, càng phải xử nghiêm

Cán bộ chiến sĩ Đội CSGT số 6 (Hà Nội) cân tải trọng xe tải BKS 29H-267.82 tại ngã tư Phạm Hùng - Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy,

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại úy Trần Ngọc Trung, Đội phó phụ trách Đội CSGT số 6 cho hay, chỉ trong buổi tối, Tổ TTKS đã tiến hành xử lý 5 ô tô quá tải. Đối với lỗi ô tô chở quá tải trên 100%, tài xế sẽ bị xử phạt từ 7 - 8 triệu đồng, ngoài ra còn áp dụng hình thức xử lý bổ sung tước GPLX từ 2v- 4 tháng; chở quá tải trên 150%, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng, ngoài ra còn áp dụng hình thức xử lý bổ sung tước GPLX từ 3 - 5 tháng theo quy định…

“Địa bàn Đội CSGT số 6 phụ trách là tuyến đường cửa ngõ Thủ đô, hơn nữa vào dịp cuối năm các công trình đang xây dựng trên địa bàn thành phố thường phải đẩy nhanh tiến độ nên dẫn tới tình trạng lái xe tăng chuyến, chở quá tải, gây mất trật tự ATGT”, Đại úy Trung nói và thông tin: Chỉ trong vòng 1 tháng gần đây, lực lượng Đội CSGT số 6 đã lập biên bản xử lý 422 trường hợp xe ô tô tải chở vật liệu xây dựng, trong đó 155 trường hợp đi sai giờ. “Lái xe càng đối phó, chúng tôi càng phải kiên quyết xử lý để răn đe và ngăn chặn tình trạng xe quá tải phá đường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn”, Đại úy Trung nói.

Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội phó phụ trách Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho hay, thực tế quá trình CSGT dừng xe kiểm tra, yêu cầu cân kiểm tra trọng tải, hầu hết tài xế đều tìm đủ các lý do, quanh co và nói giấy tờ do chủ xe cầm hết nên rất mất thời gian khi lập biên bản. Một số người thì bỏ đi, gọi điện thoại “cầu cứu” các mối quan hệ để can thiệp nhưng đều không được chấp thuận. “Nếu không xử nghiêm, những xe này sẽ là mối hiểm họa rất lớn, không những tàn phá đường mà còn dễ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào”, Trung tá Thắng cho hay.

Xử phạt hơn 16 tỷ đồng, tước 500 GPLX

Theo Tổng cục Đường bộ VN, trong tháng 11 có khoảng 40 địa phương tiếp tục duy trì hoạt động trạm cân lưu động, sử dụng cân xách tay để kiểm soát xe quá tải.

Trong tháng 11, lực lượng chức năng sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra trên 15.000 xe, trong đó có trên 1.500 xe vi phạm, tước 500 GPLX, xử phạt trên 16 tỷ đồng.

Tuy nhiên, xe quá tải đã bùng phát trở lại, lưu thông trên các quốc lộ và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa. Điển hình như trên tuyến đường 302B (Vĩnh Phúc); ĐT.392B, QL37 (Hải Dương); xe sử dụng vỏ container chở 60 - 70 tấn hàng, gắn hệ thống tự đổ trên sơ-mi rơ-moóc lưu thông từ Quảng Ninh đi Hải Dương, Hải Phòng; xe chở quặng quá trên QL279, QL70 (Lào Cai); xe chở đá, clinker, xi măng quá tải lưu thông trên tuyến đường trục xã của Ninh Bình, Hà Nam; xe tải cơi nới kích thước thành thùng, chở đá quá tải lưu thông trên ĐT326, ĐT337, QL279 (Quảng Ninh)...

Xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn đường bộ, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành xe, chở hàng với kích thước, khối lượng không đúng với nội dung trong giấy phép vẫn được xếp hàng, chở hàng ra khỏi cảng, đặc biệt là một số cảng tại TP HCM như cảng Cát Lái, Lotus...

Trần Duy

Xe quá tải nối đuôi nhau về Thủ đô

Bụi bẩn, ô nhiễm dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện Lương Sơn, Hòa Bình do xe quá tải. Ảnh Minh Chuyên

Trong hai ngày 9 và 10/12, PV Báo Giao thông có mặt trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Lương Sơn (Hòa Bình) ghi nhận hàng loạt chiếc xe tải cơi nới thành thùng, chở hàng “có ngọn” nối đuôi nhau chạy trên đường. Những chiếc xe tải này chủ yếu chở đất, đá từ các mỏ ở trên địa bàn huyện Lương Sơn đi về Thủ đô Hà Nội.

Tại tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua thôn Quán Trắng, xã Thành Lập, huyện Lương Sơn, chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, PV đã bắt gặp hàng chục lượt xe tải chở đầy ắp đất đá, cát sỏi tự do qua lại. Thậm chí, nhiều xe không phủ bạt chắn khiến đất đá rơi vãi ra đường gây ô nhiễm môi trường và mất ATGT. Do lưu lượng phương tiện lớn nên khu vực này luôn tràn ngập khói bụi.

Chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ, hàng chục chiếc xe có dấu hiệu cơi nới, chở quá khổ, quá tải lưu thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Cụ thể những xe BKS như: 29C-966.29; 29C-775.15; 29C-010.28; 29C-791.11; 28C-043.33; 36C-099.15; 29C-857.72; 29C-475.58; 29C-356.42( CP Ba Vì); 29C-302.64; 90C-706.74; 29H-212.62; 29H-210.97; 29C-607.99; 29H-151.02 (Mỏ 7); 29C-786,44; 29H-213,55; 29H-211,64; 29C-620,02; 29H-461,73; 29C-383,62; 34C-160,12… Những chiếc xe trên hầu hết mang những logo như: Hoàng Minh, CP Ba Vì), Mỏ 7, PTH, Việt Hưng…

Theo ghi nhận, dọc đường mòn Hồ Chí Minh từ Km437 - Km )458 đoạn qua huyện Lương Sơn có 2 mỏ đất và hàng chục mỏ đá ngày đêm hoạt động để phục vụ nhu cầu vật liệu cho địa phương và các tỉnh lân cận. Thực tế, những mỏ đá trên địa bàn huyện Lương Sơn, hầu hết đều được lắp đặt bàn cân điện tử, mỗi khi xe tải ra vào lấy hàng đều phải qua bàn cân này để lấy phiếu.

Cụ thể, khoảng 16h30 ngày 10/12 tại mỏ đá Thiên Hà (thuộc xã Cao Dương huyện Lương Sơn) sau khi lấy hàng, chiếc xe BKS 29C-857.22 mang logo Việt Hưng qua bàn cân rồi di chuyển ra đường mòn Hồ Chí Minh hướng về Xuân Mai, Hà Nội. Qua quan sát, chiếc xe 4 chân này cơi nới thành thùng cao hơn cả phần ca bin trước của xe. Bám theo chiếc xe này từ mỏ đá Thiên Hà về đến địa phận Hà Nội với quãng đường dài khoảng 10km, PV không hề thấy bất kỳ lực lượng chức năng nào kiểm tra xử lý.

Để tìm hiểu kỹ hơn, PV tiến hành đo kích thước thành thùng một chiếc xe thường xuyên lưu thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh để vận chuyển đá. Qua đo đạc, chiếc xe BKS 90C-080.66 có thùng cao 1,66m, dài 7,2m, rộng 2,3m tương đương với 27,5m3. Được biết, các loại đá như 1x2cm, 4x6cm, đá mạt có khối lượng khoảng 1,6 tấn/m3. Như vậy, nếu chở đá bằng miệng thùng, chiếc xe này sẽ có khối lượng hàng hóa khoảng 44 tấn, nhưng theo dữ liệu đăng kiểm, chiếc xe trên chỉ được vận chuyển khối lượng hàng hóa mang theo 20,3 tấn.

Ngoài ra, các điểm nối từ đường Hồ Chí Minh vào các mỏ đất, đá như mỏ đá Ngọc Thảo, mỏ đá 7, mỏ đá Thiên Hà, điểm khai thác đất tại xã Cao Dương..., mặt đường tại những chỗ này đã bị xuống cấp, sụt lún, bong tróc, đá đất vương vãi đầy đường tiềm ẩn nguy mất ATGT rất cao.

Nhóm PV Thường trú

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.