• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
An toàn giao thông

Có nên bỏ “hạn ngạch” taxi?

26/10/2017, 06:17

Nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ quy hoạch số lượng taxi để thị trường tự điều tiết.

1

Hàng chục chiếc taxi nối đuôi nhau quay vòng trước cổng Bệnh viện Nhi T.Ư đón, trả khách - Ảnh: Khánh Linh

Đề xuất bỏ quy hoạch số lượng taxi

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đề xuất Bộ GTVT nên bỏ quy định về quy hoạch số lượng xe taxi, để thị trường tự điều tiết. Đề xuất này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.

Là doanh nghiệp có 300 đầu phương tiện đang hoạt động, ông Đặng Tuấn Anh, Giám đốc Taxi Thành Lợi cho biết, đang muốn mở rộng kinh doanh tăng thêm 200 xe nhưng lại vướng quy hoạch của thành phố. “Tôi cho rằng, nên tuân theo quy luật của thị trường, để thị trường tự điều tiết thay vì ra “hạn ngạch”. Doanh nghiệp chẳng bao giờ bỏ tiền đầu tư nhiều xe trong khi nhu cầu của thị trường đã đến ngưỡng”, ông Tuấn Anh nói.

"Quy hoạch giao thông đã được quy định tại Điều 6, Khoản 1 của Luật GTĐB 2008, trong đó quy định quy hoạch GTVT đường bộ gồm quy hoạch kết cấu hạ tầng, quy hoạch giao thông và vận tải đường bộ. Điều 6 cũng quy định UBND cấp tỉnh thực hiện các quy hoạch này. Về đề xuất bỏ quy định về quy hoạch số lượng xe taxi, Bộ GTVT sẽ tiếp thu và nghiên cứu nội dung này trong quá trình sửa đổi Luật GTĐB”.

Bà Phan Thị Thu Hiền
Phó tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ VN

Thực tế, theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, để giảm ùn tắc giao thông, từ năm 2012, Hà Nội và TP HCM không cấp phép tăng thêm xe taxi. Tuy nhiên, từ khi Grab, Uber được phép hoạt động, lượng xe ô tô kinh doanh dưới 9 chỗ tăng gấp đôi so với taxi truyền thống. Chỉ trong 18 tháng áp dụng thí điểm, số lượng xe hoạt động kiểu Uber, Grab trên toàn quốc đã lên tới hơn 50.000 chiếc. Riêng tại Hà Nội, xe dưới 9 chỗ là hơn 25.000 chiếc. Việc này đã phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông trầm trọng. “Nếu duy trì quy hoạch, cần có biện pháp quản lý đầu xe đối với “taxi công nghệ” để phù hợp với quy hoạch số lượng xe taxi của thành phố”, ông Bình thẳng thắn nói.

Cũng theo ông Bình, áp lực lớn đối với taxi truyền thống hiện nay là không được gia tăng số lượng, trong khi số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ tăng gấp bội. Khi bỏ quy hoạch là sẽ không còn tình trạng doanh nghiệp taxi tại Hà Nội phải đăng ký ở địa phương khác rồi quay ngược lại Hà Nội hoạt động và Hà Nội cũng sẽ thu được thuế. Thêm nữa, thị trường kinh doanh taxi không bị “o ép”, lái xe có thể dễ dàng chuyển sang doanh nghiệp tốt hơn, làm tăng tính cạnh tranh.

“Việc bỏ quy định về quy hoạch số lượng xe taxi là đúng với quy luật thị trường, hãy để cho thị trường tự điều tiết. Trong quá trình điều tiết đó, những hệ lụy, xung đột chắc chắn sẽ có nhưng rồi cũng đến lúc kết thúc. Hoặc phải quy hoạch số lượng đối với cả xe hợp đồng dưới 9 chỗ, còn không thì nên “mở” cho doanh nghiệp tự cạnh tranh”, ông Bình khẳng định.

Về lo ngại sẽ tăng ùn tắc khi không có quy hoạch, ông Bình cho rằng, mọi thứ đều có ngưỡng phát triển, nếu hay ùn tắc lái xe cũng không có thu nhập do hành khách không đi mà lựa chọn cách thức di chuyển khác. Có cầu thì có cung, khi cung vượt quá cầu sẽ có khủng hoảng một thời gian rồi mọi thứ lại đâu vào đấy do sự điều tiết của thị trường.

Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận, tuy có lợi về mặt quản lý phương tiện nhưng chất lượng dịch vụ sẽ không tốt hơn. Nếu không có những điều kiện quản lý gắt gao, dịch vụ sẽ khó tốt vì tính kỷ luật của lái xe rất kém. Vì vậy, phải có chính sách quản lý bằng phù hiệu khi bỏ quy định quy hoạch số lượng. Không cần phân bổ chỉ tiêu, không cần quản lý số lượng cho từng loại hình kinh doanh vận tải mà chỉ cần quản lý qua phù hiệu vận tải để quản chất lượng dịch vụ.

2
Taxi bắt khách trước cổng bệnh viện Bạch Mai, đường Giải Phóng, Hà Nội - Ảnh: Khánh Linh

Vẫn nhiều ý kiến trái chiều

Mặc dù vậy, đề xuất bỏ quy hoạch taxi cũng nhận được không ít ý kiến trái chiều. Là doanh nghiệp sở hữu thương hiệu taxi Đất Cảng, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cho rằng, đối với kinh doanh vận tải cần phải có quy hoạch, nếu không sẽ nảy sinh tình trạng bát nháo, kinh doanh chộp giật. Nên khống chế số lượng phương tiện đủ đáp ứng nhu cầu thực tế và sự phát triển của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phải tự đổi mới phương tiện.

“Thực tế, nhu cầu tăng số lượng xe chỉ xảy ra ở một vài thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Ngay như Hải Phòng dư địa phát triển số lượng xe vẫn còn nhiều. Điều quan trọng cần công khai, minh bạch trong thực hiện quy hoạch, tránh tình trạng xin cho”, ông Hải nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, taxi truyền thống hiện đang kiện Uber, Grab vì cho rằng trong khi họ bị hạn chế bởi số lượng xe còn Uber, Grab thì không. Tuy taxi truyền thống muốn bỏ quy hoạch số lượng và muốn để thị trường tự điều tiết nhưng câu hỏi đặt ra hiện nay thị trường đã thật sự điều tiết hay chưa? “Lợi nhuận chính là công cụ của thị trường điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều người cùng lao vào kinh doanh một mặt hàng, một lĩnh vực vì kiếm được nhiều lợi nhuận nhưng khi thị trường đã bão hòa lại đồng loạt rút, lợi nhuận không bền vững. Ý kiến để thị trường tự điều tiết cũng có lý do nhưng khi số lượng xe Uber, Grab phát triển rất nhanh mà taxi truyền thống không cạnh tranh được lại “phình to” thêm nữa nguy cơ phá sản sẽ rất cao”, ông Long lý giải.  

Cũng theo ông Long, ách tắc giao thông tại các thành phố lớn như: Hà Nội và TP.HCM đã rất trầm trọng. Nếu không có quy hoạch, không phương án điều hành chung sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường kinh doanh vận tải và ATGT. Tùy điều kiện của từng thành phố mà có những quyết sách khác nhau, các địa phương có thể để tự thị trường điều tiết cung cầu nhưng nếu không quản lý chặt đối tượng này lại ra các thành phố lớn hoạt động”, ông Long khẳng định và đề xuất: “Trước mắt, tôi cho rằng nếu khống chế số lượng taxi truyền thống thì cũng phải khống chế số lượng xe Uer, Grab”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, Luật GTĐB năm 2008 đã quy định cụ thể về quy hoạch phương tiện. “Phải có quy hoạch phương tiện để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nhưng không làm nảy sinh số lượng phương tiện dư thừa, làm tăng tỷ lệ chạy rỗng, không có hiệu quả KT-XH. Phải tránh tình trạng khi làm ăn được thì ồ ạt đầu tư dẫn đến cung vượt quá cầu”, ông Tuyển khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.