Hàng chục nghìn GPLX bị trừ điểm
Theo thống kê của Cục CSGT, sau một tháng triển khai Nghị định 168/2024 (từ ngày 1 - 31/1), CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 327.000 trường hợp vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX), chứng chỉ chuyên môn 27.800 trường hợp; trừ điểm hơn 28.700 GPLX. So với thời gian trước liền kề, xử phạt giảm hơn 48.000 trường hợp.
![Cố tình giấu bằng lái khi vi phạm: Lợi bất cập hại- Ảnh 1. Cố tình giấu bằng lái khi vi phạm: Lợi bất cập hại- Ảnh 1.](https://baogiaothong.mediacdn.vn/thumb_w/922/603483875699699712/2025/2/11/kiem-tra-bang-lai-xe-17392382176342105560106.png)
Trừ điểm GPLX vừa có tính chất răn đe vừa giáo dục, động viên, giúp lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn.
Đánh giá về kết quả này, ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, đây là minh chứng cho thấy ý thức tuân thủ pháp luật của người dân đã tốt hơn.
Đáng chú ý, theo quy định mỗi loại GPLX có 12 điểm, người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông, tùy từng lỗi sẽ bị trừ tối thiểu 2 điểm và tối đa 10 điểm.
Khi trừ hết điểm, tài xế không được điều khiển phương tiện. Sau thời hạn ít nhất 6 tháng mới được tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ, do CSGT tổ chức. Kết quả kiểm tra đạt yêu cầu mới được phục hồi đủ 12 điểm.
Chế tài trên đã tạo được sự răn đe lớn với lái xe, mỗi lần bị trừ điểm như tiếng chuông cảnh báo tài xế cần có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn.
Dễ dàng xác minh trên VneID
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, hiện nay, tại một số diễn đàn trên mạng xã hội, nhiều người truyền tai nhau thông tin: để đỡ tốn thời gian và thủ tục thi kiểm tra kiến thức nếu bị trừ hết điểm, không nên xuất trình giấy phép lái xe nếu bị phát hiện vi phạm.
"Nếu khai không có GPLX sẽ tránh được việc bị trừ điểm hoặc tước GPLX có thời hạn, như thế không lo bị trừ hết điểm và phải thi lại", anh N.H.S, một thành viên trên diễn đàn về giao thông bày tỏ.
Thống kê từ Phòng CSGT TP Hà Nội cho thấy, từ ngày 1/1 - 4/2, lực lượng CSGT Hà Nội xử lý gần 19.900 trường hợp vi phạm giao thông, tước 756 GPLX, trừ điểm hơn 2.200 GPLX.
Không ít ý kiến cho rằng, trong số hơn 1.300 trường hợp không có GPLX liệu có trường hợp nào cố tình khai gian dối để tránh bị trừ điểm hay không?
Về vấn đề này, lãnh đạo Đội CSGT đường bộ số 6 - Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, các tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đội chưa phát hiện trường hợp nào như trên.
Theo quy định tại Thông tư 28/2024 của Bộ Công an, hiện nay, bên cạnh GPLX bản cứng, người dân có thể xuất trình GPLX, đăng ký xe... qua ứng dụng VNeID. Do đó, trường hợp chủ xe không mang GPLX bản cứng, lực lượng chức năng có thể đề nghị xuất trình thông qua VNeID.
Trường hợp tài xế đã tích hợp thông tin GPLX trên VNeID nhưng khai báo không có GPLX, lực lượng chức năng dễ dàng xác minh qua ứng dụng này, với đầy đủ thông tin về họ tên lái xe, số GPLX, thời hạn GPLX và số điểm GPLX hiện tại.
Cố tình giấu sẽ bị phạt nặng
Theo thiếu tá Nguyễn Văn Tấn, Đội phó Đội CSGT - Trật tự, Công an TP Thanh Hóa, trường hợp tài xế chưa cài đặt ứng dụng VNeID hoặc chưa tích hợp thông tin GPLX trên VNeID, chưa xác minh được tài xế không có GPLX thật hay không tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng vẫn sẽ lập biên bản vi phạm hành chính lỗi vi phạm ban đầu cùng lỗi điều khiển phương tiện không có GPLX.
Sau thời hạn quy định (7 ngày làm việc), tài xế xuất trình được GPLX sẽ được chuyển về lỗi vi phạm "không mang GPLX" cùng lỗi vi phạm ban đầu, tùy mức độ sẽ bị trừ điểm hoặc tước GPLX có thời hạn. Trường hợp vẫn không xuất trình được GPLX sẽ bị xử phạt lỗi không có GPLX.
"Đa số các trường hợp khai báo không có GPLX thường là lỗi vi phạm nồng độ cồn, không tỉnh táo ở thời điểm lập biên bản hoặc do ý thức quá kém, thiếu hiểu biết về quy định và mức phạt vi phạm giao thông. Bởi mức phạt đối với lỗi không có GPLX nặng hơn rất nhiều so với lỗi không mang GPLX", thiếu tá Tấn nói.
Cụ thể, theo Nghị định 168/2024, trường hợp không mang GPLX, mức phạt với người điều khiển mô tô, xe gắn máy từ 200 – 300 nghìn đồng; với người điều khiển ô tô từ 300 – 400 nghìn đồng.
Trong khi đó, trường hợp không có GPLX, mức phạt với người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh đến 125cm³ hoặc công suất động cơ điện đến 11kW từ 2 - 4 triệu đồng; người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh trên 125cm³ hoặc công suất động cơ điện trên 11kW, xe ba bánh từ 6 - 8 triệu đồng; với người điều khiển ô tô mức phạt từ 18 – 20 triệu đồng.
Ngoài bị phạt nặng, người vi phạm sẽ bị xử phạt và phải chịu những hậu quả pháp lý đi kèm. Hiện nay, Cục CSGT và Cục Đường bộ VN và các địa phương đã có sự chia sẻ dữ liệu về giấy phép lái xe để thống nhất việc quản lý và xử lý vi phạm, vì vậy người vi phạm giao thông nếu cố tình giấu GPLX khi vi phạm cũng rất khó.
Một chuyên gia giao thông cho biết, hiện nay, cơ quan chức năng đang đẩy mạnh ứng dụng định danh điện tử VNeID, liên thông dữ liệu của mỗi cá nhân trên môi trường điện tử.
Do đó, Bộ Công an và Bộ GTVT cần tiếp tục tăng cường chia sẻ dữ liệu về GPLX để thống nhất quản lý, xử lý vi phạm giao thông. Từ đó, có thể nghiên cứu tích hợp tra cứu GPLX thông qua quét mã QR trên căn cước công dân. Làm được như vậy, chắc chắn không trường hợp nào dám khai báo gian dối, giấu GPLX để né tránh việc bị trừ điểm khi vi phạm giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận