Hạ tầng

Cung đường kết nối du lịch ở Kon Tum vẫn chưa thông do thiếu 5 chiếc cầu

28/07/2023, 21:29

Cung đường nối "Đà Lạt 2" với thủ phủ Quốc bảo Sâm Ngọc Linh (Kon Tum) đã được thông tuyến, tuy nhiên vẫn còn 5 ngầm vượt suối chưa thông.

Tuyến giao thông Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh nối huyện Kon Plông ngang qua Tu Mơ Rông và Đăk Glei (Kon Tum) được ví như cung đường kết nối du lịch nhưng từ năm 2017 đến nay vẫn trắc trở do còn thiếu 5 chiếc cầu.

img

Người dân đi lại cũng rất vất vả qua các ngầm trên tuyến đường.

Mùa mưa là trở ngại

Được khởi công vào tháng 12/2009, đường Ngọc Hoàng -Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh có chiều dài 58km, với tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương.

Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi với mặt đường bê tông xi măng rộng 5m được kết nối từ tỉnh lộ 676 tại xã Măng Bút (huyện Kon Plông), đi qua các xã: Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tu Mơ Rông, Tê Xăng, Măng Ri của huyện Tu Mơ Rông và nối với tỉnh lộ 672 đến xã Ngọc Linh của huyện Đăk Glei.

Tháng 7, mùa mưa đổ về khắp các cánh rừng Kon Tum. Từ Tu Mơ Rông sang huyện Kon Plông trên tuyến giao thông Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh đi qua những cánh rừng già mát lạnh.

Những ngôi làng ven đường, những mái nhà rông sừng sững và những thửa ruộng bậc thang khiến cho ai ai cũng say đắm. Đây là con đường được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển liên kết vùng, tạo vành đai giao thông khép kín phát triển thế mạnh về du lịch giữa vùng Măng Đen (Kon Plông) và thủ phủ sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông.

Con đường được đổ bê tông toàn tuyến di chuyển khá thuận lợi nhưng trên tuyến vẫn còn khó khăn do đường đi qua 5 con suối vẫn chưa có cầu.

Lối đi duy nhất là nhất là băng qua ngầm. Mùa nắng người dân còn dễ dàng đi lại. Nhưng mưa lũ, suối nước đổ về gầm gào rất đáng sợ. Chỉ những khi nước rút thì những chiếc xe hai cầu mới có thể vượt qua.

Người dân địa phương cho biết, tại vị trí 5 ngầm này, mùa khô đi lại đã vất vả còn mùa mưa thì vô cùng khó khăn, gần như ách tắc hoàn toàn. Đáng nói, trong mùa mưa năm vừa qua, có 2 vụ người dân và giáo viên đi dạy qua ngầm đã bị nước lũ cuốn trôi nhưng may mắn được người dân phát hiện cứu giúp kịp thời.

Gặp chúng tôi khi dừng lại tại ngầm Kô Chất, anh anh A Vinh (thôn Kô Chất, xã Măng Bút, huyện Kon Plông) cho biết: "Vào mùa mưa nước lũ từ nguồn đổ về khá bất ngờ. Đôi khi trong vài phút mực nước sông suối dâng cao từ 1-2m và chảy xiết, tất cả các phương tiện không thể lưu thông được, ách tắc hoàn toàn. Hàng hóa của bà con cũng không bán được".

Tiếp lời anh Vinh, anh A Ha (thôn Đăk Lanh, xã Măng Bút, huyện Kon Plông) cho biết thêm, không có cầu qua ngầm nên vào mùa mưa, xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu không thể lưu thông. Bởi vậy, bà con xây dựng nhà cửa thường xuyên chọn vào mùa khô", anh Ha nói và bày tỏ: "Chúng tôi mong rằng, nhà nước sớm đầu tư cầu qua các ngầm để đi lại thuận lợi hơn trong cả 2 mùa. Có như thế thì người dân mới phát triển kinh tế toàn diện được".

Cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc khi con đường chưa được đầu tư hoàn thiện, ông Tạ Chí Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý, Sửa chữa & Xây dựng Giao thông Đăk Bình (đơn vị được giao quản lý tuyến đường này, đoạn từ Tu Mơ Rông đi Kon Plông) cho biết: "Các xe lưu thông từ Kon Plông qua huyện Tu Mơ Rông chỉ lưu thông được 4-5 tháng mùa nắng, còn mùa mưa thì khó, hoặc không thể lưu thông trên toàn tuyến. Nguyên nhân vì trên tuyến đường còn 5 ngầm lớn chưa được đầu tư. Đặc biệt là có 2 ngầm không có cầu treo dân sinh, vào mùa mưa bão thì giao thông ách tắc hoàn toàn".

img

Ngầm tràn qua thôn Kô Chất xã Măng Bút phương tiện đi lại rất khó khăn.

Cần gỡ “điểm nghẽn”

Theo tỉnh Kon Tum, định hướng phát triển kinh tế, tại huyện Kon Plông là phát triển du lịch, dịch vụ. Còn tại huyện Tu Mơ Rông là phát triển về dược liệu, trong đó có dược liệu Sâm Ngọc Linh có giá trị cao.

Việc kết nối giữa hai vùng kinh tế với khoảng cách 58km là rất ngắn. Tuyến đường cũng có những cảnh quan và văn hoá dân tộc thiểu số tạo sức hút với khách du lịch. Nhất là những du khách thích khám phá, trải nghiệm.

Đây cũng là tiềm năng lớn mà chính quyền 3 huyện đang định hướng khai thác nhưng vẫn chưa triển khai được bởi “điểm nghẽn” vì 5 ngầm tràn chưa được đầu tư nên giao thông đi lại khó khăn.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Vừa qua huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông đã ký kết hợp tác phát tiển du lịch, tuy nhiên để hình thành tua tuyến thì chưa hình thành được.

Trong đó, Tu Mơ Rông có vùng sâm Ngọc Linh lớn nhất cả nước. Nhiều du khách đến đây thích thú đi tham quan, trải nghiệm cảnh quan, thăm vườn sâm và mua sản phẩm dược liệu. Tuy nhiên, hiện trạng giao thông kết nối từ Kon Plông đến Tu Mơ Rông vẫn chưa thực sự kết nối.

Có nhiều đoàn lữ hành vẫn chưa đi được từ Kon Plông sang Tu Mơ Rông nhưng phải đi theo QL24 về TP Kon Tum sau đó tiếp tục đi đường Hồ Chí Minh rồi lại đến Đă. Nếu các cây cầu trên tuyến đường này được xây dựng hoàn thiện sẽ thuận lợi hơn cho kết nối phát triển du lịch giữa Tu Mơ Rông và Kon Plông.

“Để thu hút khách du lịch đến với Măng Đen và Tu Mơ Rông, mong rằng tỉnh, ngành chức năng quan tâm sớm đầu tư hoàn thiện các cây cầu còn lại trên tuyến đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh để tháo điểm nghẽn về giao thông thúc đẩy phát triển du lịch”, ông Mạnh kiến nghị.

Đặt vấn đề về 5 điểm ngầm trên tuyến đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, ông Phan Mười, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum cho biết, quá trình đầu tư tuyến đường thiếu vốn để làm cầu. Hiện cũng chưa có nguồn vốn đủ mạnh để xây dựng 5 cây cầu vượt suối.

Cũng theo ông Mười, vừa qua, Sở đã chủ trì khảo sát tính toán 5 chiếc cầu ước chừng trên 73 tỷ đồng để xây lắp.

"Hiện, chúng tôi đang lập dự toán, báo cáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Kon Tum để tìm nguồn vốn xây dựng 5 chiếc cầu trên. Nếu nối được cầu, người dân có thể yên tâm đi lại, vận chuyển hàng hoá. Đặc biệt, việc phát triển du lịch rất thuận lợi. 5 cây cầu trên tuyến đường cũng kỳ vọng làm sức bật phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Đông tỉnh Kon Tum", ông Mười chia sẻ.

"Tu Mơ Rông và Kon Plông là 2 huyện nghèo với 20 xã đặc biệt khó khăn. Địa hình đồi núi, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn rất nhiều khó khăn, nhất là các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, đây lại là hai địa bàn được tỉnh xác định là chiến lược, trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội với vùng nuôi trồng, chế biến dược liệu quý, nhất là “Sâm Ngọc Linh” tại huyện Tu Mơ Rông và khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, huyện Kon Plông đang được tỉnh tập trung đầu tư từng bước trở thành điểm đến đặc trưng khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Do đó, việc đầu tư xây dựng 5 cầu còn lại là hết sức cần thiết và cấp thiết nhằm kết nối thông suốt giữa 2 huyện và với các tỉnh miền Trung, góp phần đảm bảo giao thông, an toàn tính mạng, tài sản của người dân tại khu vực và là đòn bẩy giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh", ông Phan Mười nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.