Xã hội

Chủ tịch Quốc hội: Lấy ý kiến Luật Đất đai phải thực chất, tránh hình thức

13/12/2022, 17:00

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai sửa đổi phải thực chất, tránh hình thức.

Đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi)

Chiều 13/12, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có tờ trình về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi dự án luật rất quan trọng này.

img

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Yêu cầu lần này của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được xác định là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, nghiêm túc, thực chất, khách quan.

Việc tổ chức lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý, hoàn thiện đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết; bảo đảm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân.

"Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, do đó, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023)", ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Cơ quan này cũng đề nghị quy định đối tượng lấy ý kiến bao gồm "các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài". Việc lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần được làm rõ hơn về cơ quan đầu mối tổ chức triển khai lấy ý kiến và tiếp nhận ý kiến, hình thức lấy ý kiến, cách thức thông tin, tuyên truyền để người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể tiếp cận được dự thảo Luật...

Liên quan thời gian xin ý kiến, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, vẫn còn ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành thời gian như quy định trong dự thảo Nghị quyết (bắt đầu từ ngày 3/1 đến hết ngày 28/2/2023).

Loại ý kiến thứ hai cho rằng thời gian lấy ý kiến như trên trùng với thời gian Tết Nguyên đán năm 2023, do đó, việc lấy ý kiến nhân dân có thể gặp khó khăn, nên đề nghị kéo dài thời gian đến hết ngày 15/3/2023.

"100% ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) đến hết ngày 15/3/2023", ông Vũ Hồng Thanh nói.

Việc lấy ý kiến cần thực chất, "tránh hình thức, làm cho có"

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc xây dựng quyết sách về pháp luật phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm. Đối tượng lấy ý kiến là người dân và doanh nghiệp cần được cụ thể hóa.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện chưa tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhưng vẫn nhận được văn bản góp ý hoặc nhiều ý kiến hay gửi trực tiếp Chủ tịch Quốc hội.

"Người ta đề xuất từng vấn đề một như thế mới đáng quý. Còn nhiều hội thảo, tọa đàm hoành tráng nhưng chủ yếu bình luận và đánh giá, chưa đưa ra giải pháp. Nên cần trao đổi thêm về việc này, từ đó xác định đối tượng cụ thể", ông Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần xem xét thêm cách thức lấy ý kiến thế nào bởi trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cũng nêu cần thực chất, hiệu quả.

"Việc đăng tải trên cổng thông tin điện tử thì đôi khi đọc qua thấy êm, không vấn đề gì nhưng khi ban hành và tổ chức thực hiện mới hóa ra thế này, thế kia. Báo cáo thẩm tra nêu rất đúng, đưa ra mấy nội dung như vậy mà mình toàn chuyên gia còn chả hiểu thì làm sao mà dân hiểu được mà góp ý", ông Huệ nêu.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên chăng 63 tỉnh, thành có hình thức như "báo cáo viên" nêu vấn đề hiện đang có vướng mắc thế này, đã bàn sửa thế nào, sửa như thế tác động ra sao.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về chủ thể lấy ý kiến và việc sử dụng kết quả.

"Trong này, chủ thể lấy ý kiến là Chính phủ nhưng Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội thì thế nào? Trong kế hoạch Thường vụ Quốc hội lấy kết quả sử dụng, rất thụ động có được không? Mình chỉ ban hành nghị quyết rồi ngồi chờ Chính phủ gửi về, mà Chính phủ ở đây cũng chỉ ngồi chờ Bộ Tài nguyên và môi trường. Tôi thấy các bước này trình tự, thủ tục có vẻ rất chặt chẽ nhưng khó hiệu quả", ông Huệ nêu thêm và nhấn mạnh việc lấy ý kiến cần thực chất, "tránh hình thức, làm cho có"

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.