Nằm sát Quốc lộ 24, làng Vi Ô Lăk, xã Pờ Ê (huyện Kon Plông, Kon Tum) tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Bao đời qua, rừng núi chở che cho người Hrê hiền lành, chất phác. Nơi đây, người dân còn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng thành làng văn hóa - du lịch cộng đồng.
Trâu còn được xem là người bạn thân thiết của người Hrê ở Pờ Ê. Ảnh: Đ.T- B.KT
Ngôi làng chứa đựng truyền thống
Tháng 10, mùa mưa rền rã trên những căn nhà sàn. Mưa lắc rắc cùng với sương mù dày đặc, những làn khói trắng toả lên từ những mái nhà sàn càng khiến cho Vi Ô Lăk huyền ảo bên núi rừng. Già làng A Liar (72 tuổi) trầm ngâm: "Làng Vi Ô Lăk được bao bọc bởi hệ thống các dãy núi cao và những con suối lớn. Trong đó, núi Vang Y Phu có suối Nước Nong ở phía đông và núi Vang Hạ Rô có suối Pờ Ê ở phía tây tạo ra 2 con suối lớn chảy quanh năm. Ngày xưa, khi tổ tiên của dân làng đến đây tìm đất để sinh cơ lập nghiệp, vùng đất này trù phú, khí hậu hiền hòa, nhưng đường đi lại rất khó khăn, vì thế người dân đặt tên là làng Vi Ô Lăk. Vi có nghĩa là họ, là người ta, là cộng đồng; còn Ô Lăk là "cụt", "tắc tịt" - nghĩa là mọi người đi đến đây là hết đường, là con đường cụt.
Và cũng bởi thế núi, thế làng người Hrê nơi đây như có một văn hoá riêng biệt, già A Liar nói và dẫn giải: "Làng Vi Ô Lăk nằm gần đèo Vi Ô Lăk (Quốc lộ 24) có thác Tru, thác Rỗi, thác Ly chảy quanh năm, tạo nên một vùng quê có phong cảnh hữu tình, yên bình giữa trời đất bao dung, càng làm cho tính cách của người dân nơi đây vốn hiền lành, chất phác, lại càng yêu thương, đùm bọc nhau trong gian khó".
Thâm u núi rừng, của núi, của suối và tiếng vọng của Trường Sơn khiến cho bản sắc văn hoá ở đây có những nét riêng khác lạ. Tiếng cồng chiêng của hội hè, của ngày vui của làng và của những nỗi đau ai oán khi có người chết như âm vọng hơn khi vọng về phía núi rồi dội ra. Những đôi chân cứng cỏi không biết mệt mỏi vượt rừng và những đôi tay khéo léo đan lát làm những chiếc gùi, những chiếc giỏ xinh xắn.
Bà Y Lía (58 tuổi) - nghệ nhân đánh cồng chiêng của làng kể: "Già, khi đứng cao bằng rốn người lớn đã theo đàn anh, đàn chị trong làng tập đánh cồng chiêng. Người lớn nhịp tay, nhấn nhá vào mu thịt ở tay để điều chỉnh tiếng chiêng, thế là mình học theo. Mình biết gõ tiếng thanh, tiềng trầm, tiếng dồn dập của nhịp vui. Ở làng ai ai cũng biết múa theo nhịp cồng chiêng, ai cũng biết hát theo nhịp...". Thật bất ngờ hơn, bà Y Lía chính là một trong những người "nghệ sĩ" của làng. Ông A Liar cho biết, bà Lía chính là người đánh cồng chiêng có “hồn” nhất làng. Thời trẻ nhiều trai làng mê tiếng cồng chiêng của bà mà không được bà để ý tới", ông A Liar kể và cười vang rồi dẫn chúng tôi đến nhà bà Y Lam (53 tuổi) - nghệ nhân đan lát của làng.
Chỉ cho chúng tôi thấy những chiếc gùi, những chiếc giỏ gia dụng, bà Lam cho biết là tự tay mình đan. Cầm bàn tay thô ráp, những vết sẹo chai ở tay, bà Lam cười xoà: "Ngày còn nhỏ, thấy trong làng có nhiều người đan tre đẹp, thế là mình bắt chước họ theo thôi. Học đan từ cách lựa tre, vót nan tre đều tăm tắp... tỉ mỷ từng chút một. Mình đi ra ngoài thấy người khác đan nhiều thứ đẹp nên học làm theo và đan được nhiều loại sản phẩm. Qua thời gian, tay nghề được nâng lên. Các sản phẩm bà làm ra ngày càng có nhiều hình dáng, mẫu mã, họa tiết phong phú và đẹp hơn trước...
Toàn thôn hiện có 85 hộ và 304 nhân khẩu, 100% là dân tộc Hrê. Điều bất ngờ hơn là ở trong làng Vi Ô Lăk đến nay đã không còn hộ nghèo. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông A Sắp - Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Ê cho biết: "Nhờ chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đến nay, toàn thôn có 50 ha ruộng nước, 50 ha cây mì, 30 ha cây keo và 397 con gia súc (140 con trâu, 42 con bò, 215 con heo) và 350 con gia cầm.
Cấu trúc quản lý của làng gồm già làng và tham mưu cho già làng là Hội đồng già làng theo truyền thống. Quy hoạch không gian làng của người Hrê là không có nhà sinh hoạt chung của làng như nhà rông hay nhà gươil của nhiều dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, mà các hộ trong dòng tộc thường xây dựng nhà gần nhau.
Các nghệ nhân đan lát làng Vi Ô Lak, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông bên các sản phẩm của mình. Ảnh: V.P
Tiềm năng du lịch
Nhà ở truyền thống trước đây của người Hrê ở làng Vi Ô Lăk thường là nhà dài, nhiều nhất là 9 gian. Người dân quan niệm số gian nhà ở là số lẻ thì mới sinh con đàn, cháu đống. Họ sống chung nhiều thế hệ với nhau, thường có từ 3-4 thế hệ. Nhà ở hộ gia đình của người Hrê thường gắn với hệ thống kho thóc, nhà để củi đặt cạnh nhà ở và có hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xung quanh. Trong nhà ở có khu vực tôn nghiêm để các vật thiêng gồm: cối thiêng, cột thiêng và ghè rượu thiêng. Đây là trung tâm tín ngưỡng của hộ gia đình, dòng tộc. Hiện nay, phần lớn nhà ở của làng Vi Ô Lăk vẫn duy trì được thiết kế truyền thống tạo nên không gian khá đẹp của làng.
Làng Vi Ô Lăk có 1 nhà văn hóa cộng đồng, 1 đội cồng chiêng với 2 bộ cồng chiêng. Trong làng, người dân vẫn còn giữ các lễ hội như: ăn lúa mới, lễ hội gieo mạ, lễ hội đâm trâu 1 năm tổ chức 1 lần. Ẩm thực của dân làng là các loại rau rừng và thực phẩm tự sản xuất như gà, heo, lúa nếp, gạo rẫy, mì và các loại cá, cua, ốc tự bắt ở suối. Nghề truyền thống của làng là nghề đan lát, dệt.
Làng Vi Ô Lăk nằm cạnh Quốc lộ 24 cửa ngõ giữa Kon Tum với Quảng Ngãi về hướng biển. Ngôi làng nổi bật bởi kiến trúc nhà sàn dài. Những kho đựng lúa ngày mùa, những nhà chòi đặc trưng của người Hrê…; Cảnh quan hoang sơ cùng với hệ thống sông, suối chảy qua làng gắn kết với địa hình đồi núi, rừng thông xanh tốt. Đứng dưới một ngôi nhà sàn để nghe tiếng cồng chiêng của hội hè, để lắng lại mình khi kiếm một điểm cao nhìn ra thông xanh ngút ngát tầm mắt.
Bởi cảnh đẹp và văn hoá phong tục đẹp nên làng Vi Ô Lăk được UBND huyện Kon Plông phê duyệt xây dựng thành làng văn hóa - du lịch cộng đồng để bảo tồn những vốn quý của đồng bào dân tộc Hrê; đồng thời mở ra một hướng đi mới để thay đổi cuộc sống người dân.
Làng Vi Ô Lăk có thể phát triển nhiều loại hình du lịch đặc thù như: sinh thái, tham quan, dã ngoại, thể thao, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa bản địa... Trong chiều hướng phát triển, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh quan tâm có nhiều dự án đăng ký đầu tư, làng Vi Ô Lăk có điều kiện mở rộng liên kết vùng, hình thành các tour du lịch rừng và nằm trong hành lang các tuyến, điểm du lịch quan trọng của tỉnh xuyên về hướng biển thông qua Quốc lộ 24 về hướng tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Với mục đích khai thác các lợi thế về tài nguyên, khí hậu, lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng du lịch - dịch vụ, giải quyết việc làm, phát triển ngành nghề phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, phát triển du lịch cộng đồng làng Vi Ô Lăk phải đi đôi với việc bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch, nâng cao trình độ dân trí, nâng cao vị thế du lịch huyện Kon Plông với cả nước cũng như quốc tế.
Theo UBND huyện Kon Plông: hiện nay, hệ thống đường bê tông từ Quốc lộ 24 vào đến làng Vi Ô Lăk và các đường nội làng chưa đầu tư xây dựng nhiều, đường trục chính chưa đảm bảo cho xe 42 chỗ ra vào được, mặt đường nhiều đoạn bị sạt lở, hệ thống thoát nước chưa đảm bảo, chưa có hệ thống chiếu sáng.
Nhà văn hóa xuống cấp và chưa có hệ thống âm thanh, bàn ghế và nhà vệ sinh. Cơ sở lưu trú du lịch tại làng chưa được đầu tư phát triển, các dịch vụ vui chơi giải trí chưa có, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa định hình được các hoạt động của khách khi ở lại lưu trú. Các dịch vụ mua bán hàng hóa chưa có, chưa có các mặt hàng truyền thống để phục vụ du lịch…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận